Nối tiếp đà bán tháo phiên sáng, thị trường tiếp tục lùi bước ngay khi bước vào phiên chiều về gần 1.060 điểm. Tại ngưỡng điểm này, lực mua bắt đáy túc tắc nhập cuộc, giúp một số bluechip lớn thu hẹp đáng kể đà giảm, dù sắc đỏ vẫn lấn át trên bảng điện tử, VN-Index nhọc nhằn trồi dần lên trên 1.070 điểm.
Tưởng chừng đà hồi phục sẽ tiếp diễn, nhưng nhịp tăng này lại kích hoạt lệnh bán chốt lời ồ ạt khiến VN-Index rơi nhanh trở lại, xuống mức thấp nhất ngày ở chạm ngưỡng hỗ trợ đường MA50 ở vùng 1.055 điểm, khép lại một phiên giông bão nhất kể từ đầu tháng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 60 mã tăng và 364 mã giảm, VN-Index giảm 27,95 điểm (-2,58%), xuống 1.0543,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 814 triệu đơn vị, giá trị 12.736,6 tỷ đồng, tăng 13% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 47,3 triệu đơn vị, giá trị 1.076,2 tỷ đồng.
Nhóm bluechip phiên này không còn cổ phiếu nào tăng điểm và 30 mã trong rổ VN30 đều kết phiên dưới tham chiếu.
Trong đó, những cái tên giảm hàng đầu như NVL giảm sàn -6,6% xuống 12.000 đồng, PDR -6% xuống 11.000 đồng, PLX -5,9% xuống 38.200 đồng, VHM -5,8% xuống 42.600 đồng, SSI -5,6% xuống 19.300 đồng, GVR -5,2% xuống 14.550 đồng, VRE -5,1% xuống 28.100 đồng, TPB -5% xuống 23.500 đồng.
Ở phía sau, các cổ phiếu MSN, TCB, CTG, MWG, POW, VIB giảm từ 3% đến 3,7%, các mã VPB, VNM, VIC, ACB, STB, HDB, BID giảm từ 2% đến 2,7%, còn lại giảm từ 1% đến 1,9%.
Thanh khoản tốt nhất thuộc về HPG với 32,6 triệu đơn vị khớp lệnh, cổ phiếu này giảm 1,9%, tiếp theo là NVL với 27,1 triệu đơn vị, SSI khớp 24 triệu đơn vị, STB khớp 18,5 triệu đơn vị và VPB khớp gần 17 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HQC ngược dòng thị trường và là cái tên ấn tượng nhất, khi tăng kịch trần +6,8% lên 3.460 đồng, khớp lệnh cao nhất toàn sàn với hơn 51 triệu đơn vị.
Sắc tím khác còn tại TNT, AMD, TMT và YEG, trong đó, AMD khớp lệnh tốt nhất với hơn 2,74 triệu đơn vị.
Tăng tốt khác chỉ còn tại SMC +5,8% lên 10.900 đồng, PSH +3,1% lên 7.400 đồng, SCR +2,1% lên 6.700 đồng.
Ở chiều ngược lại, một số gặp lực bán mạnh và giảm sàn như bất động sản SZC, TTB, KHG DRH, DXG và cổ phiếu HCM ở nhóm công ty chứng khoán.
Giảm mạnh khác cũng tập trung phần lớn ở các mã bất động sản, xây dựng, như NLG -6,6% xuống 27.100 đồng, TDC -6,6% xuống 9.950 đồng, DIG -6,5% xuống 14.300 đồng, HPX -6,4% xuống 4.400 đồng, HTN -6,4% xuống 12.500 đồng, CRE -6,3% xuống 6.990 đồng, HDG -5,8% xuống 29.500 đồng…
Các cổ phiếu ASM, QCG, EVG, HDC, FIT, PTL, VGC, NHA, KDH, CII, DPG, GEX giảm từ hơn 4% đến hơn 5%...
Giảm sâu khác còn có một số cổ phiếu ở các ngành nguyên vật liệu, thủy sản, nông nghiệp, dịch vụ, vận tải…như DBC -4,4%, HSG -5,1%, CMX -5,2%, VOS -5,4%, PET -5,4%, IDI -5,5%, GIL -5,7%, HT1 -6%, ACL -6,5%, ANV -6,9%...
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng bị bán không tiếc tay, ngoài HCM nêu trên giảm sàn, SSI -5,6% thì CTS -6,3% xuống 13.400 đồng, VIX -5,6% xuống 7.030 đồng, VND -5,6% xuống 14.300 đồng, FTS -5,5% xuống 18.800 đồng, VCI -4,9% xuống 27.000 đồng, BSI -4,6%, APG -3,9%, TCB -3,9%, ORS -3,8%, VDS -2,5%...
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có nhịp hồi phục đáng chú ý khi bước vào phiên chiều và kéo chỉ số này vượt lên trên tham chiếu, tuy nhiên, lực bán cũng bất ngờ mạnh và dứt khoát sau đó đã khiến chỉ số này lao dốc nhanh và về mức thấp ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 61 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index giảm 4,12 điểm (-1,93%), xuống 209,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 108,9 triệu đơn vị, giá trị 1.796 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,7 triệu đơn vị, giá trị 57,6 tỷ đồng.
Sắc xanh đáng kể chỉ còn tại AMV +5,3% lên 4.000 đồng, khớp 5,82 triệu đơn vị và PVB +5,3% lên 13.900 đồng.
Phần còn lại đa số giảm và khá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, trong đó, SHS -4,5% xuống 8.500 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 16 triệu đơn vị, PVS may mắn chỉ giảm nhẹ 1,5% xuống 26.000 đồng, khớp lệnh chỉ sau SHS với 14,47 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu lao dốc đáng kể còn tại MBG -7,8%, LIG -6,8%, MST -6,7%, IDC -6,2%, APS -6%, TNG -5,9%, CEO -5,7%, MBS -5,5%...
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có nhịp hồi nhẹ lên trên tham chiếu trong phiên chiều, nhưng cũng như hai chỉ số chính, chỉ số trên đã lao dốc sau đó và kết phiên ở mức thấp nhất ngày.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,74 điểm (-0,94%), xuống 77,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,48 triệu đơn vị, giá trị 683,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 132,7 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao chỉ còn PXS, PXT, QTP nhích lên và LMH, CST, PFL đứng tham chiếu.
Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, với BSR -2,9% xuống 16.600 đồng, khớp lệnh chiếm gần một nửa khối lượng giao dịch trên UpCoM với 21 triệu đơn vị.
Theo sau là C4G -5% xuống 11.500 đồng, khớp 5,59 triệu đơn vị, OIL -3,1% xuống 9.300 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm sâu, với VN30F2303 đáo hạn gần nhất đã đánh rơi 32,3 điểm, tương đương -3% xuống 1.043,8 điểm, khớp lệnh hơn 309.100 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm đa số. Phiên này, CMWG2212 là mã giao dịch sôi động nhất khi khớp 1,97 triệu đơn vị và về tham chiếu tại 20 đồng/cq, CHPG2227 khớp 1,32 triệu đơn vị, giảm 2% xuống 2.450 đồng/cq, CHPG2215 khớp 1,17 triệu đơn vị, giảm 18,8% xuống 130 đồng/cq.