Dòng vốn rót vào mảng năng lượng tái tạo của hệ sinh thái Kosy Group liệu có bất ổn?

28/07/2022 15:14

Những dự báo cho thấy nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong 5 năm tới. Điều này càng làm gia tăng rủi ro cho các ngân hàng và nhà đầu tư. Với việc rót vốn vào dự án điện gió Bạc Liêu như hiện tại và đang nhắm đến đầu tư loạt dự án điện gió, điện mặt trời, liệu dòng vốn của CTCP Kosy thuộc hệ sinh thái Kosy Group có bất ổn hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Cách đây vài tháng, CTCP Kosy (mã chứng khoán: KOS) thuộc hệ sinh thái Kosy Group đã lọt vào Top 10 nhà đầu tư IPP (dự án điện độc lập) năng lượng sạch uy tín ở Việt Nam 2021. Doanh nghiệp (DN) này được cho là ghi dấu ấn trên thị trường khi đưa dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu - 40,5 MW về đích, chính thức vận hành, hòa lưới điện quốc gia.

Dấu hỏi về tính hiệu quả 

Ở đại hội cổ đông thường niên 2022 được tổ chức gần đây, CTCP Kosy cho biết sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phần của CTCP Điện gió Kosy Bạc Liêu, nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 90% (công ty sở hữu nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu – 40,5 MW). 

nhieu-rui-ro-anh-huong-den-kha-nang-tra-no-vay-1658993773.jpg
Nhiều rủi ro ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay không khác gì “bóng mây u ám” đang đến với các nhà đầu tư điện gió.

Dự kiến, sau khi hoán đổi thành công ty cổ phần của CTCP Điện gió Kosy Bạc Liêu, vốn điều lệ của CTCP Kosy dự kiến tăng thêm 566,7 tỷ đồng, từ 2.164 tỷ lên 2.731 tỷ. Tổng tài sản sau hợp nhất dự kiến tăng thêm 1.314 tỷ, từ 3.875 tỷ lên 5.189 tỷ.

Ngoài việc đầu tư vào công ty điện gió nêu trên, liên quan đến việc đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo, hồi tháng 12/2021, thông tin cho thấy CTCP Kosy được chấp thuận nghiên cứu, khảo sát dự án điện năng lượng mặt trời tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Điều này gây tò mò cho dư luận khi CTCP Kosy trong tháng 12/2021 cũng thông qua việc chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại một số công ty năng lượng nhằm tập trung tài chính vào các hoạt động kinh doanh của công ty. 

Cụ thể, Kosy thông qua chuyển nhượng toàn bộ vốn thực góp tại CTCP đầu tư và phát triển năng lượng Giavico, với số cổ phần chuyển nhượng là hơn 6,1 triệu cổ phần. Hai công ty tiếp theo mà Kosy chuyển nhượng toàn bộ vốn thực góp trong tháng 12/2021 này là CTCP KPT Việt Nam và CTCP Kosy Lào Cai.

Với việc đầu tư vào mảng điện gió và nhắm tới đầu tư vào điện mặt trời, điều mà nhiều người quan tâm là liệu có mang lại hiệu quả về mặt đầu tư kinh doanh cho hệ sinh thái của Kosy Group hay không?

Theo giới chuyên gia, việc rót vốn vào mảng điện gió hay mảng điện mặt trời vào thời điểm này sẽ mang lại không ít rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này có thể thấy rõ khi thông tin mới đây cho thấy có 62 dự án không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 để hưởng giá bán điện ưu đãi theo quyết định 37 và 39 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, chủ đầu tư các dự án điện gió không có doanh thu, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng.

Về phía Điện gió Kosy Bạc Liêu, đã được công nhận vận hành thương mại (COD) giai đoạn 1 vào tháng 10/2021, tức là trước ngày 1/11/2021 để hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh, là một trong những dự án được công nhận COD, thuộc nhóm 106 nhà máy điện gió đăng ký thử nghiệm.

Nên biết thêm, trong dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư là 1.600 tỷ đồng, vào tháng 3/2022 một ngân hàng có sở giao dịch và chi nhánh ở Hà Nội đã ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng cho dự án này với tổng giá trị hợp đồng tín dụng là 991 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thông tin từ hồi cuối năm rồi cho thấy hệ sinh thái Kosy Group đã lên kế hoạch triển khai dự án điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 2 (50 MW) và đặc biêt là Kosy Group đang chuẩn bị công tác đầu tư các dự án năng lượng quy mô lớn như điện gió ngoài khơi 1.000 MW tại tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó là dự án Điện mặt trời Bình Thuận (200 MW), các dự án điện gió, điện mặt trời khác…

Quá nhiều rủi ro khó lường trước

Thế nhưng, điều làm cho giới quan sát e ngại là tính khả thi của các dự án năng lượng tái tạo mà DN này dự định đầu tư.

Nhất là với mảng điện gió, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi có khá nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Trước hết là rủi ro về mặt chính sách. Chính sách có sự thay đổi thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thực tế. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách, sự yên tâm cho nhà đầu tư.

Hai là rủi ro liên quan đến quá trình triển khai dự án. Cụ thể, có 5 yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình này, bao gồm: Thiết kế kỹ thuật, các thỏa thuận với cơ quan quản lý, hợp đồng EPC, thu hồi đất và quản lý dự án.

Ba là rủi ro trong trường hợp bất khả kháng khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ. 

nang-luong-tai-tao-la-linh-vuc-doi-hoi-von-lon-do-do-thoi-gian-qua-co-nhieu-dn-chon-cach-vay-hang-ngan-ty-dong-tai-cac-ngan-hang-1658993778.jpg
Năng lượng tái tạo là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, do đó thời gian qua có nhiều DN chọn cách vay hàng ngàn tỷ đồng tại các ngân hàng.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải đối mặt với rủi ro bị cắt giảm công suất. Việc cắt giảm huy động năng lượng tái tạo hiện nay là vấn đề nhức nhối với nhà đầu tư. Tình trạng này giống như việc ra đường mà bị kẹt xe, vừa mất thời gian vừa mất chi phí.

Còn với mảng điện mặt trời, theo một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nếu DN có dòng tiền nhàn rỗi lớn, thì có thể tự đầu tư. Nếu không, không nên đi vay tiền để đầu tư vì so với tỷ suất sinh lời của điện mặt trời với lãi suất ngân hàng thì phần lợi ích thu lại cho DN là không đáng để triển khai. 

Cũng theo vị chuyên gia này, nếu DN tự đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà thì khả năng thu hồi vốn rất khó khăn do Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ cho phép phát triển các dự án điện mặt trời tự dùng, có phụ tải tại chỗ mà không cho đẩy lên lưới (zero export). 

Hơn nữa, giá nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị tăng cao cộng với thực tế DN khó tiếp cận vốn để làm dự án điện mặt trời khiến việc tự đầu tư dự án gặp nhiều rủi ro.

Có thể thấy với mảng năng lượng tái tạo nêu trên là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, do đó thời gian qua có nhiều DN chọn cách vay hàng ngàn tỷ đồng tại các ngân hàng, lấy chính dự án làm tài sản thế chấp. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều DN đang gánh khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng khi đầu tư vào điện gió, điện mặt trời.

Trở lại tình hình tài chính của CTCP Kosy, thông tin từ cuối năm ngoái cho thấy dòng tiền kinh doanh âm năm thứ 6 liên tiếp khi mà kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc. Nợ phải trả của DN này hồi cuối tháng 12/2021 là 1.604 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm 2021. Cơ cấu nợ có điểm đáng chú ý là khoản vay ngắn hạn giảm 18% xuống 393 tỷ đồng, song khoản vay dài hạn lại tăng gần 3 lần lên 825 tỷ đồng.

Còn trong báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2022 của CTCP Kosy cho thấy nợ phải trả tính đến 31/3/2022 là hơn 1.743 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đợt đầu năm là 1.611 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng chủ yếu ở mục chi phí phải trả ngắn hạn tăng lên 203 tỷ đồng so với đợt đầu năm 2022 con số này chỉ có 102 tỷ đồng, tăng 98 %. Tiếp đến là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 35% lên 602 tỷ đồng so với đầu năm 2022.

Riêng báo cáo tài chính Quý 2/2022 của DN này hiện vẫn chưa thấy cập nhật. Nhiều người vẫn đang tò mò về các khoản nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn, nhất là liên quan đến việc đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, các dự án bất động sản và năng lượng do CTCP Kosy làm chủ đầu tư trải dài khắp cả nước, thế nhưng song song đó cũng để lại không ít lùm xùm trong công tác quản lý sử dụng đất, đầu tư xây dựng các dự án…

Không chỉ vậy, những dự báo cho rằng nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm năng lượng tái tạo trong 5 năm tới. Điều này càng làm gia tăng rủi ro cho các ngân hàng và nhà đầu tư. Với những dự án nằm ngoài quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, sử dụng đòn bẩy tài chính cao, chậm tiến độ…thì nguy cơ vỡ nợ sẽ càng lớn.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng vốn rót vào mảng năng lượng tái tạo của hệ sinh thái Kosy Group liệu có bất ổn?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).