Dữ liệu từ SSI Research, cho thấy, trong tháng 6, dòng vốn vào cổ phiếu bơm ròng nhẹ 6 tỷ USD (giảm 27,8% so với tháng trước) trong khi đó dòng vốn vào các quỹ trái phiếu rút ròng tới 63,6 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Lũy kế trong quý 2, dòng vốn ghi nhận rút ròng ở tất cả các tài sản tài chính, từ thị trường cổ phiếu (rút ròng -8 tỷ USD), các quỹ trái phiếu (-130,5 tỷ USD) và quỹ tiền tệ (-58,1 tỷ USD).
Trái với giai đoạn quý 1/2020 khi Covid-19 xảy ra, dòng vốn chuyển dịch từ cổ phiếu và trái phiếu vào quỹ tiền tệ sẵn sàng cho các đợt giải ngân, việc dòng vốn ghi nhận sụt giảm liên tục ở tất cả tài sản tài chính thể hiện dòng tiền đã yếu đi rõ nét và cho thấy tín hiệu không mấy tích cực về dòng vốn trong thời gian tới.
Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường phát triển (DM) ghi nhận mức vào ròng thấp nhất kể từ tháng 7/2019.
Cụ thể, dòng vốn DM chỉ bơm ròng 4,6 tỷ USD, giảm tới 67% so với tháng trước và 92% so với cùng kỳ. Đóng góp chủ yếu đến từ thị trường Mỹ (+9,5 tỷ USD), trong khi đó dòng tiền rút ròng ở khu vực Tây Âu (-9,7 tỷ USD).
Tính chung cho 6 tháng đầu năm, dòng vốn phân bổ vào DM đạt 134 tỷ USD, giảm tới 74% so với cùng kỳ.
Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) đảo chiều vào ròng nhẹ, nhờ dòng tiền vào thị trường Trung Quốc trong khi dòng vốn vào các thị trường khác cho thấy tín hiệu yếu đi rõ nét.
Dòng tiền vào EM bơm ròng 1,4 tỷ USD, chủ yếu do sự đảo chiều dòng vốn đến thị trường Trung Quốc (+6,8 tỷ USD) sau khi các lệnh giãn cách được xóa bỏ ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chính sách "Zero covid" sẽ là yếu tố bất lợi nếu Trung Quốc duy trì áp dụng và khiến dòng vốn vào thị trường Trung Quốc không có sự bứt phá.
Riêng dòng vốn vào các thị trường Châu Á khác phân hóa, như Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam ghi nhận vào ròng vào tháng 6, trong khi đó Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Thái Lan rút ròng. Tuy nhiên, điểm chung là dòng tiền cũng đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước.
"Chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng về việc phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính, đặc biệt là tới các quỹ cổ phiếu khi các rủi ro vẫn được duy trì với như xung đột Nga-Ukraine kéo dài, ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng", chuyên gia SSI Research, nêu.
Cũng theo SSI Research, mặc dù thị trường cổ phiếu ở các quốc gia phát triển ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm trong vòng 50 năm qua, và dư địa cho việc giảm mạnh hơn nữa sẽ bị hạn chế, việc xác định được đáy thị trường chưa bao giờ là dễ dàng.
Do vậy, dòng vốn vào các tài sản tài chính tiếp tục trạng thái chờ giải ngân cho đến khi có các tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính.