Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, các dự báo trước đó nói giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý 2/2021. Nhưng trước tình hình hiện tại, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý 3/2021 khi mọi thứ đang dần thay đổi.
Ở thời điểm hiện tại, ngày 03/05, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 0,4% xuống 5.391 CNY (833,19 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá thép cây tăng 1,7%.
Giá thép cuộn cán nóng giảm 1% xuống 5.688 CNY (878.63 USD)/tấn. Tính chung cả tuần giá thép cuộn cán nóng tăng 1,8%. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 0,1% lên 14.495 CNY/tấn. Trong khi đó, vào đầu tháng 4, giá mới đạt mức 795 USD/tấn và đầu tháng 3, con số chỉ dừng ở 710 USD/tấn.
Có thể thấy, giá thép có những kỳ tăng phi mã trên thị trường. Điều này đã giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam “trúng lớn”, trong đó có Tập đoàn Hòa Phát.
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG)
Trong quý I năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) công bố lợi nhuận hơn 7.000 tỷ, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong cả năm 2020, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long báo lãi hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 78% so với thực hiện năm trước và vượt 50% kế hoạch.
Theo phân tích của Chứng khoán HSC, giá thép xây dựng của Hòa Phát đã tăng 5 lần chỉ riêng trong tháng 4. Giá thép hiện nay cao hơn 11% so với đầu tháng 4 và 14,4% so với đầu năm 2021. Giá đơn hàng thép cuộn cán nóng (HRC) giao tháng 6 đã tăng 50% so với đơn hàng giao tháng 1, đạt tới 900 USD/tấn.
Tuy nhiên, dù là đơn vị trực tiếp hưởng lợi, Hòa Phát vẫn “như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm” vì doanh nghiệp này không chỉ là nhà cung cấp thép mà cũng là một đơn vị sử dụng thép. Trong các lĩnh vực bất động sản và sản xuất thép, chi phí của Hòa Phát cũng ít nhiều ảnh hưởng bởi việc giá thép tăng như với các doanh nghiệp xây dựng khác.
Giá thép tăng là con dao 2 lưỡi với Hòa Phát.
Trong lĩnh vực sản xuất thép, dự án Dung Quất giai đoạn 2 của Hòa Phát dự định đầu tư 85.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn cố định là 70.000 tỷ và vốn lưu động là 15.000 tỷ. Ước tính, một lượng thép khổng lồ sẽ bị tiêu tốn vào Dung Quất 2 trong quá trình xây dựng dự kiến kéo dài 36 tháng trước khi có thể sản xuất ra thép.
Vì vậy, việc giá thép tăng cũng sẽ khiến cho kinh phí đầu tư của Hòa Phát vào Dung Quất 2 thêm cao vì như Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long nhận định, “đầu tư cho Dung Quất thì có đến 70-80% là vào sắt thép. Máy móc thiết bị là sắt thép, nhà xưởng là sắt thép. Giá sắt thép tăng 40-50% thì 70.000 tỷ chưa chắc đã đủ".
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN), Hòa Phát cũng đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật ba KCN yêu cầu khối lượng sắt thép khá lớn.