Hệ sinh thái 'khủng' của Công ty TNHH Hải Linh có gì?

07/11/2021 08:09

Như toàn soạn đã thông tin trong bài 'Hé lộ bức tranh tài chính của 'đại gia' xăng dầu Hải Linh', Công ty TNHH Hải Linh được thành lập ngày 18/7/2002, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.

Hệ sinh thái của Hải Linh: Hé lộ những doanh nghiệp có doanh thu "khủng" nhưng lãi không nổi 1 tỷ đồng.

Với mức doanh thu luôn đạt trên 10.000 tỷ đồng, có thời điểm lên đến gần 19.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2019, Hải Linh đã dần vươn mình để trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, Hải Linh cũng tạo ra một hệ sinh thái "khủng" với nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Điện Lực Hiệp Phước, Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Vũng Tàu, Công ty TNHH MTV Hải Linh Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV Hải Linh Hà Nam, Công ty TNHH MTV Hải Linh Tây Bắc. Đây đều là những doanh nghiệp có doanh thu mỗi năm ngót nghét từ vài trăm tỷ đồng đến vài nghìn tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Vũng Tàu: Lãi "lẹt đẹt" từ khoản doanh thu nghìn tỷ

Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Vũng Tàu được thành lập ngày 23/11/2015 do ông Lê Văn Tám làm giám đốc. Công ty này có địa chỉ tại khu công nghiệp Cái Mép, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng giống công ty mẹ, Công ty Hải Linh Vũng Tàu hoạt động trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Hoạt động kinh doanh của công ty cũng khá ấn tượng trong giai đoạn 2016-2019.

Cụ thể, doanh thu của Hải Linh Vũng Tàu từ mức 460,5 tỷ đồng (2016) đã tăng gấp đôi lên thành 940,7 tỷ đồng (2017), sau đó tiếp tục tăng lên các mức 1.380 tỷ đồng (2018) và 1.453 tỷ đồng (2019).

Tuy nhiên, trái ngược với doanh thu tăng trưởng khá mạnh ở giai đoạn này, lợi nhuận sau thuế của Hải Linh Vũng Tàu khá "lẹt đẹt" khi con số đạt được chỉ nằm ở mức dưới 1 tỷ đồng, lần lượt là 280,1 triệu đồng (2016), 822,9 triệu đồng (2017), 194 triệu đồng (2018) và 506,1 triệu đồng (2019).

Về tài sản, trong giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản của Hải Linh Vũng Tàu tăng giảm liên tục, từ 51,36 tỷ đồng (2016) giảm xuống thành 31,14 tỷ đồng (2017), sau đó tăng lên mức 48,13 tỷ đồng (2018) rồi giảm xuống ở mức 43,17 tỷ đồng (2019).

Phần lớn tài sản của Hải Linh Vũng Tàu được tài trợ bởi các khoản nợ phải trả, chiếm từ 65%-80%. Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ giao động trong khoảng 10-12 tỷ đồng thì nợ phải trả của công ty có chiều hướng tăng giảm như tài sản.

Cụ thể, nợ phải trả từ mức 40,98 tỷ đồng (2016) giảm xuống mức 19,94 tỷ đồng(2017), sau đó tăng lên mức 36,74 tỷ đồng (2018) rồi giảm xuống ở mức 31,27 tỷ đồng (2019).

Trong một diễn biến mới đây, ngày 2/11, Hải Linh Vũng Tàu đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ mức 10 tỷ đồng lên thành 21 tỷ đồng. Ông Lê Văn Tám, Chủ tịch Công ty TNHH Hải Linh, vẫn là người trực tiếp điều hành Công ty Hải Linh Vũng Tàu.

Công ty TNHH MTV Hải Linh Tây Bắc: Nợ leo cao, lãi không nổi 1 tỷ đồng

Một công ty con khác của Công ty TNHH Hải Linh là Công ty TNHH MTV Hải Linh Tây Bắc, được thành lập ngày 8/4/2015, do ông Nguyễn Xuân Tùng (sinh năm 1983) đảm nhiệm chức vụ chủ tịch kiêm giám đốc công ty.

Công ty có địa chỉ tại khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của Hải Linh Tây Bắc khá ấn tượng, lần lượt ở các mức 978,6 tỷ đồng (2016), 1.552 tỷ đồng (2017), 1.658 tỷ đồng (2018) và 1.250 tỷ đồng (2019).

Cũng giống với Hải Linh Vũng Tàu, mặc dù có khoản doanh thu lên tới nghìn tỷ song lợi nhuận sau thuế của Hải Linh Tây Bắc vẫn không quá 1 tỷ đồng, lần lượt chỉ đạt các mức 288,4 triệu đồng (2016), 757,8 triệu đồng (2017), 321,6 triệu đồng (2018) và 495,4 triệu đồng (2019).

Về tài sản, trong giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản của Hải Linh Tây Bắc tăng mạnh nhất ở năm 2018. Cụ thể, tổng tài sản tăng từ mức 37,6 tỷ đồng (2016) lên mức 43 tỷ đồng (2017), sau đó tăng mạnh lên ở mức 61,8 tỷ đồng (2018) rồi giảm nhẹ xuống mức 61,48 tỷ đồng (2019).

Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ giao động trong mức 5-7 tỷ đồng thì nợ phải trả chính là nguồn tài trợ chính cho tài sản của Hải Linh Tây Bắc. Ở giai đoạn này, nợ phải trả lần lượt ở các mức 32,2 tỷ đồng (2016), 36,9 tỷ đồng (2017), 55,36 tỷ đồng (2018) và 54,55 tỷ đồng (2019). Chính vì vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2016-2019 luôn ở mức khá cao, từ 6-8,6 lần.

Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước: Bức tranh u ám trước khi về tay Hải Linh

Khác với 2 doanh nghiệp trên, Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước có điểm xuất phát là một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc sở hữu của Công ty Power (JV) Company Hongkong Limited đến từ Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Điện lực Hiệp Phước được thành lập ngày 11/8/2008, do ông Zhang Yin Fu (quốc tịch Trung Quốc) làm tổng giám đốc và người đại diện. Công ty này có địa chỉ tại số 99, đường Phan Văn Bảy, ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Hải Linh chính thức trở thành chủ sở hữu của Điện lực Hiệp Phước từ tháng 4/2019. Tại thời điểm này, vốn điều lệ của Điện lực Hiệp Phước đang ở mức hơn 1.765 tỷ đồng.

Sau khi về tay Hải Linh, Điện lực Hiệp Phước liên tục thực hiện tăng vốn điều lệ. Cụ thể, vào tháng 12/2020, vốn điều lệ tăng từ 1.765 tỷ đồng lên hơn 2.415 tỷ đồng, sau đó tăng lên ở mức hơn 3.782 tỷ đồng vào tháng 5/2021.

Đáng chú ý, trước khi về với Hải Linh, Điện lực Hiệp Phước lại thể hiện một bức tranh tài chính "u ám". Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Điện lực Hiệp Phước tăng từ 318,9 tỷ đồng (2016) lên 596,2 tỷ đồng (2017), sau đó giảm xuống mức 389,3 tỷ đồng (2018), rồi giảm mạnh xuống chỉ còn 8,4 tỷ đồng (2019).

Bức tranh càng được thể hiện rõ hơn khi chỉ riêng năm 2017, Điện lực Hiệp Phước báo lãi 153,9 tỷ đồng. Còn 3 năm còn lại, công ty này đều báo lỗ nặng, lần lượt là 202,1 tỷ đồng (2016), 20,7 tỷ đồng (2018) và 118,2 tỷ đồng (2019).

Việc làm ăn thua lỗ đã khiến Điện lực Hiệp Phước rơi vào tình cảnh âm vốn chủ sở hữu kéo dài, lần lượt là -935 tỷ đồng (2016), -779,1 tỷ đồng (2017), -816,8 tỷ đồng (2018) và -535,1 tỷ đồng (2019).

Trong giai đoạn này, tổng tài sản của Điện lực Hiệp Phước lần lượt ở các mức 598,1 tỷ đồng (2016), 586,6 tỷ đồng (2017), 241,5 tỷ đồng (2018) và 553,4 tỷ đồng (2019). Tuy nhiên, tài trợ cho toàn bộ tài sản trên là các khoản nợ phải trả của Điện lực Hiệp Phước.

Cụ thể, nợ phải trả của Điện lực Hiệp Phước lần lượt là 1.533 tỷ đồng (2016), 1.365 tỷ đồng (2017), 1.058 tỷ đồng (2018) và 1.088 tỷ đồng (2019).

Bạn đang đọc bài viết "Hệ sinh thái 'khủng' của Công ty TNHH Hải Linh có gì?" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).