Giải pháp để ổn định thị trường trái phiếu

20/06/2022 11:32

FiinGroup đưa ra một số kiến nghị liên quan đến thị trường trái phiếu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng như cơ quan quản lý thiết kế chính sách phù hợp hơn.

Theo nhận định của hãng nghiên cứu FiinGroup, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang kém sôi động trước những biện pháp “lành mạnh hóa” thị trường. Cùng với đó, hồ sơ chất lượng tín dụng yếu, nhất là các nhà phát hành chưa niêm yết, đang gây lo ngại bởi năng lực tín dụng của các doanh nghiệp chưa niêm yết yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp niêm yết, trong khi phần lớn giá trị phát hành và đang lưu hành thuộc về các tổ chức phát hành chưa niêm yết.

Đặc biệt, áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang ở mức rất cao. Theo thống kê của FiinGroup, quy mô trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản khoảng 487.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 4/2022 và 63% giá trị này, tương đương khoảng 305.000 tỷ đồng, sẽ có điểm rơi đáo hạn trong giai đoạn 2022 - 2024. Trong khi đó, giá trị dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản lại có tín hiệu giảm dần, cho thấy sức khỏe tín dụng yếu.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro, FiinGroup đã đưa ra một số kiến nghị để doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng như cơ quan quản lý thiết kế chính sách phù hợp hơn.

Theo đó, đối với doanh nghiệp là tổ chức phát hành, cần đa dạng hóa nguồn vốn từ khách hàng và đối tác trong bối cảnh vốn tín dụng vẫn hạn chế trong ngắn hạn, vốn huy động trái phiếu đang đợi các quy định pháp lý rõ ràng hơn và môi trường lãi suất đã chạm đáy.

Cụ thể, doanh nghiệp nên tận dụng kênh vốn từ khách hàng qua việc nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý và tiến độ triển khai dự án để có thể mở bán và nhận tiền từ khách hàng (nhất là khách hàng cá nhân). Bên cạnh đó, có phương án tài chính hấp dẫn nhằm đẩy mạnh tiến độ thu tiền trả trước từ khách hàng. Ngoài ra, tận dụng kênh vốn từ đối tác hợp tác kinh doanh và nhà cung cấp (vốn lưu động).

FiinGroup cũng cho rằng doanh nghiệp nên chủ động minh bạch hồ sơ năng lực tín dụng. Việc xây dựng và cải thiện hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn là giải pháp căn cơ hướng đến một chiến lược vốn tối ưu thay vì khi có nhu cầu huy động vốn mới thực hiện.

Một giải pháp khác là đẩy mạnh chào bán trái phiếu ra công chúng khi mà dự thảo Nghị định 153 dự kiến sẽ siết chặt hơn kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ, còn các đơn vị tư vấn như công ty chứng khoán cũng sẽ tư vấn loại hình phát hành trái phiếu này nhiều hơn sau những sự kiện đã qua.

Đối với cơ quan quản lý, FiinGroup cho rằng nên hạn chế việc áp chỉ tiêu cứng cho toàn thị trường.

Theo đó, nên hạn chế đưa các điều kiện kỹ thuật liên quan đến hoạt động phát hành như hiện nay (mức độ đòn bẩy, lãi/lỗ,…) mà nên để các tổ chức tự thẩm định và quyết định, hạn chế đưa các điều kiện phát hành về tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán hay không được lỗ. Song song với đó, tăng cường kiểm soát các định chế tài chính trung gian và áp dụng cáo bạch mẫu (tương tự như cáo bạch phát hành cổ phiếu), đồng thời công bố thông tin cụ thể hơn, nhất là việc thay đổi mục đích sử dụng vốn.

Được biết hiện nay, các đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ vay/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần không được phát hành trái phiếu; các công ty có lỗ năm liền kề hoặc lỗ lũy kế cũng không được phát hành riêng lẻ (Nghị định 153) hoặc chào bán đại chúng (Nghị định 155).

Để xây dựng cơ sở nhà đầu tư tổ chức, FiinGroup khuyến nghị nên mở rộng tiêu chí đầu tư của quỹ trái phiếu và các loại hình quỹ đầu tư khác một cách chọn lọc.

Đáng chú ý, cần tăng điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, xem xét sửa đổi định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp theo hướng dựa trên số tiền mặt tối thiểu để tham gia thay vì giá trị danh mục.

Ngoài ra, cần sớm đưa thị trường trái phiếu thứ cấp vào hoạt động. Theo quan điểm của FiinGroup, nhiệm vụ chính của thị trường thứ cấp là minh bạch thông tin chứ không chỉ nhằm tăng thanh khoản.

Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp để ổn định thị trường trái phiếu" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).