Hậu sáp nhập huyện, loạt trụ sở thành nhà hoang ở Quảng Ngãi

13/03/2023 12:43

Sau gần 3 năm sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, nhiều công sản từng là trụ sở các cơ quan hành chính bị bỏ hoang, lãng phí.

Tuy nhiên, việc xử lý khối tài sản này đang gặp nhiều vướng mắc, hóa giá bán lại cũng không xong.

Nhiều trụ sở thành nhà hoang

tru-so-bo-hoang-1678681875.jpg Sau sáp nhập, nhiều trụ sở hành chính, trụ sở các đơn vị của huyện Tây Trà cũ bỏ hoang

Thực hiện Nghị quyết số 867 ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh Quảng Ngãi đã sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng từ ngày 1/4/2020.

Sau 3 năm sáp nhập, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các trụ sở hành chính, cơ quan tòa án… đóng trên địa bàn huyện Tây Trà cũ cho thấy, có rất nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng, cỏ dại mọc um tùm, thành nơi chăn thả gia súc.

Điển hình, trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Tây Trà tại xã Trà Phong, có diện tích đất 1.000m2, diện tích sàn xây dựng 434m2, giá trị ghi sổ sách hơn 2,6 tỷ đồng và định giá lại sau thời gian sử dụng hơn 600 triệu đồng.

Giờ đây, công trình này bỏ hoang, cánh cổng hư hỏng, hai bên cỏ dại phủ đầy, bên trong cây cỏ, rác thải đổ bừa bãi, rất nhếch nhác.

Được biết, sau khi sáp nhập huyện, tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị cơ quan chủ quản trực tiếp là Bộ Tài chính tiếp nhận, quản lý hoặc có giải pháp xử lý trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Tây Trà.

Nhưng sau đó, Bộ Tài chính đã chuyển giao cơ sở nhà, đất này cho tỉnh Quảng Ngãi để quản lý. Tỉnh Quảng Ngãi đã giao khối nhà này lại cho huyện Trà Bồng sử dụng.

Tương tự, trụ sở Chi cục Thuế huyện Tây Trà sau nhiều năm cửa đóng then cài cũng trở thành ngôi nhà hoang, xuống cấp nghiêm trọng.

Cánh cổng chính dẫn vào tòa nhà này đóng kín chặt. Hệ thống cửa bung lề treo lơ lửng, mối mọt. Đi sâu vào bên trong là hình ảnh u ám, nhếch nhác…

Cách đó không xa là trụ sở Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà… cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều nơi cỏ dại mọc phủ kín khuôn viên, người dân tận dụng một số khoảnh đất trống canh tác hoa màu.

Nhiều trụ sở sau sáp nhập được huyện Trà Bồng điều chuyển sang một số cơ quan khác sử dụng, song do các trụ sở này được xây dựng với diện tích hàng trăm m2 nên các đơn vị sử dụng lại cũng không thể khai thác hết công năng. Điều này dẫn đến nhiều phòng ốc cửa đóng quanh năm.

Bán đấu giá nhưng khó tìm người mua

tru-so-bhxh-1678682098.jpg Trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Tây Trà sau nhiều năm đóng cửa đã xuống cấp, hư hỏng, khuôn viên nhếch nhác

Theo UBND huyện Trà Bồng, để không lãng phí công sản là trụ sở các cơ quan, đơn vị của huyện Tây Trà cũ, địa phương đã sắp xếp, điều chuyển xử lý các cơ sở nhà, đất.

Theo đó, huyện Trà Bồng tiếp tục sử dụng 302 cơ sở nhà, đất (trong đó có 534 ngôi nhà) của 82 cơ quan, tổ chức, đơn vị; điều chuyển 46 cơ sở nhà, đất (trong đó có 58 ngôi nhà) của 29 cơ quan, tổ chức, đơn vị về cho một số cơ quan, đơn vị của địa phương có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn không khai thác hết quy mô, diện tích hiện hữu.

Phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho biết, việc sắp xếp, điều chuyển các công sản cho một số cơ quan đơn vị sử dụng lại nhằm tránh lãng phí, nhưng số công trình dôi dư quá nhiều.

Bên cạnh các trụ sở cấp huyện thì trong quá trình sáp nhập huyện còn sáp nhập xã, vì thế cũng dôi ra nhiều trụ sở UBND các xã, nhà làm việc của công an xã, xã đội…

Để tận dụng tối đa các công trình, tránh lãng phí, huyện tiến hành bán đấu giá, nhưng ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, nhu cầu mua lại các trụ sở không nhiều.

Đến nay, huyện mới bán được 2 cơ sở cho 2 đơn vị sản xuất kinh doanh tại địa phương có nhu cầu.

“Không những vậy, nhiều công trình của tỉnh và của Trung ương đóng trên địa bàn giờ xu hướng cũng là lần lượt giao về cho huyện. Đây là khó khăn lớn. Riêng tài sản mà thuộc thẩm quyền của huyện chúng tôi xử lý đã khó rồi”, ông Sương nói.

Theo tìm hiểu, hậu sáp nhập huyện, đa phần người dân buôn bán và cán bộ công chức có nhà tại đây đã “rút quân” nên trung tâm huyện cũ trở nên hoang vắng, gần như không có đơn vị hay cá nhân nào có nhu cầu sử dụng nhà, đất, nhất là những ngôi nhà có diện tích hàng trăm m2. Điều này dẫn đến các trụ sở giữ cũng không xong, mà bán cũng khó khăn.

Theo Sở Tài chính Quảng Ngãi, hiện việc xử lý công sản dôi dư sau sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng rất khó khăn. Một số cơ sở nhà, đất công sản có vị trí xa trung tâm huyện, xa khu dân cư, có diện tích đất lớn nên việc thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không khả thi.

Một số tài sản trên đất bị hư hỏng, sụp đổ, nhưng theo quy định không được phép thanh lý tài sản trên đất để chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cho rằng, tình trạng công sản dôi dư xuống cấp, bỏ hoang rất lãng phí.

Do đó, đối với tài sản của ngành dọc, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ phối hợp cùng các ngành kiến nghị sớm giải quyết bàn giao cho tỉnh theo đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với tài sản thuộc tỉnh, Đoàn sẽ làm việc và đề nghị UBND huyện Trà Bồng tiếp tục xử lý một cách hợp lý và hiệu quả, tránh tình trạng công sản bỏ hoang.

Bạn đang đọc bài viết "Hậu sáp nhập huyện, loạt trụ sở thành nhà hoang ở Quảng Ngãi" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).