Giao dịch chứng khoán chiều 23/11: Áp lực gia tăng, hàng loạt mã quay đầu giảm sàn

23/11/2022 16:20

Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến hàng loạt mã đua nhau nằm sàn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ số VN-Index đã không quá giảm sâu.

Diễn biến tích cực ở cặp đôi lớn nhà Vingroup là VHM và VIC đã giúp VN-Index giữ thăng bằng và tạm dừng phiên sáng trong sắc xanh nhạt.

Bên cạnh đó, sau những phiên liên tiếp hồi phục mạnh, hàng loạt cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đã gặp áp lực chốt lời khiến nhiều mã không còn giữ được mức giá trần, thậm chí nhiều mã như DIG, APG, SJF… đã chuyển sang sắc đỏ.

Tâm lý lưỡng lự của cả bên bán và bên mua vẫn tiếp diễn trong gần suốt cả phiên giao dịch khiến chỉ số VN-Index biến động lình xình quanh mốc 950 điểm cùng thanh khoản ở mức thấp.

Tuy nhiên, trước khi bước sang đợt khớp lệnh ATC, áp lực bán gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khiến hàng loạt mã đua nhau nằm sàn, đẩy VN-Index về sát mốc 940 điểm trước khi bật hồi đôi chút về cuối phiên.

Thị trường đã đóng cửa phiên 23/11 với mức giảm không quá lớn, chỉ hơn 6 điểm, nhưng bảng điện tử thể hiện khá tiêu cực khi sắc đỏ gấp tới hơn 3 lần số mã tăng, trong đó có tới 54 mã giảm sàn, bằng 1/2 số mã tăng điểm. Đồng thời, đây cũng là phiên giao dịch có mức thanh khoản thấp thứ 2 trong năm nay, sau phiên thấp kỷ lục ngày 26/10 vừa qua (hơn 8.000 tỷ đồng).

Chốt phiên, sàn HOSE có 104 mã tăng và 335 mã giảm (54 mã giảm sàn), VN-Index giảm 6,12 điểm (-0,64%), xuống 946 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 542,12 triệu cổ phiếu, giá trị 7.858,76 tỷ đồng, giảm 48,57% về khối lượng và 52,86% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 53,19 triệu đơn vị, giá trị 920,61 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò là một trong những “má phanh” giúp thị trường không quá giảm sâu. Các mã tăng tốt trong ngành có STB tăng 3,6% lên 17.500 đồng/Cp với khối lượng giao dịch sôi động nhất nhóm, đạt 25,67 triệu đơn vị; BID tăng 2,6% lên 37.400 đồng/CP, CTG tăng 2,1% lên 24.400 đồng/CP, ACB tăng 1,5% lên 20.650 đồng/CP, OCB tăng 1,72% lên 14.800 đồng/CP, TCB, MSB, EIB tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Bên cạnh đó, một số nhóm ngành như bảo hiểm, bán lẻ, vận tải biển cũng lội ngược dòng tăng nhẹ; hay các mã lớn khác như PLX, MSN, BVH, VJC, MWG, SAB tăng trên dưới 1%, cũng phần nào hỗ trợ cho thị trường.

Trái lại, nhóm cổ phiếu rộng nhất thị trường là bất động sản có diễn biến khá tiêu cực. Trong đó, cặp đôi lớn VHM và VIC “quay xe”, đảo chiều cùng giảm hơn 2%, đã gia tăng sức ép của ngành lên thị trường.

Ngoài ra, trong phiên chiều, sắc xanh lam còn được tô đậm trong nhóm bất động sản với hàng loạt mã kết phiên cũng nằm sàn như DRH, ITA, LDG, BCG, OGC, KHG, HBC, DIG trở lại trạng thái dư bán sàn gần 4,3 triệu đơn vị, NBB, VCG… Các mã khác như FCN, HHV, VPH, DXG, LCG, NHA… cũng giảm tới trên dưới 5%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thuộc top 3 giảm mạnh nhất thị trường, với CTS, HCM, FTS đều đóng cửa giảm sàn, các mã khác nới rộng biên độ giảm và đóng cửa ở vùng giá thấp nhất ngày như VND giảm 6,2% xuống sát sàn 10.600 đồng/CP, SSI giảm 3,4% xuống 15.800 đồng/CP, VIX giảm 6% xuống 6.440 đồng/CP, VCI giảm 5% xuống 19.200 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thép, các mã cũng diễn biến tiêu cực với HPG đóng cửa nằm sàn tại mức giá 13.800 đồng/CP, thanh khoản dẫn đầu đạt hơn 30,3 triệu đơn vị; HSG giảm 6,3% xuống mức 8.620 đồng/CP, NKG giảm 5,4% xuống 8.700 đồng/CP.

Trên sàn HNX, áp lực bán lan rộng với gánh nặng khá lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường giảm mạnh về mức giá thấp nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 49 mã tăng và 118 mã giảm (31 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 3,67 điểm (-1,88%) xuống 191 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56 triệu đơn vị, giá trị 665,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 128,49 tỷ đồng, trong đó riêng HUT thỏa thuận 7,19 triệu đơn vị, giá trị 96,92 tỷ đồng.

Sau khi giải trình về 5 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu L14 tiếp tục giữ phong độ và đóng cửa tại mức giá trần 32.200 đồng/CP với thanh khoản tăng đột biến, đạt hơn 1,5 triệu đơn vị.

Ngoài L14, nhóm HNX30 chỉ có thêm TDT khởi sắc với mức tăng 1,4%, đóng cửa tại 7.200 đồng/CP; cùng 6 mã là DDG, DTD, LHC, NTP, THD, TNG đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm với biên độ giảm khá lớn.

Trong đó, cũng như nhiều mã nóng khác, CEO đã đảo chiều giảm mạnh do áp lực bán chốt lời gia tăng sau 4 phiên tăng trần liên tiếp. Đóng cửa, CEO giảm 8,73% xuống mức 11.500 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 10,48 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác như IDC giảm 5,8% xuống 29.000 đồng/CP, HUT giảm 3,5% xuống 13.700 đồng/CP, SHS cũng như các mã chứng khoán khác đã đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày 6.800 đồng/CP khi giảm 5,6% xuống và khớp hơn 9 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng đà giảm điểm trong phiên chiều.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,75 điểm (-1,1%) xuống 67,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,57 triệu đơn vị, giá trị 219,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,47 triệu đơn vị, giá trị 24,93 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ VHG đã không còn bảo toàn được sắc tím sau 5 phiên tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, VHG vẫn là mã đáng chú ý của thị trường khi đóng cửa tăng 5,6% lên mức 1.900 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất, đạt 6,29 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu BSR rung lắc và đóng cửa giảm 6,4%, xuống mức giá thấp nhất ngày 13.100 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua VHG với hơn 5,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là SBS khớp 2,44 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,4% xuống 4.100 đồng/CP và ABB khớp hơn 1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,4% xuống 7.300 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý khác giảm khá mạnh như PAS giảm 7%, C4G giảm 8,9%, DDV giảm 10,3%, G36 giảm 9,1%, VGI giảm 6,6%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ, với VN30F2212 giảm 1,9 điểm, tương đương -0,2% xuống 924,1 điểm, khớp lệnh gần 532.770 đơn vị, khối lượng mở 42.790 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó CACB2205 dẫn đầu thanh khoản với hơn 1,36 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 16,7% xuống 50 đồng/CP.

Tiếp theo là CMBB2210 khớp hơn 0,95 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 70 đồng/CQ.

Bạn đang đọc bài viết "Giao dịch chứng khoán chiều 23/11: Áp lực gia tăng, hàng loạt mã quay đầu giảm sàn" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).