Theo đài Sputnik, trên mô tả chức danh đối với tài khoản của Tổng thống Trump, Facebook đã không còn công nhận ông là “Tổng thống Mỹ” mà thay vào đó là “ứng viên chính trị” (political candidate). Về mặt luật pháp, ông Trump vẫn là Tổng thống Mỹ cho đến ngày 20/1, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức.
Tuần trước, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cho biết việc chặn các tài khoản của Tổng thống Trump sẽ kéo dài cho đến ít nhất hết ngày 20/1.
Trước đó, các tài khoản mạng xã hội bao gồm Twitter, Facebook, Instagram, YouTube, Snapchat của Tổng thống Trump đã bị khóa sau cuộc bạo loạn xảy ra vào ngày 6/1 tại Toà nhà Quốc hội. Nền tảng Twitter tuyên bố sẽ khóa vĩnh viễn tài khoản của nhà lãnh đạo Mỹ với trên 88 triệu lượt người theo dõi, cáo buộc ông viết những nội dung mang tính kích động bạo lực, kêu gọi người biểu tình tham gia bạo loạn.
Sáng 6/1, Tổng thống Trump đã khuyến khích người biểu tình tuần hành đến khu vực Điện Capitol. Tuy nhiên, vài giờ sau đó, qua một đoạn video, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh người biểu tình “nên về nhà trong hòa bình”.
Phản ứng trước việc Tổng thống Trump bị khóa tài khoản, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, lên tiếng chỉ trích lệnh cấm của các mạng xã hội. Trong một tuyên bố ngày 11/1, người phát ngôn của nữ Thủ tướng ông Steffan Seibert cho biết việc các công ty mạng xã hội không “ủng hộ” những nội dung kích động bạo lực là đúng và có thể gắn nhãn cảnh báo như những gì đã làm trước đây đối với một số dòng trạng trái của Tổng thống trump.
Tuy nhiên, người phát ngôn của bà Merkel nhấn mạnh quyền tự do ngôn luận là “quyền cơ bản của con người”, có thể được luật phát can thiệp chứ không do quyết định của những người đứng đầu các công ty nền tảng xã hội.