Giới chức Fed đồng lòng ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất để dập lửa lạm phát

25/01/2023 12:22

Các quan chức Fed đồng loạt lên tiếng khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ cần tiếp tục tăng lãi suất lên ít nhất là 5%, trái ngược kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Fed sẽ phải chùn tay vì lo ngại nền kinh tế giảm sút.

fed-1674115954.png Tòa nhà Fed. (Hình minh họa: Fox Business).

Hôm 18/1, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu họ sẽ tiếp tục tung ra các đợt tăng lãi suất mới. Một số nhà hoạch định chính sách ủng hộ kéo mức lãi suất cuối chu kỳ thắt chặt lên ít nhất là 5%, bất chấp các dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh và hoạt động kinh tế đang giảm tốc.

Bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, nói trong cuộc phỏng vấn với tờ AP: “Tôi nghĩ rằng Fed phải tiếp tục hành động. Chúng tôi sẽ thảo luận về mức tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tới”.

Nhiều đồng nghiệp của bà Mester cũng có chung quan điểm trên. Tại cuộc họp cuối năm 2022, hầu hết các quan chức Fed dự kiến lãi suất sẽ được kéo lên phạm vi 5-5,25% trong những tháng tới. Cá nhân bà Mester mong muốn lãi suất chính sách của Fed tăng cao hơn mức này “một chút”, và được duy trì trong một khoảng thời gian để cản đường lạm phát.

Lãi suất của Fed hiện đang nằm trong phạm vi mục tiêu 4,25-4,5%. Tờ Reuters cho biết các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % tại cuộc họp 31/1-1/2.

Các báo cáo mới nhất gần đây đều cho thấy hoạt động sản xuất, chi tiêu và lạm phát đang chậm lại. Điều này đã làm dấy lên kỳ vọng rằng Fed sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến của đa số các nhà hoạch định chính sách, và lãi suất đỉnh sẽ chỉ ở mức dưới 5%.

“Sao phải trì hoãn?” 

Giống như bà Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis là ông James Bullard cũng dự đoán lãi suất chính sách sẽ được nâng lên khoảng 5,25-5,5%. Ông cũng cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên kéo lãi suất lên trên 5% “sớm nhất có thể”.

Một số quan chức Fed đã lên tiếng ủng hộ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,25 điểm % trong mỗi cuộc họp chính sách sắp tới. Năm ngoái, Fed chủ yếu thực hiện các đợt tăng lãi suất 0,75 và 0,5 điểm %.

Nhưng ông Bullard thì sốt ruột hơn. Tờ Wall Street Journal hỏi liệu ông có ủng hộ mức tăng lãi suất 0,5 điểm % tại cuộc họp sắp tới không, ông đáp lại: “Sao chúng ta không đi đến nơi mình cần ngay? Sao chúng ta phải trì hoãn?”

Một phần câu trả lời có thể nằm trong báo cáo “Beige Book” mới nhất được Fed công bố vào ngày 18/1. Bản báo cáo cho thấy giá cả đang tiếp tục đi lên, nhưng tốc độ tăng tại hầu hết các nơi đã chậm lại.

Việc làm tiếp tục tăng với tốc độ “khiêm tốn đến vừa phải” tại hầu hết các khu vực.

Tuy nhiên, một số khu vực mà Fed đặt chi nhánh báo cáo mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn. Chi nhánh New York ghi nhận hoạt động kinh tế sụt giảm, 4 chi nhánh khác báo cáo tăng trưởng chậm lại hoặc giảm nhẹ. Hầu hết các chi nhánh dự đoán tăng trưởng trong tương lai sẽ rất thấp.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn khẳng định rằng họ không muốn lặp lại sai lầm quá khứ là ngừng tay trước khi thực sự khuất phục được lạm phát, rồi sau đó lại phải tăng lãi suất mạnh hơn nhiều.

Ông Patrick Harker, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, thường có lập trường mềm mỏng hơn hai đồng nghiệp Mester và Bullard. Ông cũng từng ủng hộ Fed giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,25 điểm %. Nhưng chính ông cũng cho rằng Fed phải tăng lãi suất “thêm vài lần nữa” rồi mới dừng lại.

Bà Lorie Logan, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, cũng ủng hộ giảm tốc độ các đợt tăng lãi suất tiếp theo vì triển vọng kinh tế đang khá khó đoán và Fed cần phải linh hoạt. Nhưng bà cũng ra hiệu rằng Fed có thể cần tăng lãi suất cao hơn mức thị trường dự đoán nhằm thắt chặt điều kiện tài chính đủ để kiềm chế lạm phát.

Tại cuộc họp chính sách tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc và ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Giới chức Fed đồng lòng ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất để dập lửa lạm phát" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).