Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhà quản lý, người làm luật cần có "tư duy động"

21/09/2022 10:09

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, cần làm rõ một số khái niệm đang rất mù mờ trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay. Cụ thể, cần xác định rõ thế nào là dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.

"ĐỪNG ĐỂ ĐẤT ĐAI SỞ HỮU TOÀN DÂN BỊ LẠM DỤNG"

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào Dự thảo quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với đó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Theo GS. Võ, Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hóa, kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực phát triển, sự chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công” và “đất tư” như ở các nước trên thế giới cần được đặt ra. 

Cụ thể, “đất có quyền tài sản tư” là đất do khu vực tư nhân sử dụng bao gồm đất đã giao, cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân. Nhà nước quản lý khu vực đất đai này chỉ bằng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và thu thuế. 

Đối với “đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công” gồm đất do Nhà nước giao không thu tiền cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức được Nhà nước cho phép; đất sử dụng vào mục tiêu công cộng; đất chưa giao, chưa cho thuê và đất chưa sử dụng. 

gstskh-dang-hung-vo-nguyen-thu-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-1663728688.jpgGS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, ở các nước phát triển, công việc quản lý đất đai chủ yếu tập trung vào khu vực đất công. Trong khi đó, ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy mà nguồn lực công sản rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. 

“Đất đai sở hữu toàn dân đang bị lạm dụng để chuyển đất công thành đất tư. Để khắc phục tình trạng này, cần quy định rõ thế nào là đất công, thế nào là đất thuộc sở hữu tư nhân. Cần tránh tình trạng đất công rơi vào tay tư nhân”, GS. Võ nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vào năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP nhằm hoàn chỉnh cơ chế sắp xếp lại việc sử dụng nhà đất thuộc khu vực công. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, chỉ có một số công ty Nhà nước thực hiện được các cơ chế theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ, còn các đối tượng khác, phần lớn là doanh nghiệp cổ phần và các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước chưa tích cực thực hiện. Những cơ quan, đơn vị của Nhà nước thường lấy thế mạnh của cơ quan trung ương mà không trả lại nhà đất tại các cơ sở cũ cho địa phương sau khi đã di dời đến các cơ sở mới.

“Việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích công và lợi ích tư trong quá trình chuyển đổi chính là điều khó khăn mà Việt Nam chưa vượt qua được sau nhiều năm. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai cần quan tâm đặc biệt tới quá trình giải quyết chuyển dịch từ quyền tài sản công đối với quyền sử dụng đất, Nhà nước phải thu được đầy đủ quyền tài sản đó. Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần quan tâm tới việc luật hóa Nghị định 67/2021/NĐ-CP có bổ sung cho hợp lý”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ đề xuất.

CẦN LÀM RÕ "PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÌ LỢI ÍCH QUỐC GIA, CÔNG CỘNG" LÀ GÌ?

Bên cạnh đề xuất bổ sung các khái niệm mới nhằm đáp ứng thực tiễn phát triển của xã hội, góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TSKH. Đặng Hùng Võ còn cho rằng, cần làm rõ một số khái niệm đang rất mù mờ trong luật hiện nay. Cụ thể là cần xác định rõ thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Trong Nghị quyết 18-NQ/TW vừa mới ban hành cũng như Luật Đất đai có đặt ra một yêu cầu “cơ chế đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Đi kèm với đó là việc liệt kê danh sách các dự án thuộc các trường hợp “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. 

Tuy nhiên, theo GS. Võ, việc liệt kê danh sách các dự án là đang mang tư duy tĩnh, thiếu tính khái quát. Nếu muốn một bộ luật dễ đi vào thực tiễn và có giá trị dài hạn, nhà quản lý, người làm luật cần có tư duy động và đưa ra khái niệm mang tính khái quát.

pt-ktxh-1663728729.jpgCần làm rõ khái niệm “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. (Ảnh minh hoạ)

Lý giải nguyên nhân, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, các khái niệm được đưa ra trong luật không rõ ràng, khó hiểu với đại bộ phận dân chúng sẽ khiến pháp luật khó thực thi, gây ra nhiều khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp. Cụ thể, trong trường hợp chỉ liệt kê các dự án thuộc mục đích “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” sẽ rất dễ bị thiếu sót và không đưa ra được cách hiểu tổng thể cho người dân. Từ đó, công tác đền bù cũng khó thực hiện, tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Lấy ví dụ, Đảng đã có Nghị quyết là kinh tế du lịch phải trở thành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Khi đã gọi là “mũi nhọn” thì phải được ưu tiên, quan tâm về mọi mặt để phát triển, trong đó có nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, Luật Đất đai khi nêu ra các trường hợp cụ thể cần được ưu tiên, được phép thu hồi vì mục đích “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” thì không thấy có các dự án về du lịch. Như vậy, rõ ràng giữa Nghị quyết và luật chưa có sự thống nhất, chính xác hơn là luật chưa hiện thực hóa được Nghị quyết.

“Hiện nay, tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện về các dự án phát triển kinh tế rất nhiều. Vì vậy, pháp luật rất cần làm rõ, những dự án nào phục vụ mục đích kinh tế cần được ưu tiên thu hồi đất để nhân dân không khiếu nại nữa. Phải đưa ra khái niệm hoàn chỉnh, chính xác về “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Theo đó, các dự án phục vụ cho mục đích này phải là dự án đem lại lợi nhuận và có lợi nhuận tư gắn với lợi nhuận quốc gia. Còn nếu lợi nhuận của dự án đó không đảm bảo gắn với lợi nhuận quốc gia, phục vụ lợi ích chung thì doanh nghiệp phải ra “chèo chống” ngoài thị trường để tìm kiếm quỹ đất”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh./.

Bạn đang đọc bài viết "Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhà quản lý, người làm luật cần có "tư duy động"" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).