Dòng tiền “hụt hơi”, nợ phải trả của “vua thép” Hòa Phát vượt mốc 100.000 tỷ đồng

17/09/2022 18:08

Dòng tiền kinh doanh 6 tháng đầu năm của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) giảm đến 83% so với cùng kỳ xuống còn 2.281 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ phải trả tính đến ngày 30/6/2022 của Hòa Phát cũng ở mức 107,6 nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận giảm sâu, dòng tiền cũng “hụt hơi”

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 sau soát xét của Tập đoàn Hòa Phát cho thấy, kết thúc nửa năm 2022, HPG của chủ tịch Trần Đình Long ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng trong quý II, HPG ghi nhận doanh thu 37.714 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.023 tỷ đồng, giảm gần 59%.

Chia sẻ về lý do khiến lợi nhuận của HPG bất ngờ giảm mạnh, chủ tịch Trần Đình Long nói ““Bức tranh tài chính quý 2/2022 của các doanh nghiệp thép nói chung và Hòa Phát nói riêng đều tương đối ảm đạm bởi tác động của các yếu tố thị trường. Biên lợi nhuận ròng của Hòa Phát giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, từ 27% xuống còn 11%”.

Xét về dòng tiền của HPG cũng không khả quan hơn là mấy so với cùng kỳ.

Cụ thể, với việc lợi nhuận ảm đảm, dòng tiền kinh doanh của Hòa Phát 6 tháng đầu năm cũng ‘hụt hơi’ đến 83% xuống còn 2.281 tỷ đồng. Trong khi cũng kỳ là 13.457 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh giảm sâu sau 6 tháng năm 2022 của HPG.  

Không những vậy, dòng tiền đầu tư của Hòa Phát cũng ghi nhận âm hơn 16.749 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm gần 13.064 tỷ đồng, duy nhất chỉ có dòng tiền tài chính dương hơn 12.338 tỷ đồng. Dù vậy, dòng tiền thuần trong kỳ tại Hòa Phát vẫn âm hơn 2.130 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương gần 949 tỷ đồng.

Nợ phải trả “tăng tốc’ vượt mốc 100.000 tỷ đồng

Ngoài tình hình kinh doanh không mấy “sáng sủa” thì bức tranh tài chính của HPG cũng tương đối u ám.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2022, tổng nợ phải trả của Hòa Phát là 107.581 tỷ đồng, trong đó có 66.910 tỷ đồng nợ phải trả tài chính và 37.664 tỷ đồng tài sản tài chính hưởng lãi suất cố định, chiếm 51,8% tổng nguồn vốn. Đây cũng là lần đầu tiên tổng nợ của Hòa Phát vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn còn hơn 3.100 tỷ đồng nợ phải trả tài chính chịu lãi suất thả nổi.

Nợ phải trả của HPG vượt mốc 100.000 tỷ đồng.  

Chi phí lãi vay cũng lập đỉnh mới 717 tỷ đồng trong quý II/2022. Ngoài việc dư nợ tăng cao, mặt bằng lãi suất đi lên cũng là nguyên nhân khiến Hòa Phát phải trả chi phí vay lớn hơn.

Lãi vay lên cao trong khi lợi nhuận sa sút vì thị trường thép diễn biến bất lợi đã khiến cho tỷ lệ khả năng trả lãi giảm còn 7,1 lần, mức thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây.

Cũng nên lưu ý rằng, nợ vay của HPG tăng lên trong bối cảnh doanh nghiệp này đang triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 3 tỷ USD, công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC).

Được biết, vốn đầu tư của Khu liên hợp Dung Quất 2 được điều chỉnh lên mức 77.000-80.000 tỷ đồng, tăng 10% -14% so với mức 70.000 tỷ đồng trước đây. Công suất thiết kế của dự án là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn sản phẩm thép dẹt và một triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao và các sản phẩm thép khác. Sau khi hoàn thành KLHDQ 2, tổng công suất thép thô của HPG sẽ đạt mức 14,6 triệu tấn/năm, tăng 66% so với cuối năm 2021.

Về lượng hàng tồn kho, tính đến ngày 30/6 con số này của Hòa Phát cao nhất ngành, lên tới hơn 58.000 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm. Tuy nhiên, giá bán thép giảm trong khi giá thành cao làm chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải trích lập tính đến 30/6/2022 ở mức rất lớn là 762 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm chỉ hơn 235 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá vốn hàng bán và giảm biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát từ 33% cùng kỳ xuống còn 18% trong quý 2/2022.

Kết phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/9, cổ phiếu HPG giao dịch ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu (giảm khoảng 40% so với thời điểm đầu năm).  

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG là cái tên bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường với giá trị lên đến hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ tỷ USD thuộc Dragon Capital quản lý, là một trong những bên bán ra tích cực nhất.

Bên cạnh đó, cổ phiếu HPG giảm sâu còn khiến hàng loạt tổ chức từ công ty chứng khoán (TVB, VDSC, SSI) đến quỹ đầu tư trong nước (Ballad Fund), thậm chí cả doanh nghiệp tay ngang cũng đành ngậm ngùi ôm lỗ.

Ngày 16/5/2022, vì vi phạm chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt đối với Tập đoàn Hòa Phát số tiền 125 triệu đồng do công ty này không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng tiền “hụt hơi”, nợ phải trả của “vua thép” Hòa Phát vượt mốc 100.000 tỷ đồng" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).