Hà Nội 'bêu tên' Transerco vì vi phạm đất đai, chậm triển khai dự án trên 'đất vàng'

27/11/2021 19:24

Mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã chỉ rõ những sai phạm của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) tại hai dự án do doanh nghiệp này là chủ đầu tư nằm trên các khu 'đất vàng' ở huyện Mê Linh và Thanh Trì.

Hai dự án kín tiếng chậm triển khai

Tại Báo cáo kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, HĐND TP. Hà Nội đã chỉ ra nhiều tồn tại. Tổng hợp từ danh mục các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cho thấy: TP. Hà Nội hiện còn hàng trăm dự án chậm triển khai, vi phạm đất đai.

Báo cáo này của Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã nêu tên của hai dự án, gồm: dự án Xây dựng điểm trung chuyển và đầu cuối xe buýt (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) và dự án Xây dựng bãi đỗ xe kết hợp trồng cây xanh (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội); đồng thời chỉ rõ sai phạm của đơn vị chủ đầu tư là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco). Được biết, cả hai dự án này đều thuộc Danh mục các dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát.

Theo đó, dự án Xây dựng điểm trung chuyển và đầu cuối xe buýt có diện tích 2.298,4m2, tọa lạc tại xã Thanh Lâm – một trong những nơi phát triển bậc nhất của huyện Mê Linh vì nằm tiếp giáp khu vực trung tâm huyện; có nhiều tuyến đường giao thông lớn như: Quốc lộ 23, DT35…; nằm gần các khu đô thị lớn như CEO, Huda, các khu chợ lớn, trường học, bệnh viện… mang lại rất nhiều thuận tiện trong các hoạt động sinh hoạt và lao động, sản xuất-kinh doanh.

Showroom ô tô “Hà Nội Ford” tọa lạc trên khu "đất vàng" rộng hàng trăm mét vuông ở 94 phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) của Transerco.

Chính vì vậy, khu đất để thực hiện dự án này của Transerco thường được nhắc tới như một khu “đất vàng” nhờ có vị trí vô cùng đắc địa. Được UBND TP. Hà Nội giao đất thực hiện dự án từ năm 2012 tại Quyết định số 1677/QĐ-UBND ngày 23/4/2012; đến năm 2019, dự án được Thành phố tiến hành thanh kiểm tra và đã ban hành Kết luận thanh tra số 1882/KLTT-STNMT-ĐTTr ngày 3/7/2019.

Vào thời điểm này, Transerco đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội báo cáo về nguyên nhân dự án chậm tiến độ. Thành phố cũng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Hiện tại, dự án này đã hoàn thành công tác GPMB, và được tiến hành san nền một phần cũng như xây tường rào quanh khu đất.

Quá trình tìm hiểu cho thấy, hiện tại dự án vẫn đang là một bãi đất trống, chưa hề được triển khai và hoàn toàn không có dấu hiệu của việc thực hiện đầu tư xây dựng. Từ lâu, dự án này giống như một “ẩn số” khi toàn bộ thông tin cơ bản như vị trí cụ thể, tiến độ thực hiện dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt… đều được đơn vị chủ đầu tư giữ kín. Suốt gần một thập kỷ qua, khu đất rộng hàng nghìn mét vuông này dường bị rơi vào quên lãng, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.

Tương tự như vậy, dự án Xây dựng bãi đỗ xe kết hợp trồng cây xanh của Transerco cũng là một dự án rất kín tiếng. Dự án này nằm tại xã Tam Hiệp, nơi có nhiều tuyến đường giao thông lớn như: DT70A, Tựu Liệt… Theo quy hoạch của TP. Hà Nội, trong tương lai sẽ có thêm nhiều tuyến đường mới được mở ở địa bàn xã Tam Hiệp, biến nơi đây trở thành một trong các khu vực rất phát triển của huyện Thanh Trì. Trước đó, dự án đã được Thành phố tiến hành thanh kiểm tra và đã có Kết luận thanh tra số 2012/KL-STNMT-TTr ngày 16/7/2019.

Khu đất 90 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) trước đây từng được cho phép thực hiện với mục đích là xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Transerco, nay đã trở thành dự án thương mại với gần 900 căn nhà liền kề và chung cư cao tầng do Urinco7 làm chủ đầu tư.

"Miếng bánh" đất công thành dự án thương mại

Transerco thuộc sở hữu của UBND TP. Hà Nội, quản lý hệ thống xe buýt trên toàn thành phố. Doanh nghiệp này cũng nằm trong Ðề án Tái cơ cấu các Doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và hướng đến năm 2020 của Chính phủ và TP. Hà Nội. Tính đến năm 2016, Transerco đã thoái vốn Nhà nước tại bốn công ty “con” của mình.

Được xem như một điển hình của quá trình, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước suốt thời gian qua, Transerco nằm trong danh mục doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện cổ phần hóa của Transerco lại được thực hiện rất chậm chạp và hiện vẫn chưa hoàn thành.

Nhờ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe và điểm đỗ nên Transerco quản lý và sử dụng quỹ đất gồm nhiều khu “đất vàng” rộng hàng nghìn mét vuông, có vị trí đắc địa trên địa bàn TP. Hà Nội. Tận dụng lợi thế này, Transerco đã và đang ra đời các dự án bất động sản tầm cỡ. Việc sử dụng đất sai mục đích, “xẻ thịt” đất công để cho thuê thu lợi nhuận và tích cực bắt tay với nhiều đối tác để “hô biến” những mảnh đất công thành các dự án thương mại không qua đấu giá… dường như đã trở thành “đặc trưng” của doanh nghiệp đang cổ phần hóa dang dở này.

Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán nằm trên khu đất trước đây là trụ sở của Công ty Cổ phần Vận tải Newway (122 – 124 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy).

Những dự án thương mại đình đám nằm trên “đất vàng” của Transerco có thể kể đến: dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại: dự án Mipec Rubik 360, nằm trên khu đất 122 – 124 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) - trụ sở cũ của Công ty Cổ phần Vận tải Newway; dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) - trước đây từng được cho phép thực hiện với mục đích là xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Transerco; dự án Sun Grand City Thụy Khuê Residence (69B Thụy Khuê, quận Tây Hồ); dự án Khách sạn Nikko nay đã đổi tên thành Hotel Du Parc Hà Nội (84 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng); dự án tại số 1, 3, 5 Đinh Tiên Hoàng (tòa nhà Hàm Cá Mập)...

Đáng chú ý, khu đất rộng hàng chục nghìn mét vuông nằm cạnh Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy) dù được UBND TP. Hà Nội giao cho Transerco sử dụng để xây dựng hệ thống các khu dịch vụ xe buýt tại điểm Mai Dịch; thế nhưng hiện việc triển khai khu dịch vụ xe buýt này cũng đang có dấu hiệu là thực hiện không đúng thiết kế đã được phê duyệt.

Cũng từ đây, dấu hỏi lớn về việc hai dự án của Transerco tại huyện Mê Linh và Thanh Trì liệu sẽ đối diện nguy cơ bị thu hồi theo quy định pháp luật vì chậm triển khai, vi phạm đất đai; hay lại một lần nữa đi theo “lối mòn” quen thuộc: từ đất công “biến” thành các dự án thương mại mà không qua đấu giá, thu về nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp nhưng lại gây thất thoát tài sản của Nhà nước?

Liên quan đến vụ việc này, PV Ngày Nay đã liên hệ với phía Transerco. Sau nhiều ngày im lặng, đại diện Transerco cho biết: “Đối với nội dung liên quan đến hai dự án này, hiện nay Đoàn công tác liên ngành của Thành phố đang thực hiện rà soát theo nội dung làm việc của Đoàn. Chúng tôi sẽ thông tin lại sau khi có thông tin đầy đủ”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội 'bêu tên' Transerco vì vi phạm đất đai, chậm triển khai dự án trên 'đất vàng'" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).