Six Senses Hotels Resorts Spas là một trong những khu nghỉ dưỡng hàng đâùViệt Nam.
So với báo cáo tài chính kiểm toán, tổng tài sản của Ninh Vân Bay tại thời điểm 30/6/2021 chỉ còn 889 tỷ đồng, sụt giảm 92 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập, do tài sản dài hạn sụt giảm (chủ yếu là giảm tài sản cố định).
Tài sản ngắn hạn của công ty vẫn giữ nguyên ở mức 143 tỷ đồng, nhưng cơ cấu tài sản thay đổi đáng kể. Theo đó, tiền và các khoản tương đương tiền từ mức 70 tỷ đồng theo báo cáo tài chính tự lập sụt giảm còn 22 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán. Đầu tư tài chính ngắn hạn cũng chỉ còn 12,6 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng theo báo cáo tài chính tự lập. Riêng các khoản phải thu ngắn hạn hậu kiểm toán tăng vọt lên 89 tỷ đồng thay vì hơn 23 tỷ đồng như báo cáo tự lập. Đáng lưu ý, nợ khó đòi của công ty tại thời điểm 30/6/2021 tăng lên 10 tỷ đồng, gấp đôi so với cuối năm 2020.
Về kết quả kinh doanh, so với báo cáo tài chính tự lập, chỉ số biến động đáng kể ở báo cáo tài chính kiểm toán là chi phí quản lý doanh nghiệp. Hậu kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp của Ninh Vân Bay tăng thêm hơn 1 tỷ đồng, khiến khoản lỗ 6 tháng của doanh nghiệp này tăng thêm hơn 1 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Ninh Vân Bay đạt 82 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Do giá vốn không giảm nên lợi nhuận gộp của công ty nửa đầu năm chỉ còn 25 tỷ đồng, bằng một nửa năm ngoái.
Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm của Ninh Vân Bay đạt 466 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi chi phí tài chính lại tăng 90%. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 13%.
Sau khi trừ chi phí, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của Ninh Vân Bay là 14,3 tỷ đồng. Cộng thêm khoản lỗ khác 725 triệu đồng, lũy kế 6 tháng, Ninh Vân Bay ghi nhận lỗ sau thuế 15,3 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của công ty mẹ là 13.4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận hợp nhất sau kiểm toán của Ninh Vân Bay giảm trên 10% so với lợi nhuận trước kiểm toán. Công ty lý giải, nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch này là do báo cáo kiểm toán hợp nhất đã điều chỉnh phân bổ lại tài sản với phân bổ ngắn hơn, dẫn tới chi phí của doanh nghiệp tăng, khiến lợi nhuận giảm.
Năm 2021, Ninh Vân Bay đề ra kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất là 279 tỷ đồng, tăng 32% và lợi nhuận sau thuế 40,7 tỷ đồng, tăng 113% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, nửa đầu năm nay, công ty mới chỉ thực hiện được 29% chỉ tiêu doanh thu và cách rất xa mục tiêu lợi nhuận.
Từ tháng 5/2021, Ninh Vân Bay chính thức nắm 99,51% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Dã Hương. Như vậy, hiện công ty đã sở hữu 3 khu nghỉ dưỡng: Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa ở Đà Lạt, Khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Mũi Né và Six Senses Ninh Vân Bay.
Ninh Vân Bay đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phát triển mở rộng thành chuỗi với 10 khu nghỉ dưỡng - khách sạn cao cấp và chuỗi 10 khu đô thị bất động sản nghỉ dưỡng đô thị và ven đô. Trong giai đoạn 2021 – 2025, doanh nghiệp định hướng phát triển mảng bất động sản nghỉ dưỡng theo hướng đầu tư các dự án mới, mua lại các dự án đang triển khai hoặc đang vận hành thông qua các hình thức đầu tư phù hợp.
Đầu năm nay, cổ phiếu NVT có giá 5.200 đồng/cổ phiếu, sau đó đột ngột tăng gấp đôi sau 12 phiên tăng trần liên tiếp, đạt đỉnh 11.800 đồng/cỏ phiếu vào ngày 8/3/2021, cùng thời điểm hai quỹ ngoại thoái vốn. Cụ thể, ngày 8/2, Recapital Investments Pte. Ltd bán hết hơn 10,7 triệu cổ phiếu NVT, giảm tỷ lệ sở hữu từ 11,9% về 0. Trước đó, Belton Investments Limited cũng đăng ký bán toàn bộ 6,4 triệu cổ phiếu, tương đương 7,07% vốn Ninh Vân Bay từ ngày 5/2 đến 1/3.
Ninh Vân Bay được biết đến là chủ đầu tư dự án Six Senses Ninh Vân Bay (Nha Trang, Khánh Hòa). Cổ phiếu NVT niêm yết tại HoSE từ năm 2010 với mức giá ngày giao dịch đầu tiên 30.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó liên tục lao dốc. Năm 2017, giá cổ phiếu NVT thậm chí chỉ còn hơn 1.000 đồng/cổ phiếu và hiện xoay quanh mức 9.000 đồng/cổ phiếu từ đầu tháng 8/2021 đến nay.
Mặc dù cổ phiếu dưới mệnh giá, giữa năm nay, Ninh Vân Bay công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu với giá phát hành dự kiến 20.000 đồng/cổ phiếu để huy động 500 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô.
Sau khi nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn, hiện Ninh Vân Bay không có cổ đông lớn tổ chức. Thông tin cổ đông lớn cá nhân cũng không được công ty cập nhật. Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Kiên do vi phạm quy định ông bố thông tin không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng.
Cụ thể, ngày 19/2/2021, ông Trịnh Kiên đã thực hiện mua 2.500 cổ phiếu Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã chứng khoán: NVT) làm tăng số lượng cổ phiếu (tỷ lệ) sở hữu từ 4.523.000 cổ phiếu (4,99%) lên 4.525.500 cổ phiếu (5%) có quyền biểu quyết và trở thành cổ đông lớn của Công ty, nhưng đến ngày 21/5/2021 mới công bố thông tin và báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.