Theo đó, giá xăng E5 RON 92 về 23.720 đồng (giảm 900 đồng), xăng RON 95-III là 24.660 đồng (giảm 940 đồng) một lít.
Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm giá. Dầu diesel về 22.900 đồng một lít, sau khi giảm 1.000 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 23.320 đồng/lít, giảm 1.210 đồng, dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích mỗi lít xăng từ 700-750 đồng vào quỹ. Dầu diesel trích lập 350 đồng một lít, dầu hỏa 650 đồng và dầu mazut trích 717 đồng/kg.
Như vậy, đây là lần thứ 5 liên tiếp, giá xăng dầu giảm mạnh. Sau 4 lần giảm giá trước xăng RON 95-III đã giảm 22% so với đỉnh điểm vào ngày 21/6, hiện xuống còn 25.600 đồng/lít, xăng E5 RON 92 có giá bán lẻ 24.629 đồng/lít; dầu diesel là 23.908 đồng/lít; dầu hỏa là 24.533 đồng/lít…
Việc giảm giá xăng lần này, tăng thêm kỳ vọng giá hàng hóa sẽ hạ nhiệt. Trước đó, Bộ Công thương đánh giá, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm, nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.
Bộ Công thương đã yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá, từ nay cho đến hết năm 2022.
Qua đó, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Lực lượng QLTT địa phương được yêu cầu giám sát, quản lý theo địa bàn, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Đồng thời, phải thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát và phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu...