Trên báo cáo kiểm toán, kết quả kinh doanh năm 2021 của TTF đã chuyển từ lãi ròng gần 9 tỷ đồng theo báo cáo tự lập thành lỗ ròng gần 9 tỷ đồng.
So với kết quả kinh doanh 2020, tuy doanh thu thuần và doanh thu tài chính của TTF đều tăng trưởng mạnh, lần lượt 32% và 123% nhưng do chi phí bán hàng lẫn chi phí quản lý đều tăng cao, DN này vẫn lỗ ròng gần 9 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi ròng gần 31 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của TTF tăng 27% so với đầu năm, đạt hơn 2,838 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đều lần lượt tăng 51% và 19%, đạt 549 tỷ đồng và 934 tỷ đồng.
Sau kiểm toán, TTF lỗ ròng gần 9 tỷ đồng so với mức lãi 9 tỷ đồng tại báo cáo tự lập
Cũng tại báo cáo kiểm toán, doanh thu tài chính của TTF lại được điều chỉnh tăng từ 20 tỷ đồng lên hơn 60 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Công ty ghi nhận thêm thu nhập từ việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành M’Drak và CTCP Vật liệu Xây dựng Trường Thành - Phước An.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn cho biết, thời gian qua có tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của doanh nghiệp kiểm toán.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, công chúng; góp phần phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện nghiêm túc một số nội dung.
Cụ thể, Bộ Tài chính giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường giám sát tình hình hoạt động, tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư khi có những biến động lớn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và Thanh tra Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng; chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót, dẫn đến phải sửa đổi… làm thay đổi đáng kể tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.