Nhiều bất cập trong dự án
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng công ty Xây dựng Licogi với diện tích hơn 35 ha tại quận Hoàng Mai đang là một trong những điểm nóng gây bức xúc cho dư luận vì vấn đề chậm tiến độ.
Dự án này được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17.9.2007, cho phép thực hiện thu hồi 351.618 m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai, để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng cùng năng lực tài chính trong cả quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư, nên đã khiến cho dự án liên tục lỡ hẹn.
Báo cáo thường niên năm 2021 của Licogi đã chỉ rõ bức tranh màu xám về tương lai của Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Cụ thể, Licogi cho biết doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác đầu tư để chuẩn bị triển khai dự án như làm việc với cơ quan thẩm quyền để hoàn thiện hồ sơ xin điều chỉnh Quyết định giao đất và nộp tiền sử dụng đất, xin đấu nối cấp điện.
“Tuy nhiên, do chậm triển khai nên nhiều thủ tục thỏa thuận chuyên ngành đã hết hiệu lực như các thỏa thuận đấu nối cáp điện, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án..” - báo cáo của Licogi cho hay.
Như vậy, nếu xảy ra trường hợp phải xin phép lại từ đầu các thủ tục, thoả thuận chuyên ngành, thì thời gian dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt đủ điều kiện triển khai sẽ không phải là ít.
Chưa kể, công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đang gặp nhiều khó khăn, đơn cử như vận động các hộ dân đã có phương án được phê duyệt nhận tiền và bàn giao mặt bằng...
Dấu hỏi về nguồn lực
Nguồn lực để chủ đầu tư thực hiện dự án cũng được đặt dấu hỏi, khi tại báo cáo tài chính đã soát xét 6 tháng đầu năm 2022, kiểm toán viên nhấn mạnh tại ngày 30.6.2022, lỗ lũy kế của Licogi là gần 600 tỉ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn.
Khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính từ các chủ sở hữu, đối tác,... cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty.
Licogi bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, trong khi đó công ty con là Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi – chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt cũng có bức tranh kinh doanh chẳng khả quan hơn.
Giai đoạn 2017-2021, Nhà ở và Đô thị Licogi không ghi nhận doanh thu. Đồng thời lợi nhuận mỗi năm chỉ trên dưới 100 triệu đồng. Cá biệt, năm 2021 lợi nhuận doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả tăng vọt theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 công ty nợ 153 tỉ đồng, tuy nhiên đến cuối năm 2021, chỉ tiêu nợ phải trả đã tăng lên đến 463 tỉ đồng, tương ứng tăng 203% sau 4 năm.
Một dự án về việc chậm triển khai cũng không thua kém đó là dự án Khu nhà ở Văn La thuộc phường Phú La (quận Hà Đông), do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư.
Dự án Khu nhà ở Văn La nằm ở vị trí đất vàng, ngay trung tâm của quận Hà Đông trong quy hoạch chung đô thị đến năm 2020. Dự kiến hoàn thành năm 2009 với có tổng vốn đầu tư 1.300 tỉ đồng trên diện tích hơn 12ha. Thế nhưng, sau hơn thập kỷ, dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống.
Trước đó, trả lời cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, ông Đỗ Văn Bình – Chủ tịch HĐQT Sudico cho biết, đối với dự án Văn La – Văn Khê sau thời gian dài bị dừng để chờ quy hoạch phân khu, TP Hà Nội đã cho phép triển khai dự án.
Tuy nhiên ở dự án khu cao tầng thời gian qua chưa triển khai ngay được vì vướng một số thủ tục, nếu triển khai thì kinh doanh sẽ không hiệu quả. “Hiện tại, Sudico đã thực hiện các thủ tục để có thể triển khai dự án trong thời gian tới”, ông Bình cho hay.
Theo báo cáo tài chính đã soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Sudico, khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh, dở dang dài hạn tại dự án Văn La – Văn Khê Hà Đông là hơn 534 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dự án Văn La – Văn Khê Hà Đông không phải là dự án duy nhất Sudico gặp vướng mắc chưa thể triển khai. Có thể kể đến dự án khu đô thị mới Hòa Hải – Đà Nẵng (1.165 tỉ đồng); Dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (176 tỉ đồng); Dự án Tiến Xuân (156 tỉ đồng); Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh mở rộng (109 tỉ đồng); Dự án Khu đô thị Thịnh Lang – Hòa Bình (36 tỉ đồng).
6 dự án vừa kể trên đang chiếm 2.177 tỉ đồng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn Sudico. Lưu ý rằng, toàn bộ dự án nêu trên đều đang trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục pháp lý với cơ quan nhà nước.
Đồng nghĩa với việc 32% tổng tài sản của Sudico đã và đang bị “chôn chân” trong thời gian dài, chưa thể hoàn thành trong thời gian ngắn hạn. Ngoài ra với 3.961 tỉ đồng, danh mục hàng tồn kho cũng đang chiếm đến 41% tổng tài sản.
Đáng chú ý đến ngày 30.6.2022, nợ phải trả Sudico còn 4.264 tỉ đồng, chiếm 63% tổng nguồn vốn và cao gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý khi nợ vay tài chính tăng từ 1.204 tỉ đồng lên 1.562 tỉ đồng. Nợ vay phình to khiến chi phí lãi vay tăng mạnh, cộng với việc hàng tồn kho neo ở mức cao dẫn đến dòng tiền kinh doanh của Sudico âm 581 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2022.