Mới đây, Tòa soạn có đăng tải bài viết "Kỳ I - Vạch trần chiêu trò “lách luật” để huy động vốn trái phép của dự án Khu dân cư Mường Khến tại Tân Lạc (Hòa Bình)", bài viết đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía độc giả khi phân tích loạt chiêu trò kinh doanh bất động sản trái quy định mà chưa có văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình.
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên nhận thấy nhiều “góc khuất” trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án do Công ty CP ĐT Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư.
Thông tin với Reatimes tại văn bản số 4678/SXD-QLN&TTBĐS ngày 03/12/2021 do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình Quách Cao Sơn ký ban hành đã cảnh báo với nội dung, Dự án Khu dân cư Mường Khến huyện Tân Lạc do Liên danh Công ty CP ĐT Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) và Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư, tính đến thời điểm hiện nay dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, tại buổi làm việc với Reatimes vào ngày 8/12/2021, đại diện chủ đầu tư là ông Phan Vinh Thủy - Giám đốc truyền thông Công ty Hoàng Sơn cũng thừa nhận, dự án chưa đủ điều kiện mở bán vì chưa xong hạ tầng.
Ngay sau buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư, ngày 10/12/2021 Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành văn bản số 4860/SXD-QLN&TTBĐS về việc cho phép huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư xây dựng nhà ở dự án Khu dân cư thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc.
Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy, mặc dù Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã cảnh báo Dự án Khu dân cư Mường Khến chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản tại văn bản số 4678/SXD-QLN&TTBĐS ngày 03/12/2021, tuy nhiên, việc huy động vốn trái phép tại dự án này đã diễn ra trước đó.
Đồng thời, tại Văn bản 4860/SXD-QLN&TTBĐS của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho phép huy động vốn tại dự án chỉ có hiệu lực từ thời điểm ký ban hành là ngày 10/12/2021. Điều này khẳng định, việc huy động vốn của chủ đầu tư tại dự án Khu dân cư thị trấn Mường Khến từ trước ngày 10/12/2021 đều trái quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, theo tài liệu của đơn vị phân phối cung cấp, Hợp đồng cung cấp dịch vụ số 28/HDDV-MK ngày 04/11/2021 tại thị trấn Mãn Đức, Tân Lạc, Hòa Bình có nội dung nêu rõ, Bên sử dụng dịch vụ (Bên A) đại diện là bà Đ.T.P địa chỉ tại Đông Anh, Hà Nội ký kết thỏa thuận với Bên cung cấp dịch vụ (Bên B) là ông C.T.T địa chỉ tại Thạch Thất, Hà Nội.
Bên A đồng ý sử dụng dịch vụ và bên B đồng ý nhận cung cấp dịch vụ tư vấn, tìm mua bất động sản cho bên A. Thông tin cụ thể, loại hình là liền kề, biệt thự, shophouse; diện tích 84,8m2 - DO.18-06
Bên A tự nguyện chuyển cho bên B một khoản tiền là 50 triệu đồng để thực hiện hợp đồng. Các điều khoản và nghĩa vụ của hai bên được quy định không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu dự án Khu dân cư thị trấn Mường Khến, phóng viên nhận được nhiều nguồn tin rằng dự án đang có dấu hiệu tiêu thụ đất lậu.
Từng được báo chí phản ánh, vào thời điểm khoảng cuối tháng 11/2021, sau nhiều ngày theo dõi, phóng viên phát hiện các xe tải đang có dấu hiệu khai thác đất trái phép tại xóm Tân Thành, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc. Tại đây phóng viên ghi nhận nhiều máy xúc và xe tải có logo Công ty Hải Ngân đang đào, múc đất, sau đó vận chuyển vào dự án Khu dân cư Thị trấn Mường Khến để đổ và san lấp mặt bằng.
Quá trình tìm hiểu dự án Khu dân cư thị trấn Mường Khến, phóng viên nhận được nhiều nguồn tin dự án đang có dấu hiệu tiêu thụ đất lậu (Ảnh cắt từ clip).
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Bùi Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết, vị trí xuất hiện tình trạng đào múc vận chuyển đất đi tiêu thụ theo phản ánh của phóng viên thuộc thửa đất của hộ gia đình bà Bùi Thị Thủy và bà Nguyễn Thị Nhị, hai hộ này chưa được cấp phép san lấp mặt bằng.
Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi cùng bộ phận địa chính đã kiểm tra thực tế và thấy rằng, trên địa bàn có tình trạng san gạt tại địa điểm xóm Tân Thành, chính quyền xã đã lập biên bản liên quan đến 2 hộ và yêu cầu các hộ tạm dừng. Tuy nhiên, sau khi lập biên bản được 2 ngày, chính quyền vẫn nghe phản ánh các hộ đó vẫn tiếp tục san gạt. Chúng tôi cũng trực tiếp lập biên bản vi phạm hành chính và 2 hộ cũng chưa xuất trình được giấy tờ thủ tục xin san gạt.
Đáng chú ý, ngày 25/11/2021, chính quyền xã đã xuống kiểm tra lập biên bản và yêu cầu dừng hoạt động san gạt, vận chuyển đất đồng thời yêu cầu phục hồi lại hiện trạng ban đầu. Thế nhưng ngày 30/11/2021 phóng viên tiếp tục ghi nhận hoạt động đào, múc đất lên xe tải và vận chuyển đi san lấp mặt bằng tại dự án Khu dân cư Mường Khến.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm của Công ty Hoàng Sơn tại Kết luận thanh tra về công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2004 - 2014. Qua thanh tra trực tiếp một số dự án, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, việc vận dụng chỉ định thầu theo danh mục dự án cấp bách hoặc thi công theo lệnh khẩn cấp đều không có kế hoạch được duyệt là vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu. Tổng số tiền vi phạm tại 5 dự án được Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình xử lý là 49 tỷ đồng.
Tại thời điểm ban hành kết luận thanh tra nêu trên, chưa rõ 5 dự án (gồm 3 dự án do Sở NN&PTNT Hòa Bình làm chủ đầu tư; 1 dự án do Sở GTVT Hòa Bình làm chủ đầu tư và 1 dự án do Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình làm chủ đầu tư) được lựa chọn theo một tiêu chí cụ thể nào, nhưng những sai sót liên quan đến trình tự đầu tư xây dựng cơ bản tại các dự án này là nghiêm trọng. Trong số này, đáng lưu ý là có sự xuất hiện của Công ty Hoàng Sơn tại hầu hết các gói thầu trọng yếu từ xây dựng thủy lợi, giao thông, dân dụng kỹ thuật cao mà phần lớn là qua chỉ định thầu.
Chưa hết, Công ty Hoàng Sơn còn dính hàng loạt sai phạm liên quan đến hoạt động xây dựng, khai thác tài nguyên, kinh doanh xăng dầu trái phép như: Xây dựng siêu thị không phép tại Khu dân cư bắc Trần Hưng Đạo, xóm 6, xã Sủ Ngòi, TP. Hòa Bình; khai thác đất “lậu” tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy; kinh doanh xăng dầu trái phép tại xã Trung Minh, TP. Hòa Bình...
Được biết, Công ty Hoàng Sơn có trụ sở tại Tổ 1, phường Tân Thịnh, TP. Hoà Bình; được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ là 270 tỷ đồng. Trong đó, các ông Nguyễn Cao Sơn góp 5,4 tỷ đồng; Nguyễn Nam Chung góp 35,9 tỷ đồng và Nguyễn Thanh Thanh góp 220,7 tỷ đồng. Vị trí Chủ tịch HĐQT Hoàng Sơn từ năm 2013 trở về trước là ông Nguyễn Cao Sơn. Đến nay, vị trí này đã được trao lại cho ông Nguyễn Thanh Thanh.
Dù “tuổi đời” còn khá non trẻ, song Công ty Hoàng Sơn đã nhanh chóng được tỉnh Hòa Bình tin tưởng cho xây dựng nhiều dự án lớn, bằng việc chỉ định nhiều gói thầu quan trọng có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
Dư luận đặt ra câu hỏi, ai đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư là Công ty Hoàng Sơn “tự tung tự tác” bất chấp quy định của pháp luật. Và trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đến đâu cũng cần phải làm rõ trước công luận?
Được biết, Hồ Hòa Bình có vẻ đẹp kỳ vĩ được ví như vịnh Hạ Long trên núi, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia và nằm trong không gian phát triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình, phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa - Thung Nai - Suối Hoa (huyện Cao Phong và Tân Lạc) đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Được biết Công ty CP đầu tư Lạc Hồng đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng vào phân khu này tại Dự án Khu Nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Hồ Hòa Bình. Trong khi đó, cái tên Công ty Hoàng Sơn xuất hiện khá nhạt nhòa dù được đánh giá là doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình với Dự án Khu Du lịch sinh thái Ngòi Hoa đang “dính” chậm tiến độ.
Vừa qua, tại buổi kiểm tra các dự án đầu tư tại hồ Hòa Bình, Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và đại diện Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết: Các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại vùng lòng hồ nhìn chung triển khai còn chậm, nguyên nhân là do công tác GPMB. Trước hết, những chỗ đã thỏa thuận được mà chưa hoàn thành thủ tục, như dự án đầu tư Khu Du lịch sinh thái Ngòi Hoa của Công ty Hoàng Sơn, nhà đầu tư cần tích cực phối hợp, giúp người dân hoàn thiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đáng chú ý, tại Dự án Khu Liên hiệp thể thao Tây Bắc do Công ty Hoàng Sơn triển khai xây dựng được UBND tỉnh Hòa Bình cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2012 nhưng sau hơn 8 năm triển khai vẫn “lỡ hẹn” vì chưa phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng TP. Hòa Bình đến năm 2035 và chưa giải phóng xong mặt bằng.
Dự án Khu Liên hiệp thể thao Tây Bắc do Công ty Hoàng Sơn triển khai sau hơn 8 năm vẫn “lỡ hẹn”.
Vừa qua, tại cuộc họp giữa UBND TP. Hòa Bình và các Sở, ngành đã tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch và các hạng mục đầu tư của Công ty Hoàng Sơn.
Sau khi thảo luận, UBND thành phố và các Sở, ngành có liên quan đã thống nhất một số nội dung về Dự án Khu Liên hiệp thể thao Tây Bắc, trong đó yêu cầu Công ty Hoàng Sơn phải tập hợp đầy đủ tài liệu liên quan đến việc thực hiện đầu tư dự án… Từ đó từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai và thực hiện dự án…
Được biết, Dự án Khu Liên hiệp thể thao Tây Bắc, tại phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào năm 2009 với tổng diện tích là 19,2ha, được điều chỉnh lần một vào năm 2011 với diện tích 9,17ha. Để phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hòa Bình năm 2035, Khu Liên hiệp thể thao Tây Bắc đã được thu gọn diện tích xuống còn khoảng 9ha.
Nhiều chiếc máy xúc, máy ủi hoen rỉ có gắn logo Công ty Hoàng Sơn vẫn nằm “thi gan cùng tuế nguyệt”.
Dự án này được khởi công rầm rộ vào ngày 07/8/2013 nhưng sau 8 năm triển khai dự án vẫn chưa thể về đích. Ghi nhận của Pv Reatimes vào ngày 23/12/2021, toàn cảnh Dự án Khu Liên hiệp thể thao Tây Bắc vẫn ngổn ngang phế liệu, ống cống, vật liệu xây dựng nằm la liệt, cỏ mọc um tùm, vài chiếc máy xúc, máy ủi hoen rỉ có gắn logo Công ty Hoàng Sơn vẫn nằm “thi gan cùng tuế nguyệt”.
Anh Việt Bắc sinh sống tại TP. Hòa Bình cho biết, Dự án Khu Liên hiệp thể thao Tây Bắc chậm tiến độ nhiều hạng mục không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây lãng phí khi bị bỏ hoang nhiều năm qua. Dự án được kỳ vọng sẽ có cơ sở khang trang, văn minh, nơi rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong vùng nay lại trở thành tụ điểm của tệ nạn xã hội.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Quách Tùng Dương - Bí thư Thành uỷ Hoà Bình từng nhấn mạnh: “Những dự án chậm tiến độ đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm thất thu ngân sách; gây bất ổn, xáo trộn trong một bộ phận đời sống xã hội. Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp xử lý kịp thời, đồng bộ. Nhất là việc xử lý các dự án "treo”, trả lại sự trong sạch cho môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Hòa Bình và ổn định cuộc sống, sản xuất của nhân dân. Về vấn đề này, vừa qua, thành phố đã tập trung thực hiện quyết liệt. Kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định chấm dứt, thu hồi 14 dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ để mời gọi các nhà đầu tư khác”.
Ông Quách Tùng Dương - Bí thư Thành uỷ Hoà Bình cũng cho biết thêm, quá trình làm việc với cơ quan chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương, đại diện chủ đầu tư các dự án đều khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về tài chính. Song đến nay, tình trạng dự án chậm tiến độ vẫn đang là thực tế đáng báo động trong công tác quản lý và điều hành của TP. Hòa Bình.
Từng trả lời báo chí về thực trạng đáng báo động của những dự án “treo” trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình cho rằng, thực trạng đó không chỉ làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển, tác động đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh mà còn tác động không nhỏ đến tâm tư và đời sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Đáng lưu ý là tình trạng đó diễn ra ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh Hòa Bình.
"Những hệ lụy từ các dự án "treo” đã rõ. Do vậy, tỉnh Hòa Bình cần phải thực hiện rà soát, kiểm tra xác định và có biện pháp, chế tài xử lý dứt điểm những dự án chậm tiến độ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, cũng như giải quyết triệt để những bức xúc trong nhân dân do tình trạng này gây ra”, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Theo đó, tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn tài nguyên đất...
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, chúng ta đang thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án. Chính vì vậy, điều này đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Quan điểm của GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội lại cho rằng, Nhà nước cần kiên quyết xử lý những dự án “treo” tại “đất vàng” theo đúng luật.
Cụ thể, các dự án đất vàng này có 2 loại, với khu đất giao cho các nhà đầu tư tư nhân nhằm mục đích đầu tư dự án thương mại, khi đã quá hạn nhưng chủ đầu tư không xin gia hạn tiếp 12 tháng thì phải thu hồi. Kể cả khi chủ đầu tư xin gia hạn, nhưng sau 12 tháng vẫn không triển khai được thì vẫn phải tiến hành thu hồi.
Đồng tình với quan điểm đó, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, việc thu hồi dự án chậm tiến độ ngày nào thì Nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó. Do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng.
Ngoài ra, theo GS. Đặng Hùng Võ việc cương quyết thu hồi có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin!