Giảm thuế xăng dầu: Bao giờ cho đến tháng 10?

02/07/2022 09:41

Việc ngăn chặn đà tăng giá xăng dầu là cần thiết. Đây không đơn thuần là việc giảm thuế mà là đưa ra công cụ nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh...

dieu-chinh-gia-xang-1656728552.jpgGiá xăng RON95-V đã được thay đổi theo kỳ điều chỉnh chiều 1-7 - Ảnh: BÌNH NGHI

Ông Hoàng Anh Công, phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. 

Ông Hoàng Anh Công nói: Theo quy định, việc thay đổi mức thuế là thẩm quyền của Quốc hội và không ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết khi Quốc hội không họp. Do vậy, nếu việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu thực sự cấp bách, phải triệu tập kỳ họp bất thường.

* Theo ông, việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu trong bối cảnh hiện nay có thực sự cấp bách để tổ chức kỳ họp bất thường hay không?

- Giá xăng bán lẻ trong nước từ đầu năm đến nay tăng 10 lần, giảm 3 lần. Dù thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 nhưng với đà tăng giá thế giới, việc giảm thuế chưa đạt được mục tiêu kiểm soát giá xăng dầu tăng cao. 

Việc giá xăng dầu liên tục tăng cao như hiện nay là vấn đề bất thường, cần có giải pháp cấp bách để ngăn chặn đà tăng giá này. Đây không đơn thuần là việc giảm thuế mà là đưa ra công cụ nhằm kiểm soát, bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh...

ong-hoang-anh-cong-1656728560.pngÔng Hoàng Anh Công

* Như vậy việc có quyết sách càng sớm về giảm các loại thuế đối với xăng dầu sẽ rất cần thiết trong lúc này?

- Đúng vậy. Nếu giữ mức thuế đối với xăng dầu như hiện nay sẽ khiến giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng cao quá sẽ tác động đến tất cả các mặt hàng khác, bởi xăng dầu là yếu tố đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội.

Nếu không có chính sách điều chỉnh kịp thời sẽ làm giá các hàng hóa khác tăng lên, đời sống người dân sẽ khó khăn và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vừa qua đợt dịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, rất khó khăn cho việc phục hồi. Giá xăng dầu tăng cũng đương nhiên đẩy lạm phát tăng lên sẽ không kiểm soát được ổn định vĩ mô, nguy hại đến quá trình phục hồi nền kinh tế.

Thêm vào đấy, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh các gói kích thích nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng lên, hầu như các ngành sẽ đình trệ lại, đặc biệt là các ngành vận tải, đầu tư công. Như vậy, việc kiểm soát giá xăng dầu sẽ có tác động lan tỏa rất mạnh đối với hoạt động nền kinh tế và đời sống người dân.

* Nhưng việc chờ đến kỳ họp Quốc hội tiếp theo trong năm nay (dự kiến tháng 9, tháng 10-2022) để trình xem xét chính sách giảm thuế sẽ tác động như thế nào đến kinh tế - xã hội?

- Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta phải xác định rõ một điều là giá xăng dầu từ nay đến tháng 9, tháng 10-2022 có tiếp tục biến động như hiện nay hay không. Tôi nghĩ rằng với chiến tranh ở Nga - Ukraine, giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao. Do vậy, bắt buộc phải sớm có biện pháp điều chỉnh. Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Như đã nói ở trên, nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân bởi hai năm đại dịch đã lấy đi phần tích lũy của họ. Nay lại gặp bão giá, người dân sẽ rất vất vả. Với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistics... 

Do vậy, cần sớm có những giải pháp ngân sách chia sẻ với nền kinh tế để đảm bảo kinh tế phát triển ổn định.

Cùng với đó là phải áp dụng nhiều biện pháp khác như tăng nguồn cung, công suất các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung và không bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu xăng dầu của nước ngoài.

* Nếu tổ chức kỳ họp bất thường xem xét giảm các loại thuế đối với xăng dầu thì kỳ họp đó sẽ được tổ chức như thế nào?

- Theo quy định, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu Quốc hội họp bất thường. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định có triệu tập một kỳ họp bất thường. 

Theo tôi, với vấn đề cần thiết và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như thế này cũng nên xem xét tổ chức phiên họp bất thường ngắn, có thể trong một ngày để Quốc hội quyết định việc giảm thuế. Cái đấy là cần thiết cho nền kinh tế.

gia-xang-dau-tang-keo-theo-tpty-1656728985.jpgXăng dầu tăng đẩy giá hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo - Ảnh: N.PHƯỢNG

* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Có thể họp bất thường để quyết

Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội vừa rồi, người dân đều chất vấn đại biểu về vấn đề giảm thuế, phí cho xăng dầu. Còn trong kỳ họp Quốc hội, các đại biểu cũng nhiều lần đặt vấn đề giảm thuế, phí nhiên liệu để hạ nhiệt giá xăng dầu.

Do đó, việc Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu là tin vui đối với người dân, doanh nghiệp.

Với thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 775.262 tỉ đồng, bằng 66% so với dự toán và bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số thu từ dầu thô bằng 121% so với dự toán, bằng hơn 180% so với cùng kỳ năm ngoái, chúng ta có dư địa để giảm giá xăng dầu.

Để sớm hạ nhiệt giá xăng dầu, có thể triệu tập cuộc họp Quốc hội bất thường trực tuyến để quyết việc giảm thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt..., thay vì chờ đến kỳ họp Quốc hội vào cuối năm. Việc giảm thuế phí cũng phải tính toán liều lượng thích hợp mới mang lại tác động tích cực.

* Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội):

Không thể chờ đến kỳ họp chính thức

Việc điều chỉnh thuế nhằm bình ổn giá xăng dầu là rất cần thiết và chúng ta còn có khuôn khổ để giảm được. Ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu. Nếu được như vậy, việc kiểm soát đà tăng giá xăng dầu sẽ kịp thời hạn.

Đến thời điểm này mới có phương án giảm các loại thuế này là cũng chậm rồi. Dù chậm nhưng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay phải có giải pháp giải quyết kịp thời, nhanh chóng. Không thể chờ thủ tục đến kỳ họp cuối năm.

Bởi đến lúc đó, khi giá xăng dầu tăng lên cao, biện pháp giảm thuế không còn hiệu quả. Và nếu để quá chậm sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên, gây khó khăn, nguy cơ tăng lạm phát và chậm quá trình phục hồi kinh tế.

Đương nhiên, việc giảm thuế sẽ tác động đến nguồn thu và gây khó khăn trong cân đối ngân sách nhưng chúng ta chấp nhận để bình ổn thị trường, đời sống sản xuất kinh doanh, từ đó mang lại tác động tốt hơn.

* TS ĐINH THẾ HIỂN (chuyên gia kinh tế):

Giảm thuế càng sớm càng tốt

Vật giá đã leo thang, các chi phí thiết thực với người dân đều tăng theo giá xăng dầu. Người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm hàng hóa, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng khi phía cầu giảm xuống, tiềm ẩn nhiều nỗi lo không chỉ với người dân, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.

Do đó, việc giảm thuế để kìm giá xăng dầu là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt. Cần khoanh lại tổng số ngân sách thu được từ xăng dầu thông qua thuế phí vào thời điểm xăng dầu chưa biến động mạnh, rồi Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế phí sao cho nguồn thu ngân sách không giảm đi, tức không làm mất cân đối ngân sách của đầu năm 2022 khi thời điểm giá xăng dầu chưa tăng.

Và khi Quốc hội quyết định giảm thuế, cần nghiên cứu theo hướng mức giảm tối đa các loại thuế này.

Bạn đang đọc bài viết "Giảm thuế xăng dầu: Bao giờ cho đến tháng 10?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).