Tại cuộc họp trực tuyến về cung ứng xăng dầu mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu năm tới nay, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu và bằng mọi cách, Bộ sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Trước tình hình mặt hàng xăng dầu có diễn biến phức tạp, một số cây xăng có biểu hiện găm hàng không bán, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận xét các thông tin về việc thiếu nguồn cung xăng dầu, nhiều cây xăng đóng cửa là không chính xác, không bình thường, rất có thể có một sự kích động, lôi kéo, bóp méo thông tin, gây rối tình hình, méo mó thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, hiệp hội ngành hàng chấn chỉnh ngay các hoạt động quản lý trong phạm vi và thẩm quyền trách nhiệm của mình; chú trọng triển khai ngay các lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là giám sát các hoạt động của thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ trên phạm vi cả nước.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thông tin từ đầu năm đến nay, có 255/16.700 cửa hàng xăng dầu trên cả nước đang dừng hoạt động do nhiều lý do. Các cây xăng này đang được Sở Công Thương các tỉnh, thành xem xét xử lý để làm thủ tục xin cấp lại.
Hai đoàn do Tổng cục QLTT chủ trì thanh tra hoạt động kinh doanh xăng dầu đã tiến hành phạt vi phạm hành chính 23 doanh nghiệp đầu mối, với số tiền gần 10 tỷ đồng, trong đó có xử phạt bổ sung là tước giấy phép là 1,5 tháng đối với 7 doanh nghiệp đầu mối. Các DN đã lần lượt được trả lại giấy phép, ông Trần Hữu Linh cho biết.
Cũng trong ngày 29/8, Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh có văn bản chỉ đạo khẩn lực lượng QLTT 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt khu vực miền Nam, tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng một số cây xăng tại khu vực có biểu hiện găm hàng, không bán.
Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu cục QLTT các địa phương ngay lập tức chỉ đạo giám sát 24/24, làm việc với các cây xăng cụ thể để không xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa. Nếu xảy ra tình trạng hết hàng hay đóng cửa, đề nghị xử lý ngay lập tức.
Trường hợp do nhà cung cấp xăng dầu không giao, các cục QLTT phải làm việc với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý... Nếu phát hiện vi phạm xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo về Tổng cục hoặc Bộ Công Thương để xử lý".
Với các trường hợp báo hết hàng, đóng cửa, đề nghị các cục (hoặc giao cho đội QLTT) kiểm tra hoặc giám sát các cửa hàng này làm rõ lý do. Nếu vì các thương nhân cung ứng không cung ứng đủ thì làm việc tiếp với các thương nhân này (nếu có trụ sở hoặc chi nhánh tại tỉnh). Trường hợp ngoài tỉnh thì phối hợp với quản lý thị trường nơi có trụ sở của thương nhân cung ứng để làm rõ nguyên nhân.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát, tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng, lực lượng chức năng phải "đo bồn" và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu hết hàng do chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác phải xử lý nghiêm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có chỉ đạo “nóng” về việc thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Thành phần 3 công tác của Bộ Công Thương bao gồm: Mỗi đoàn một đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị: Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế.
Về nội dung làm việc, đoàn tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…nhưng chỉ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.