Trong ngày 28-9, lực lượng chức năng cùng người dân đang khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Trắng tay sau cơn lốc
Tại thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, trong một con đường nhỏ có hơn 60 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn và đổ sập. Sau khi bão đi qua, người dân địa phương và lực lượng chức năng cùng nhau thu dọn đồ đạc.
Con bà Mai khóc khi nhìn thấy căn nhà của cha mẹ bị sập. Ảnh: NGUYỄN DO
Chị Nguyễn Thị Mắm (31 tuổi) kể lại: Tối hôm trước, do ảnh hưởng của bão nên khu vực này có gió lớn, tuy nhiên vào khoảng 22 giờ 30, một luồng gió mạnh kéo đến khiến nhiều căn nhà bỗng chốc bay mái.
“Lúc đó, hai đứa con đang ngủ nhưng vợ chồng lo mưa bão nên không tài nào ngủ được. Chúng tôi nghe tiếng mái tôn của nhà bên cạnh bay sang đụng vào mái nhà mình kêu một tiếng ầm, sau đó mấy giây thì cả mái tôn của nhà tôi cũng bị hất văng” - chị Mắm nói.
Trong chốc lát, cả gia đình gồm vợ chồng và hai đứa con nằm giữa trời mưa gió. Mưa to, gió giật mạnh nên cả nhà không chạy qua nhà hàng xóm mà chọn cách chui vào tủ áo quần cạnh nơi ngủ để trốn.
Người dân cố tìm những vật dụng còn sót lại sau bão. Ảnh: NGUYỄN DO
Cơ sở kinh doanh của một người dân ở TP Tam Kỳ bị sập hoàn toàn. Ảnh: THANH NHẬT
“Lúc đó quá hoảng loạn, tôi và chồng bồng hai đứa con vào tủ áo quần trốn, vài phút sau cơn gió đi qua thì vợ chồng bồng con chạy sang hàng xóm xin ở nhờ” - chị Mắm nói.
Trong căn nhà cấp 4 bị tốc mái, toàn bộ đồ vật bị ướt đẫm vì nước mưa, chị Mắm cùng chồng tìm những vật dụng còn dùng được để mang đi. Chị Mắm nói sẽ qua nhà ông bà ở tạm mấy hôm vì lúc này chưa có tiền để sửa nhà. “Việc quan trọng nhất là sắm lại sách vở cho con đi học, còn nhà cửa tính sau” - chị Mắm nói.
Tại Quảng Trị, trước khi cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền, vào chiều 27-9, một cơn gió lớn quét qua đã mang theo nhiều tài sản của người dân. Theo thống kê ban đầu, có 120 căn nhà bị hư hỏng.
Đang điều trị tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Hiền (ở khu phố 3, trị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Hiền kể: Vào khoảng 16 giờ ngày 27-9, khi chị cùng con đang ngồi trong quán thì một cơn gió mạnh khiến bật tung cửa chính, bức tường bị sập khiến chị và con bị đè lên người, chị đã cố gắng hô hoán mọi người ứng cứu. Người dân phát hiện đã đến hỗ trợ đưa chị Hiền và con chị đi cấp cứu.
“Vừa vay mượn tiền mở cửa hàng chưa được một tháng thì bị lốc giật sập tất cả, nhà cửa, hàng hóa, tủ kệ hư hỏng” - chị Hiền nói trong nước mắt.
Một ngày sau trận lốc xoáy kinh hoàng, nhiều tiểu thương và người dân tại khu vực chợ Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị vẫn chưa hết bàng hoàng. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Cảnh sát tiếp cận và cứu thành công một cụ ông bị lũ cuốn trôi ở xã Cẩm Kim (TP Hội An, Quảng Nam). Ảnh: CA
Đi tránh bão về, nhà không còn mái
Sau đêm sơ tán tránh bão, chị Trần Thị Mỹ Lan (42 tuổi, ngụ xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cùng hai con lên xe trở về. Bước đến đầu ngõ, chị Lan không tin vào mắt mình, căn nhà đã không còn nguyên vẹn. Bão đã cuốn bay mái của nhà chị. Tài sản trong nhà thì bị ngâm nước. Ba mẹ con bất lực, nhặt từng thứ nhỏ nhặt, sắp ngăn nắp rồi ngồi khóc.
Cách nhà chị Lan chừng 10 phút đi xe, căn nhà của vợ chồng ông Lương Đình Hoàng (64 tuổi, ngụ xã Tam Phú) cũng “đi theo cơn bão”. Đi vào bên trong, mái nhà trống hoác. Vợ chồng ông cùng con gái út tranh thủ dọn dẹp những thứ còn sử dụng được.
“Vừa về đến nhà, trước mắt tôi là căn nhà tan hoang, phần mái bị bão cuốn bay chặn đứng trước cửa. Chỉ sau một đêm, căn nhà cũ kỹ gắn bó với hai vợ chồng 20 năm như đống đổ nát” - ông Hoàng tiếc nuối.
Biết cơn bão rất mạnh, trước khi đi sơ tán, vợ chồng ông cố gắng chằng chống thật kỹ. Thế nhưng chuyện ông lo lắng nhất cũng đến. Rồi đây vợ chồng ông lại vay mượn để sửa nhà. “Đứt hết ruột gan, tôi cố gắng lắm rồi mà không giữ được. Biết là bão mạnh nhưng suốt đêm trằn trọc hy vọng mọi thứ ổn, rồi không qua được!” - ông Hoàng buồn, nói.
Theo Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, đơn vị này đã điều động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 4 gây ra.
Lực lượng chức năng cùng người dân khắc phục thiệt hại
Một trong những hộ chịu thiệt hại nặng nề sau trận lốc xoáy xảy ra tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị là anh Hoàng Tiến (trú khu phố 3, thị trấn Cửa Việt), chủ tiệm vàng nhỏ Phước Thịnh tại chợ Cửa Việt.
Anh Tiến cho biết lốc xoáy ập đến bất ngờ khiến hai vợ chồng không kịp trở tay. Lốc xoáy cuốn cái tủ đựng vàng ra bên ngoài, anh đã lao theo giữ lấy chiếc tủ nhưng không được. Trận lốc cuốn đi của vợ chồng anh lượng lớn vàng, bạc và tiền mặt, thiệt hại ước tính gần 500 triệu đồng. Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng cùng người dân đã bới trong đống đổ nát, vạch từng ngọn cỏ để tìm lại vàng cho gia đình anh Tiến nhưng thu lại không được bao nhiêu.
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 4. Ảnh: NGUYỄN DO
Sáng 28-9, khi hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội và lực lượng chức năng hỗ trợ thu dọn đồ đạc thì bà Nguyễn Thị Mai (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, khóc nức nở khi mọi người hỏi thăm. Căn nhà của bà Mai bị sập vào tối hôm trước. Thời điểm xảy ra sự việc, vợ chồng bà đã đi tránh bão nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. “Khi về lại, thấy căn nhà bị sập tôi không biết phải làm sao, chỉ biết đứng khóc, vợ chồng ở tuổi này lấy gì mà dựng lại căn nhà mới” - bà Mai nói.
Sáng nay, nhiều người dân ở đây đi tìm lại những tấm tôn bị gió thổi mất, nhiều cái bị bão cuốn bay xa hàng trăm mét. Nhiều người đi tìm quanh vẫn không thấy mái tôn của gia đình mình.
“Một cơn gió khủng khiếp, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh này, nhiều mái tôn của người dân như mất tích, tìm quanh nhà cũng không thấy, không biết đã bị gió thổi bay đi đâu” - ông Nguyễn Văn Minh (46 tuổi, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) nói.
Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cho biết sau khi nhận được thông tin đã cử lực lượng đến hỗ trợ người dân, bước đầu thống kê có 66 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng.
Theo Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau khi nắm được thiệt hại, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 4 gây ra.•
16 người bị thương, thiệt hại hàng ngàn căn nhà
Cập nhật đến cuối giờ chiều 28-9 của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 cho thấy bão Noru đã khiến 16 người bị thương (Quảng Trị tám người, Thừa Thiên-Huế tám người). Tổng cộng có 76 nhà bị sập, Quảng Nam nặng nhất với 65 nhà. 2.601 nhà bị hư hại, tốc mái. Trong đó, Thừa Thiên-Huế 419 nhà, Quảng Nam 1.150 nhà, Quảng Ngãi 633 nhà...
Về nông nghiệp, tính chung tám tỉnh, TP chịu ảnh hưởng đã có 66 ha lúa, 558 ha hoa màu bị ngập và 4.862 cây xanh gãy, đổ. Ngoài ra có bốn con gia súc, 720 con gia cầm bị chết, bị cuốn trôi. Một ghe tại Quảng Nam, bốn tàu nhỏ ở Đà Nẵng bị hư hại, chìm tại khu neo đậu.
Về giao thông có 37 vị trí sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, một số tuyến đường giao thông địa phương và bốn cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi.
Trên địa bàn tám tỉnh có 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời, đóng điện trở lại trước 17 giờ ngày 28-9.