Sau nhiều ngày tăng sốc, mới đây, tại kỳ điều chỉnh vào chiều ngày 1/7 được điều hành bởi liên bộ Công thương - Tài chính, giá bán các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm nhẹ. Cụ thể, mức giảm của xăng E5 RON 92 là 410 đồng/lít; xăng RON 95 là 110 đồng/lít.
Dầu diesel giảm 400 đồng/lít, dầu hỏa 430 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.010 đồng/kg. Với mức giảm này là không đáng kể so với những lần tăng giá mạnh trước đó. Hiện giá xăng E5 RON 92 tối đa là 30.890 đồng/lít; RON 95 là 32.760 đồng/lít, vẫn cao chót vót so với thời gian trước.
Trên các hội, nhóm taxi công nghệ tại Hà Nội, nhiều tài xế Gojek, Be, Grab cho biết, thu nhập của họ bị sụt giảm mạnh do khách hàng đang có xu hướng đi chung xe hoặc sử dụng xe buýt vì giá xăng tăng.
Là một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ tại Hà Nội, chị Đỗ Thị Thúy sống tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết, thời gian gần đây, các tài xế chạy ứng dụng thường xuyên hủy chuyến, đặc biệt là những chuyến có sử dụng mã giảm giá. Vị khách này cho rằng, khả năng là do tài xế không chịu được áp lực từ việc tăng giá xăng dầu, trong khi giá cước vẫn giữ nguyên.
Anh Nguyễn Trung Quân, tài xế Grab ô tô (Grabcar) cư trú tại phường Văn Miếu quận Đống Đa chia sẻ, anh đã chạy Grabcar được 3 năm, sau khi phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp do Covid-19. Trước khi xăng tăng giá, anh chạy mỗi ngày 7-8 tiếng có thu nhập khoảng 700.000 đồng. Từ khi xăng tăng giá, để có được số tiền đó, anh phải “cày” đến 13 tiếng/ngày.
“Hiện nhiều anh em làm cùng đã bỏ nghề do xăng tăng quá cao mà giá cước không thay đổi. Cùng với đó, phía Công ty vẫn khấu trừ hơn 1/3 chi phí. Nếu chăm chỉ chạy đều 25 ngày/tháng, thu nhập cũng chỉ rơi vào hơn 10 triệu đồng.
Ngoài ra, hệ thống sẽ ưu tiên nhận khách cho những xe chạy liên tục. Đối với những xe chạy ngắt quãng thường rất ít khách và cũng rất lâu mới có người đặt xe. Các tài xế taxi còn gặp khó khăn hơn khi là những người mua xe trả góp, hàng tháng phải làm cật lực để trả nợ”, anh Quân bộc bạch.
Tương tự anh Quân, anh Trần Khắc Nhất lái xe được 2 năm, sinh sống tại phường Văn Quán, quận Hà Đông thông tin với phóng viên: “Trong lúc giá xăng tăng, taxi truyền thống đã nâng giá cước từ 7.000 đồng - 8.000 đồng lên thành 15.000 đồng - 16.000 đồng cho mỗi km. Nhưng các hãng taxi công nghệ hầu hết không nâng giá vào những khung giờ bình thường, vẫn trong khoảng 9.000 đồng - 10.000 đồng/km.
Song, tài xế chúng tôi còn phải chịu mức phí chiết khấu cho sàn khá cao, Be là 38%, Grab và Gojeck là 33%. Để có được mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, tài xế ít nhất cũng phải làm việc lên đến 14 tiếng/ngày”.
Nói về mức thu nhập hiện tại của các tài xế công nghệ, anh Nhất cho hay, cứ 10km, tài xế sẽ thu được 100.000 đồng, trừ đi phí sàn khoảng 33%, còn 67.000 đồng, tiếp tục trừ 30.000 đồng tiền xăng sẽ dư ra khoảng 37.000 đồng. Con số này là chưa đề cập đến tiền khấu hao vận hành xe, tiền ăn uống, sinh hoạt và thuê nhà trọ.
Khi chúng tôi thắc mắc về việc tại sao anh lại chạy vào ban đêm, cho biết: “Taxi truyền thống hoạt động nhiều nhất vào ban ngày, tôi cũng không chạy qua ứng dụng, vì giá rẻ chênh với cả xe ôm. Đến tầm 2 giờ đêm thường không có khách chạy taxi truyền thống nên mới mở app để nhận các chuyến khách đặt trên app. Vả lại, đến đêm dịch vụ ô tô sẽ nâng giá, bởi hiếm có tài xế chạy vào những khung giờ như thế này. Từ khi giá xăng tăng, thu nhập giảm, tôi đã tính đến chuyện vừa bật ứng dụng và vừa chạy xe truyền thống, tuy nhiên đến khoảng thời gian vừa rồi cho tới bây giờ thì tắt app nhiều”.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Dư địa để giảm thuế xăng dầu còn rất nhiều. Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng dầu còn chịu 10% thuế nhập khẩu; riêng xăng RON95 gánh 10% thuế tiêu thụ đặc biệt và xăng E5 RON95 là 8%; thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng là 10%”.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã cạn kiệt, "van" chính sách còn lại và gần như duy nhất có thể sử dụng là thuế. Nhưng việc giảm thuế bảo vệ môi trường là chưa đủ, thay vào đó cần xem xét giảm loại thuế gián thu sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt và cần thiết hơn.
Thông tin thêm cho phóng viên, anh Nhất nói: “Mua một chiếc xe khoảng 400 - 500 triệu đồng, nếu tài xế mua xe trả góp và vận hành từ đợt dịch Covid-19, thì khả năng cao họ đã bán xe để tìm một công việc khác có thu nhập ổn định hơn”.
Còn đối với những tài xế mới chạy xe được 7 tháng như anh Dương Văn Lượng sống tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm thì vấn đề xăng tăng không quan trọng bằng việc khách có chuyến liên tục hay không.
“Tôi chạy xe qua ứng dụng Gojeck hàng ngày từ sáng sớm đến lúc tối muộn, chạy nhiều nhất là những khung giờ cao điểm. Trời nắng gắt mà chạy vào giờ cao điểm thì chúng tôi đều chọn những cuốc đi ngắn và chỉ chạy quanh khu vực ít có nguy cơ tắc đường; nhiều khi nghỉ hẳn vì khách không có hoặc thưa thớt.
Cơ bản là phụ thuộc vào khách hàng là nhiều, xăng tăng cũng chỉ là một phần. Nếu tài xế như chúng tôi cứ ngày nào cũng lái hơn 14 tiếng/ngày, tùy vào sức khỏe, hoàn thành một chuyến lại có thêm một chuyến nữa thì thu nhập rơi vào tầm khoảng 20 triệu/tháng. Con số đó là đã trừ chi phí trả ứng dụng hơn 30% và trừ tiền xăng xe”.
Đứng trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kéo dài gây tác động không tốt đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ, Quốc hội đều nhận định việc giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng này là rất cần thiết. Do đó, phía Bộ Tài chính cũng có động thái tích cực khi mới đây đã báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công cụ hữu hiệu nhất để kìm đà tăng giá xăng là giảm thuế, điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, cũng nên cân đối giảm thuế nhập khẩu, song cần tính toán các tác động của những động thái này. Hầu hết doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xác nhận biến động giá xăng dầu thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của tài xế.
Liên quan đến giá xăng tăng, nhiều hãng taxi truyền thống cũng phải đối mặt với tình trạng tài xế liên tục xin nghỉ việc. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn đang xảy ra tình trạng vài trăm taxi nằm không và thiếu tài xế để vận hành./.