ETF cơ cấu danh mục, nhiều trụ cân lệnh không đủ khiến VN-Index mất điểm

17/09/2021 16:13

Màn đấu lệnh đợt ATC hôm nay không thực sự tốt, nhiều cổ phiếu chịu sức ép lớn từ các giao dịch bán của hai quỹ ETF ngoại và sụt giá. VN-Index phải trả lại hơn 3 điểm, VN30-Index trả lại 3,5 điểm trong đợt cuối...

VN-Index trả lại hơn 3 điểm trong đợt ATC nhưng vẫn có được xu hướng tăng phiên hôm nay.
VN-Index trả lại hơn 3 điểm trong đợt ATC nhưng vẫn có được xu hướng tăng phiên hôm nay.

Màn đấu lệnh đợt ATC hôm nay không thực sự tốt, nhiều cổ phiếu chịu sức ép lớn từ các giao dịch bán của hai quỹ ETF ngoại và sụt giá. VN-Index phải trả lại hơn 3 điểm, VN30-Index trả lại 3,5 điểm trong đợt cuối.

Cả hai chỉ số quan trọng nhất sàn HoSE đến cuối đợt khớp lệnh liên tục đều chốt tại đỉnh cao nhất ngày. Sức ép trong đợt ATC khiến tình thế trở nên bớt tích cực, nhưng dù không duy trì được độ cao tối đa, cả hai chỉ số vẫn tăng. VN-Index chốt trên 1350 điểm, tăng 0,5% so với tham chiếu.

VN-Index mất điểm là do các trụ đã cân lệnh không đủ và sức ép bán mạnh hơn đẩy giá lùi lại: VIC cuối đợt khớp lệnh liên tục đứng giá 87.600 đồng, đợt ATC bị xả gần 2,2 triệu cổ tụt xuống 86.800 đồng giảm 1,14% so với tham chiếu. VCB đang xanh tại 98.200 đồng bị đánh tụt hẳn xuống 97.200 đồng, giảm 0,92%. VNM bị ép từ 87.800 đồng xuống 86.500 đồng, còn tăng 0,12% so với tham chiếu...

Khá nhiều cổ phiếu blue-chips khác tụt giá nhiều ở đợt ATC như MSN, VRE, BVH, POW, CTG... Cũng có một số được đẩy giá cao hơn như HPG, ACB, VPB nhưng số lượng ít và mức tăng thêm cũng không nhiều.

Nhìn chung việc chỉ số biến động giật cục trong ngày ETF tái cơ cấu là bình thường. Điều quan trọng là khả năng “đấu lệnh” có thể hiện sức mạnh của các quan điểm coi giao dịch này là cơ hội hay không. VN30-Index kết phiên vẫn tăng 0,46% với 17 mã tăng/11 mã giảm không phải là kém. Thêm nữa nhờ giao dịch của hai quỹ ngoại mà thanh khoản của rổ này tăng vọt lên 9.322 tỷ đồng, cao hơn hôm qua tới 30%.

Tuy nhiên ngay cả nhờ diễn biến đột ngột hôm nay thì tổng thể thanh khoản của VN30 vẫn đang tụt xuống mặt bằng mới: Trung bình tuần, mỗi ngày rổ VN30 chỉ giao dịch khoảng 7.706 tỷ đồng, giảm từ mức trung bình 8.877 tỷ đồng/phiên tuần trước. Nếu nhìn theo tuần thì đây là mức thấp nhất kể từ tuần đầu tháng 4/2021.

Nhóm VN30 hôm nay vẫn có khá nhiều cổ phiếu giao dịch tích cực, vượt qua được phiên tái cơ cấu an toàn và duy trì đà tăng giá tốt trên 1% như ACB, BID, FPT, HDB, HPG, SSI, TCB, TPB, VHM, VPB. Có thể thấy tần suất dày của các mã ngân hàng tăng giá. Đây là tín hiệu tích cực mà các tuần trước thị trường không có.

Cùng nhóm nhóm ngân hàng, các cổ phiếu chứng khoán cũng tăng rực rỡ khắp 3 sàn với 5 cổ phiếu kịch trần là VIG, API, IVS, PSI và HBS. Ngoài ra có 16 mã nhóm chứng khoán tăng trên 4%. Vài mã chứng khoán lớn bị tác động khá mạnh ơt đợt ATC như SSI, VND, VCI tụt giá đáng kể, nhưng vẫn tăng tốt 1,18%, 3,04% và 1,11%.

Khối ngoại bán ròng khổng lồ hôm nay, trong đó có giao dịch của hai quỹ ETF.
Khối ngoại bán ròng khổng lồ hôm nay, trong đó có giao dịch của hai quỹ ETF.

Riêng hai nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hầu như không bị ảnh hưởng gì bởi các biến động từ quỹ ETF. Đặc biệt ở nhóm smallcap, trong khi các chỉ số còn lại đều gục xuống ở đợt ATC dưới tác động của các giao dịch lớn, riêng smallcap-Index lại tăng cao hơn. Chỉ số này có mặt bằng cao hơn hẳn phiên sáng và đóng cửa tăng 1,58% (cuối phiên sáng mới tăng 0,96%). Toàn sàn HoSE có 29 mã vẫn đóng cửa ở giá trần thì Midcap đóng góp 4 mã, Smallcap đóng góp 16 mã.

Giao dịch của hai quỹ ETF cũng giúp thanh khoản hai sàn phiên chiều khá tốt, hai sàn khớp thêm 14.278 tỷ đồng, tăng 6,6% so với phiên sáng. Các phiên cuối kỳ tái cơ câu ETF thường xuyên có thanh khoản cao, hôm nay cũng không ngoại lên. Tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết đạt 27.668 tỷ đồng, mức cao nhất 8 phiên. Nếu tính cả thỏa thuận, hai sàn chuyển nhượng tới xấp xỉ 30 ngàn tỷ đồng.

Giao dịch của ETF cũng cộng thêm vào các giao dịch của khối ngoại khác, đẩy mức bán ròng hôm nay vọt lên 1.709 tỷ đồng trên sàn HoSE. HNX có TDH và PVS, SHS được mua ròng tốt và tổng sàn này là +439 tỷ đồng ròng, phần nào bù lại sàn HoSE. Khá bất ngờ là chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán ròng nhiều nhất hôm nay với 261,4 tỷ đồng đồng. Các quỹ ETF không đầu tư chứng chỉ quỹ này nên đây có thể là hành động rút vốn. Còn lại, VIC, SSI, NVL, VRE, STB bị bán ròng cả trăm tỷ đồng mỗi mã. MSN, VCI, KDH, HPG, TCB, SBT, BVH, VJC, KBC, VCB, POW... cũng bị bán ròng cực lớn.

Bạn đang đọc bài viết "ETF cơ cấu danh mục, nhiều trụ cân lệnh không đủ khiến VN-Index mất điểm" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).