Ngày 23/9, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị định 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Do đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện sửa đổi Nghị định 04/2019/NĐ-CP.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô.
“Dự thảo Nghị định này có liên quan đến nhiều Bộ ngành, địa phương vì thế tại hội nghị hôm nay Bộ Tài chính mong muốn lắng nghe tất cả ý kiến của các đơn vị, địa phương có quy mô tổ chức bộ máy khác nhau, điều kiện diện tích dân số, tự nhiên khác nhau, để bố trí mua sắm, có tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô phù hợp. Chỗ nào đúng, chưa đúng, chỗ nào cần bổ sung hoàn thiện; tiêu chuẩn, định mức chế độ và kinh phí, vấn đề phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả của việc mua sắm tài sản công là xe ôtô...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị định tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ôtô thành 04 nhóm như quy định hiện hành và giữ nguyên chế độ sử dụng xe ôtô. Trong đó, Nhóm 2 có điều chỉnh lại phạm vi các chức danh, chức vụ cho phù hợp với Kết luận 35-KL/TW. Đồng thời dự thảo quy định mỗi bậc thuộc các nhóm chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35-KL/TW được quy định 01 mức giá mua xe tối đa khác nhau, từ cao xuống thấp (từ 1.600 triệu đồng đến 1.200 triệu đồng).
Về danh mục xe ôtô phục vụ công tác chung: Dự thảo Nghị định đã chuyển xe ôtô bán tải, xe ôtô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù (thực chất là xe ôtô từ 4 đến 16 chỗ thông thường) từ xe chuyên dùng (theo quy định tại Nghị định số 04) sang xe ôtô phục vụ công tác chung để quy định cụ thể định mức, tối ưu hóa mục đích sử dụng và tần suất sử dụng xe ôtô (vừa sử dụng để đi họp, đi công tác, vừa sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù).
Về giá mua xe ôtô phục vụ công tác chung, theo Bộ Tài chính, quy định về giá mua xe ôtô phục vụ công tác chung đã được duy trì từ năm 2010 cho đến nay. Trong bối cảnh, thời gian sử dụng của xe ôtô theo chế độ đã được điều chỉnh từ 10 năm thành 15 năm, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để xe lưu thông với vận tốc cao, đồng thời giá mua xe hiện nay đã có biến động tăng so với năm 2010. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho xe và người sử dụng xe, việc điều chỉnh giá mua xe ôtô phục vụ công tác chung là cần thiết.
Qua khảo sát giá mua mới xe ôtô năm 2010 và năm 2022 của dòng xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung, Dự thảo Nghị định quy định mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; trường hợp cần trang bị loại xe ôtô 7-8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1.300 triệu đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1.600 triệu đồng/xe.
Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô chuyên dùng, để bảo đảm đúng tính chất chuyên dùng của xe ôtô, dự thảo Nghị định giữ lại 5/7 loại xe chuyên dùng quy định tại Nghị định số 04 gồm: xe ôtô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế; xe ôtô có kết cấu đặc biệt; xe gắn thiết bị chuyên dùng hoặc gắn biển hiệu nhận biết theo quy định của pháp luật; xe ôtô tải; xe ôtô trên 16 chỗ ngồi; chuyển 02 loại xe có tính chất lưỡng tính (xe bán tải và xe ôtô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù) sang xe ôtô phục vụ công tác chung. Riêng xe ôtô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế được “nghị định hóa” từ quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BYT của Bộ Y tế.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các Bộ ngành, địa phương sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn. Đồng thời giao Cục Quản lý Công sản cùng với Vụ Pháp chế và các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến tại Hội nghị hôm nay và các ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện hồ sơ gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ, bảo đảm tính khả thi của dự thảo.