Dòng tiền từ cá nhân trong nước 'ồ ạt' đổ vào TTCK trong năm 2021, mua ròng 88.800 tỷ đồng

05/01/2022 13:17

Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp giao dịch trên thị trường chứng khoán diễn ra bùng nổ và các chỉ số liên tục đi tìm những mốc cao mới bất chấp việc khối ngoại cũng như các tổ chức bán ròng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm (31/12), VN-Index đứng ở mức 1.498,28 điểm, tương ứng tăng 35,73% so với cuối năm trước. HNX-Index tăng đến 133,35% lên 473,99 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 51,35% lên 112,68 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm kèm theo sự bùng nổ về thanh khoản trong năm 2021. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.589 tỷ đồng/phiên (1,16 tỷ USD/phiên), gấp 3,6 lần năm 2020. Giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp đến 4 lần và đạt 24.493 tỷ đồng/phiên.

Năm 2021 tiếp tục mạng đậm dấu ấn của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của cá nhân trong nước 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020 và cao hơn so với mức gần 1,18 triệu đơn vị của 5 năm trước cộng lại. Chính dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp giao dịch trên thị trường chứng khoán diễn ra bùng nổ và các chỉ số liên tục đi tìm những mốc cao mới bất chấp việc khối ngoại cũng như các tổ chức bán ròng.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ FiinPro, cá nhân trong nước năm 2021 mua ròng kỷ lục 88.800 tỷ đồng trên HoSE, trong đó có trên 93.000 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

HPG được cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất năm 2021 với giá trị lên đến 19.900 tỷ đồng. Đứng thứ hai trong danh sách mua ròng là VPB với 9.000 tỷ đồng. VNM và CTG cũng là hai cổ phiếu được cá nhân mua ròng rất mạnh và đều trên 5.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, MWG bị bán ròng mạnh nhất với 3.000 tỷ đồng. ACB đứng sau và bị bán ròng 2.400 tỷ đồng. Hai cổ phiếu ngân hàng khác là STB và TCB đều bị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng.

Trái ngược hoàn toàn với các cá nhân trong nước, khối ngoại có năm bán ròng kỷ lục ở HoSE với  khoảng 58.000 tỷ đồng (gấp 3,8 lần năm ngoái). Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại bán ròng gần 73.000 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Toàn bộ cả 10 cổ phiếu trong danh sách bán ròng mạnh nhất sàn HoSE đều có giá trị trên 1.000 tỷ đồng. HPG đứng đầu danh sách bán ròng toàn thị trường chứng khoán năm 2021 với giá trị lên đến 18.900 tỷ đồng. VPB và VNM đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 9.331 tỷ đồng và 6.630 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 4.660 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét về khớp lệnh, cổ phiếu chỉ được mua ròng trên 379 tỷ đồng. STB đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng với 4.200 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND và FUESSVFL đều được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 3.100 tỷ đồng và 1.154 tỷ đồng nhưng chủ yếu thông qua thỏa thuận.

Tương tự khối ngoại, tổ chức trong nước cũng giao dịch tiêu cực khi bán ròng trên 30.400 tỷ đồng, trong đó, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng 27.700 tỷ đồng sau một năm giao dịch (25.600 tỷ đồng đến từ khớp lệnh.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VHM với giá trị 8.200 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HNG cũng bị bán ròng 3.200 tỷ đồng. Các mã STB, PLX, DIG, GEX và MBB cũng đều bị tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng trên 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ACB được mua ròng mạnh nhất với 2.100 tỷ đồng. Các mã cũng được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng có VJC, MSN, VIC và TCB,

Đối với tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK), dòng vốn này bán ròng 2.666 tỷ đồng sau 2 năm liên tiếp mua ròng trước đó. Tuy nhiên nhìn sâu hơn vào giao dịch của dòng vốn này, khối tự doanh lại giao dịch có phần tích cực khi mua ròng đột biến 5.330 tỷ đồng nếu chỉ xét về giao dịch khớp lệnh.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Các chứng chỉ quỹ ETF nội đều bị khối tự doanh bán ròng mạnh và phần lớn thông qua phương thức thỏa thuận. Đứng đầu danh sách bán ròng là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 2.923 tỷ đồng. Tiếp sau đó, chứng chỉ quỹ FUESSVFL cũng bị bán ròng 1.178 tỷ đồng. Một chứng chỉ quỹ ETF khác là E1VFVN30 đứng thứ 5 trong danh sách bán ròng với 582 tỷ đồng. Trong khi đó, vị trí thứ 3 và 4 về giá trị bán ròng của khối tự doanh thuộc về HPG và VND với giá trị lần lượt 840 tỷ đồng và 612 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, KDH được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất với 860 tỷ đồng. MWG cũng được mua ròng 695 tỷ đồng. Các cổ phiếu ngân hàng gồm VPB, TCB, CTG hay ACB về góp mặt trong danh sách bán ròng mạnh của khối tự doanh.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng tiền từ cá nhân trong nước 'ồ ạt' đổ vào TTCK trong năm 2021, mua ròng 88.800 tỷ đồng" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).