Hàng loạt thiếu sót trong quản lý vốn đầu tư công ở Phú Thọ

28/11/2022 13:37

Khi kiểm toán ngân sách địa phương tỉnh Phú Thọ năm 2021, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đưa ra nhiều phát hiện và chỉ ra hàng loạt các thiếu sót của địa phương trong việc phân bổ và quản lý vốn đầu tư công.

Phân bổ vốn chưa đúng

Kết luận quan trọng nhất được đưa ra là KTNN không có cơ sở đánh giá việc tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công của tỉnh. Nguyên nhân do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương chưa dự kiến danh mục dự án đầu tư và mức vốn phân bổ thuộc nguồn ngân sách địa phương - điều này chưa đảm bảo quy định tại khoản 6 Điều 49 và khoản 2 Điều 62 của Luật Đầu tư công năm 2019.

Đồng thời, đánh giá về công tác quản lý chi đầu tư phát triển của tỉnh Phú Thọ, KTNN ghi nhận, đến tháng 5-2022, còn 212,97 tỷ đồng vốn ứng trước chưa được địa phương bố trí nguồn để thu hồi. Nguồn ngân sách trung ương xây dựng kế hoạch 702,09 tỷ đồng/1.229,88 tỷ đồng để thu hồi vốn ứng trước, trong khi vẫn bố trí vốn để khởi công mới.

Qua kiểm toán chi tiết 42 dự án của 14 chủ đầu tư, KTNN xác định phải điều chỉnh giảm gần 32,56 tỷ đồng vốn đầu tư. Cùng với đó là hàng loạt những bất cập như quyết định phê duyệt chiều rộng mặt đường chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt; hồ sơ thiết kế được duyệt phần mặt đường không khớp đúng với quy mô công trình được duyệt; xác định hình thức lựa chọn nhà thầu “chào hàng cạnh tranh” gói thầu xây lắp có giá trị trong hạn mức cho phép nhưng lại chưa bố trí đủ vốn cho gói thầu.

Cơ quan KTNN đã chỉ ra hàng loạt bất cập và thiếu sót trong phân bổ và quản lý vốn đầu tư công ở Phú Thọ. Ảnh minh họa

Cơ quan KTNN đã chỉ ra hàng loạt bất cập và thiếu sót trong phân bổ và quản lý vốn đầu tư công ở Phú Thọ. Ảnh minh họa

KTNN cũng chỉ ra rằng, vốn bố trí cho dự án còn chậm, chưa đảm bảo theo tiến độ thực hiện dự án dẫn đến nợ khối lượng hoàn thành; đáng chú ý tình trạng này còn diễn ra ngay cả với các công trình đã phê duyệt quyết toán (26 dự án của 12 chủ đầu tư), hoặc dự án chưa thể triển khai thực hiện tiếp do không có vốn, thậm chí là cả dự án khẩn cấp để xử lý sạt lở bờ sông.

Trong khi đó, một số dự án có vốn giao còn dư hết nhiệm vụ chi hoặc vốn giao không giải ngân nhưng chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau…

Nợ đọng nhiều

Đánh giá về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, KTNN xác nhận, đến 31-12-2021, còn 32 dự án cấp tỉnh phê duyệt hoàn thành từ trước năm 2015 còn nợ xây dựng cơ bản 9,71 tỷ đồng.

Vì vậy, KTNN chỉ ra rằng, trong Báo cáo số 67/BC-UBND ngày 13-5-2021 về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Phú Thọ đã xử lý thanh toán đảm bảo 100% các dự án nợ xây dựng cơ bản từ 2014 về trước là chưa chính xác.

Thực tế kiểm toán cũng cho thấy, nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2020 là 917,9 tỷ đồng, trả nợ từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung ngân sách tỉnh trong năm 2021 là 162,45 tỷ đồng/917,9 tỷ đồng, chỉ bằng 17,5% giá trị nợ đến hết năm 2020.

Số nợ đọng xây dựng cơ bản của tỉnh Phú Thọ đến hết năm 2021 là 755,44 tỷ đồng, trong đó năm 2021 không phát sinh nợ mới. KTNN cập nhật số liệu đến tháng 5/2022, tỉnh đã bố trí 484 tỷ đồng/755,44 tỷ đồng, bằng 64,07% số nợ đến hết năm 2021.

Theo kết quả kiểm toán tại 05 huyện, thành phố của tỉnh Phú Thọ, số nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc ngân sách cấp tỉnh, thành phố, huyện phải thanh toán còn lớn: tại thành phố Việt Trì nợ 144,71 tỷ đồng; huyện Phù Ninh nợ 156 tỷ đồng, trong đó nợ 181 công trình đã phê duyệt quyết toán là 138,79 tỷ đồng; huyện Thanh Thủy nợ 181,66 tỷ đồng của 151 dự án, trong đó nợ 154 tỷ đồng của 111 dự án đã quyết toán; huyện Đoan Hùng nợ 15,11 tỷ đồng, trong đó nợ 12 dự án đã quyết toán số tiền 8,11 tỷ đồng; huyện Hạ Hòa nợ 141 tỷ đồng của 606 dự án.

Kiến nghị giải quyết

Bất cập lớn nữa được KTNN phát hiện là một số dự án không được bố trí vốn năm 2021 để trả nợ và không được bố trí vốn để thực hiện nhưng chưa được tổng hợp trong báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Ngoài ra, còn 20 đơn vị cấp xã chưa cập nhật thông tin lên hệ thống thông tin theo quy định của Bộ KH-ĐT. Do đó, KTNN kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp xác định số nợ xây dựng cơ bản, tham mưu cho UBND tỉnh cân đối bố trí vốn để thanh toán dứt điểm theo quy định.

Phát hiện kiểm toán đáng lưu ý nữa là còn 17,55 tỷ đồng của 48 dự án chưa thu hồi hết số vốn thanh toán vượt so với giá trị quyết toán được duyệt. Vì vậy, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh phối hợp, đôn đốc các chủ đầu tư để thu hồi lại.

Năm 2021, tỷ lệ giải ngân thanh toán vốn đầu tư của tỉnh đạt 87,6% so với kế hoạch vốn được giao, tuy nhiên, một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, như Dự án Hồ công viên Văn Lang; Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn khu Dương Khê xã Cao Xá; Dự án Cải tạo, sửa chữa huyện ủy Hạ Hòa. Tỉnh đã phải chuyển nguồn 680,98 tỷ đồng ngân sách địa phương và 168,55 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương sang năm sau.

Đồng thời, KTNN cũng phát hiện ngân sách cấp tỉnh chi chuyển nguồn kế hoạch vốn đầu tư hết thời hạn giải ngân thanh toán theo quy định tại Điều 68 của Luật Đầu tư công năm 2019 là 15,2 tỷ đồng (nguồn ngân sách trung ương), cấp huyện chi chuyển nguồn hết nhiệm vụ chi 3,83 tỷ đồng.

Trong đó, chi chuyển nguồn vốn Dự án thành phần sửa chữa, nâng cao an toàn đập của tỉnh Phú Thọ thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập là 17,94 tỷ đồng nhưng chưa hạch toán nộp trả ngân sách trung ương theo kiến nghị của KTNN năm 2021 đối với niên độ ngân sách năm 2020 do vướng mắc trong hạch toán nộp trả.

Các chủ đầu tư đã thực hiện nộp trả ngân sách trung ương nhưng chưa rõ cách hạch toán, chưa có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước Trung ương hướng dẫn. Còn số chi chuyển nguồn của các huyện phản ánh dự kiến chuyển nguồn của kế hoạch vốn đầu tư các công trình đang chờ xin ý kiến của HĐND tỉnh nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa có văn bản của HĐND tỉnh cho phép chuyển nguồn (thành phố Việt Trì 39,91 tỷ đồng; huyện Phù Ninh 1,44 tỷ đồng; huyện Hạ Hòa 3,61 tỷ đồng; huyện Đoan Hùng 9,79 tỷ đồng).

Theo báo cáo của tỉnh, nguyên nhân giải ngân chậm một phần do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mặt khác năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên đến tháng 9-2021 mới giao kế hoạch vốn trung hạn.

KTNN yêu cầu các huyện thực hiện nộp trả ngân sách cấp trên hoặc hủy kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nếu không được HĐND tỉnh cho phép chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục thực hiện. KTNN cũng kiến nghị Sở KH-ĐT tỉnh Phú Thọ cần đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, đồng thời tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí vốn đầu tư thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách địa phương số tiền 212,97 tỷ đồng từ năm 2020 trở về trước. Về chính sách, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ sửa đổi quy định của tỉnh về mức ứng vốn cho các dự án cho phù hợp.

Bạn đang đọc bài viết "Hàng loạt thiếu sót trong quản lý vốn đầu tư công ở Phú Thọ" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).