Cụ thể, trong phiên 27/6, giá dầu Brent giao sau tăng 1,97 USD (tương đương 1,7%) lên mức 115,09 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đóng cửa ở mức 109,57 USD/thùng, tức tăng 1,95 USD (tương đương 1,8%).
Hai tuần trước đó, giá dầu đã ghi nhận đà giảm giá khi các quốc gia thành viên thuộc nhóm G7 lo ngại về khủng hoảng kinh tế toàn cầu vì tăng trưởng chậm lại, lạm phát leo thang, chuỗi cung ứng bị gián đoạn... Áp lực giảm giá đối với dầu còn đến từ thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh.
Tuy nhiên, giá dầu lại quay lại đà tăng sau khi nhóm G7 được cho là sắp công bố một loạt hành động phối hợp mới, cũng như hoàn tất kế hoạch áp đặt giá trần đối với dầu của Nga với mục tiêu nhắm trực tiếp vào nguồn thu của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là thông qua năng lượng, và giảm thiểu những hệ lụy đối với các nền kinh tế G7 và phần còn lại của thế giới.
Động thái được cân nhắc trong bối cảnh dù bị nhiều nước cấm vận, Nga vẫn “kiếm đậm” nhờ xuất khẩu dầu thô và khí đốt ngay cả khi lượng xuất khẩu bị giảm.
Chia sẻ với hãng tin CNN, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết mục đích của việc áp giá trần với dầu Nga nhằm siết nguồn thu chính của Nga, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng đối với người tiêu dùng khi mua xăng.
Dù vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của biện pháp này. Chuyên gia tư vấn độc lập về thị trường năng lượng Andrew Lipow cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, sẽ khó để thực thi khi G7 quyết tâm áp dụng giới hạn giá mua và bán dầu của Nga.
Nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia lưu ý rằng không có gì có thể ngăn cản Nga cấm xuất khẩu dầu và sản phẩm tinh chế sang các nền kinh tế G7 để đối phó với mức trần giá. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu và sản phẩm tinh chế toàn cầu.
Ở động thái liên quan, hãng tin Wall Street Journal mới đây dẫn nguồn tin từ các lãnh đạo ngành dầu khí Ấn Độ cho biết chính phủ nước này liên tục khuyến nghị các tập đoàn quốc doanh tìm cách tiếp tục nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga, trong bối cảnh phương Tây quay lưng với nguồn năng lượng từ Moscow và tăng cường các biện pháp trừng phạt với nước này.
Theo số liệu từ Kpler, Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu Nga lên hơn 25 lần kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.