Gói thầu sửa Nhà thư viện Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng bị “tố” bất bình đẳng, ưu ái cho nhà thầu bỏ giá cao nhất

05/07/2022 14:07

7 nhà thầu tham gia gói thầu sửa chữa chống xuống cấp Nhà thư viện Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhưng 6 nhà thầu bỏ giá thấp, tiết kiệm đều bị loại một cách khó hiểu?

Cho rằng công tác lập E-HSMT (Hồ sơ mời thầu) và đánh giá E-HSDT (Hồ sơ dự thầu) gói thầu sửa chữa chống xuống cấp Nhà thư viện Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng (viết tắt: gói thầu Nhà Thư viện) chưa phù hợp, không tuân thủ quy định hiện hành, gây khó khăn cho các nhà thầu và tạo sự cạnh tranh không bình đẳng... nhiều nhà thầu đã kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Cục quản lý đấu thầu quốc gia, Chủ đầu tư, Bên mời thầu xem xét xử lý gói thầu này.

Gói thầu sửa Nhà thư viện Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng bị “tố” bất bình đẳng, ưu ái cho nhà thầu bỏ giá cao nhất

​​​​​

Gói thầu sửa Nhà thư viện Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng bị “tố” bất bình đẳng, ưu ái cho nhà thầu bỏ giá cao nhất

   

Được biết, gói thầu Nhà thư viện có giá 4.541.340.000 đồng. Ngày 4//5/2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có quyết định số 1020/QĐ-BVHTTDL phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình. Ngày 10/5/2022, Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng có quyết định số 456/QĐ-TDTTĐN phê duyệt E-HSMT.

Gói thầu Nhà thư viện do Công ty TNHH Homecare Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) làm tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT; Công ty CP Thiết kế và Xây dựng Thái Dương Holdings (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) làm tư vấn thẩm định HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo thông báo mời thầu, đã có 7 nhà thầu tham dự gói thầu sửa chữa chống xuống cấp Nhà thư viện. Mức giá dự thầu thấp nhất là hơn 2,6 tỷ đồng (giảm 40,7% so với giá gói thầu), giá dự thầu cao nhất là 4,456 tỷ đồng (tương ứng giảm 1,86%).

Cụ thể: Công ty CP Xây dựng H.T.B có giá dự thầu cao nhất 4,456 tỷ đồng (giảm 1,86% so với giá gói thầu), chỉ giảm khoảng 85 triệu đồng so với giá gói thầu; tiếp đến là Công ty CP Nguyên Tam với giá dự thầu gần 4 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng AI.T có giá dự thầu 3,64 tỷ đồng; Công ty TNHH Trường Đức có giá dự thầu gần 3,4 tỷ đồng. Hai nhà thầu cùng có giá dự thầu 3,17 tỷ đồng là Công ty CP Xây dựng và Thương mại An Phát; Công ty CP Xây dựng và Phát triển kinh tế Tiền Phong Đà Nẵng. Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ thương mại Đà Quảng có giá dự thầu hơn 2,6 tỷ đồng, giảm gần 1,850 tỷ đồng so với giá gói thầu.

Tuy nhiên, theo Thông báo 577/TB-TDTTĐN ngày 15/6/2022, kết quả trúng thầu lại là nhà thầu có giá dự thầu cao nhất là Công ty CP Xây dựng H.T.B (địa chỉ Tổ 1, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Đáng nói, hầu hết 6 nhà thầu bị loại đều bỏ giá thấp, tiết kiệm cho gói thầu, cho ngân sách thế nhưng đều bị chấm điểm thấp, không đạt ở các nội dung như: giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thi công (do không cung cấp thông tin về vật liệu chất dung dịch chống mối) hoặc do không có bản vẽ thiết kế biện pháp thi công; hoặc ở nội dung giải pháp bố trí nhân sự thực hiện gói thầu; hoặc hợp đồng tương tự có nhiều tính chất tương tự gói thầu đang xét không phù hợp…

Bức xúc với kết quả trúng thầu, ông Võ Hải, đại diện Công ty TNHH Xây lắp và Dịch vụ thương mại Đà Quảng cho biết, giá dự thầu mà công ty chúng tôi đưa ra có tỷ lệ giảm giá lớn nhất nhưng lại bị loại do không đạt tiêu chí “biện pháp thi công và hạng mục chống mối”. Trong khi đó, ở biện pháp thi công, HSMT không nêu rõ diện tích bảo vệ thi công, vật liệu bảo vệ thi công nên HSDT của Nhà thầu chỉ đưa ra biện pháp rào chắn xung quanh phần diện tích cải tạo… nhưng lại bị chấm “không đạt”.

Theo ông Võ Hải, với kinh nghiệm thi công trong lĩnh vực dân dụng hơn 20 năm, Công ty Đà Quảng bị chấm “không đạt” ở các tiêu chí này là không thuyết phục. Riêng phần chống mối, chúng tôi đã liên hệ với đơn vị chuyên nghiệp thi công hạng mục này.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, trong quá trình chấm thầu nếu không rõ nội dung nào thì Tổ chuyên gia chấm thầu phải yêu cầu nhà thầu giải trình. Tuy nhiên, ở gói thầu này, cả 6 nhà thầu đều không được thông báo để làm rõ những tiêu chí này mà lại thẳng tay chấm “không đạt”.

Tương tự, Công ty TNHH Xây dựng AI.T cũng bất bình về việc chấm thầu không phù hợp, không đúng với quy định hiện hành gây khó khăn cho một số nhà thầu, tạo điều kiện cho một nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Nhà thầu này chỉ ra hàng loạt các quy định của pháp luật.

Tại điểm a khoản 5 mục I Chỉ thị số 47 / CT-TTg ngày 27/12 /2017 của Thủ tướng Chính phủ: “Đối với xây dựng HSMT/HSYC: khi xây dựng yêu cầu về kĩ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”.

Hoặc tại điểm b Mục 4 Chỉ thị 03/CT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu việc làm rõ HSDT/HSMT phải được hiện đúng quy định của Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Trong đó, “…không được loại nhà thầu tại bước kiểm tra tính hợp lệ HSDT/HSMT do thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm khi chưa thực hiện làm rõ HSDT/HSMT; nghiêm cấm việc làm rõ HSDT/HSMT dẫn đến thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu, nội dung cơ bản của HSDT/HSMT đã nộp…”

Theo Công ty TNHH Xây dựng AI.T, việc đánh giá kinh nghiệm của các nhân sự chủ chốt trong các công việc tương tự được cộng dồn như trong báo cáo đánh giá là không phù hợp. Vì thời gian của các nhân sự mà nhà thầu đã đề xuất đều đảm nhiệm công việc theo đúng yêu cầu của E-HSMT đối với các công trình tương tự với nhiều hợp đồng tương tự khác nhau từ ngày bắt đầu đến ngày như đã kê khai theo mẫu trên hệ thống. Nếu có yêu cầu thì nhà thầu sẽ làm rõ.

Theo đó, nhà thầu này cho rằng, E-HSMT yêu cầu tiêu chí để đánh giá tổng số năm kinh nghiệm của các nhân sự được cộng dồn dẫn đến không đạt đối với các nhân sự có thời gian thực hiện công việc/hợp đồng tương tự lien tục là không phù hợp với quy định.

Mặt khác, đây là gói thầu nhỏ dành cho doanh nghiệp cấp nhỏ hoặc siêu nhỏ, nội dung công việc của gói thầu đơn giản. Theo Bảng tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật của gói thầu này, “có chứng chỉ hạng III” chỉ được chấm điểm tối đa 5/8 (tỷ lệ 62,5%). Tuy nhiên gói thầu áp dụng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 và mức điểm tối thiểu chung là 80 điểm (tỷ lệ 80%) là không phù hợp với quy mô và tính chất của gói thầu theo quy định.

Theo đơn kiến nghị của các nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu tại gói thầu trên có nhiều khuất tất, cần phải được xem xét lại một cách công bằng, chính xác./.

Bạn đang đọc bài viết "Gói thầu sửa Nhà thư viện Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng bị “tố” bất bình đẳng, ưu ái cho nhà thầu bỏ giá cao nhất" tại chuyên mục Đấu Thầu. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).