Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần chế biến và kinh doanh than Thuỷ Nguyên (sau đây viết tắt là Công ty Than Thuỷ Nguyên, có địa chỉ tại thôn Đá Bạc, xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên) do ông Phan Xuân Toàn là người đại diện pháp luật, trong quá trình hoạt động sản xuất, chế biến than đã gây ra rất nhiều hệ lụy về môi trường, lấn chiếm hành lang đê thoát lũ. Tuy nhiên, thay vì tìm cách xử lý dứt điểm sai phạm của đơn vị này thì chính quyền sở tại lại có dấu hiệu làm ngơ cho sai phạm kéo dài gây bức xúc dư luận.
Có mặt tại xã Lưu Kỳ, theo ghi nhận của PV, quy mô hoạt động của Công ty Than Thủy Nguyên trên diện tích rất lớn, lên đến hàng chục nghìn m2. Phía bên trong là những đống than đước chất cao như ngọn núi, nằm giáp bờ sông. Phía ngoài là một cầu cảng được xây dựng khá quy mô để vận chuyển than bằng đường thủy. Xung quanh khu vực bãi tập kết than này là tình trạng bụi than, những bãi nước thải đọng màu đen nhầy nhụa trông rất phản cảm.
Có nhà ở gần khu vực đê, bà N.T.L kể lại, sau khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các hộ dân, doanh nghiệp không sản xuất ban ngày mà chuyển sang hoạt động về đêm. Chúng tôi ở đây bị ảnh hưởng đủ đường. Đêm đến là xe tải chạy rầm rầm khiến cây cối trồng trong vườn chẳng lớn và ra quả được do bụi than phủ kín. Quần áo cũng không biết phơi ở đâu cho sạch sẽ, ăn cơm còn phải để ý nếu không bụi than bay vào lúc nào không hay.
Chỉ về phía đồ đạc trong nhà đều bị phủ một lớp bụi đen, bà V.T.H. (thôn Bạch Đằng, xã Lưu Kỳ) phàn nàn: Doanh nghiệp chở than về chất thành đống, có lúc cao bằng cây cột điện, lại không được che chắn, bụi than bay khắp nơi. Bát đũa nhà tôi có khi vừa rửa xong lúc sau đã bám bụi đen xì. Chúng tôi phải đeo khẩu trang suốt ngày như chống dịch Covid-19. Nguy hiểm hơn, gần đây đã có 5 trường hợp là nam giới từ 50-60 tuổi phát hiện mắc bệnh ung thư phổi, có người đã qua đời.
Theo quan sát, trên mặt đê sông Đá Bạc, khói bụi bay mù mịt mỗi khi có xe chở than chạy qua. Cây cối 2 bên đường bị phủ một lớp bụi than, không khí quanh khu vực đặc quánh, ngột ngạt và những tiếng ồn chát chúa từ các máy nghiền, sàng than liên tục phát ra gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng. Người dân mỗi khi di chuyển qua khu vực này đều tỏ ra vội vã như muốn mau chóng thoát ra khỏi “con đường đau khổ” vì xuống cấp, bụi bẩn.
Trước thực trạng trên, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Vũ Thành Công – Chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ, cho biết Công ty Than Thủy Nguyên có quy mô sản xuất lớn nhất trên địa bàn, diện tích hơn 7.000m2. Song, đơn vị vẫn lấn chiếm một phần diện tích hành lang đê thoát lũ.
Lý giải về vấn đề trên, ông Công nói: Dọc tuyến đê trên, không riêng gì Công ty Than Thủy Nguyên mà đa số các đơn vị đều lấn chiếm hành lang thoát lũ. Việc tận dụng tuy chưa ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ nhưng theo quy định là không đúng. Về phía xã thì chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp với UBND huyện Thủy Nguyên và các cơ quan chức năng kiểm tra thôi. Hiện tại, phía xã không có văn bản gì liên quan đến việc kiểm tra vì chỉ phối hợp cùng?!
Rõ ràng, Công ty Than Thủy Nguyên xâm phạm hành lang bảo vệ đê sông Đá Bạc, hoạt động gây ô nhiễm môi trường mà người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở, thế nhưng việc chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan của UBND huyện Thuỷ Nguyên dường như chưa đưa ra biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý dứt điểm những tồn tại, vi phạm đối với Công ty Than Thuỷ Nguyên. Thiết nghĩ, để thượng tôn pháp luật, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân địa phương, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cần vào cuộc chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm đã và đang tồn tại của doanh nghiệp này.