Hòa Bình: Điểm mặt hàng loạt sai phạm của công ty Hoàng Sơn

21/03/2021 08:58

Được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu ở Hòa Bình trên nhiều lĩnh vực, nhưng Công ty Hoàng Sơn lại vướng nhiều sai phạm tại các dự án như chậm tiến độ, xây dựng, khai thác tài nguyên, kinh doanh xăng dầu trái phép.

Khai thác đất trái phép

Được thành lập vào tháng 5/2007, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn (công ty Hoàng Sơn) hoạt động trên lĩnh vực xây dựng và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Cao Sơn (SN 1969) – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.

Tháng 5/2020, sau khi trúng gói thầu thi công tuyến đê kè tại địa bàn huyện Lạc Thủy, công ty Hoàng Sơn đã thỏa thuận mua lại đồi của một số hộ dân là ông ông Bùi Thanh Hai và ông Khánh (thôn Đồng Thung, xã Phú Nghĩa, Lạc Thủy) rồi tự ý hạ đồi, múc đất đem đi đắp đê, gây thất thoát tài nguyên.

Theo lời người dân sống tại khu vực này, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải ra vào ăn đất, chở quá khổ quá tải không được che chắn, phủ bạt, khiến đất rơi vãi tứ tung, bụi bay mù mịt, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, do hàng ngày có đến hàng trăm lượt xe chở đất qua lại khu dân cư, khiến đường giao thông liên thôn lồi lõm, xuống cấp trầm trọng.

Trả lời với báo chí, ông Giang Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết, việc hạ cốt nền, san gạt đất đồi của 2 hộ ông Hai và ông Khánh, do công ty Hoàng Sơn thực hiện mới chỉ đề nghị chứ chưa được cơ quan nào chấp thuận cũng như cấp phép cho thực hiện, khai thác.

Còn ông Bùi Mạnh Tường, Giám đốc Ban quản lý Dự án Xây dựng cơ bản huyện Lạc Thủy cũng thừa nhận, việc công ty Hoàng Sơn khai thác đất đồi trái phép là sai quy định, nhưng vì muốn đẩy nhanh tiến độ nên phải “lách luật”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm, nếu kiểm tra thì chắc chắn là làm sai.

Xe tải chở đất của Công ty Hoàng Sơn chạy qua khu dân cư gây bụi bẩn và hư hỏng đường giao thông.

Được biết, dự án “Nâng cấp tuyến đê phòng chống lũ cấp bách kết hợp làm đường giao thông xã Phú Lão” thuộc tuyến đê đầu nguồn cấp 5 miền núi, có chiều dài trên 4 km, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, do UBND huyện Lạc Thủy làm chủ đầu tư, đơn vị được chỉ định thầu là Công ty Hoàng Sơn.

Có thể thấy, việc Công ty Hoàng Sơn “móc ngoặc” với hộ ông Hai và ông Khánh để khai thác đất đồi khi chưa được cấp phép, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tài nguyên với nhà nước là việc làm trái quy định pháp luật, gây thất thoát tài nguyên, thất thoát ngân sách của Nhà nước. Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần vào cuộc, làm rõ và xử lí nghiêm minh.

Kinh doanh xăng dầu 5 năm…không phép

Ngày 18/1/2015, cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn (Km5 – Quốc lộ 6) thuộc xóm Ngọc, xã Trung Minh, TP Hòa Bình đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động trước sự chứng kiến của đại diện các sở ban ngành cũng như lãnh đạo Tỉnh.

Thế nhưng, tháng 4/2016, UBND TP Hòa Bình mới có thông báo số 43 về việc thu hồi 755,4m2 đất các loại của hộ gia đình, cá nhân và UBND xã Trung Minh để thực hiện dự án Cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn, do công ty Hoàng Sơn làm chủ đầu tư

Sau 5 năm, đến tháng 2/2020, đại diện Sở công thương Hòa Bình cho biết, Sở này vẫn chưa nhận được bất kỳ một hồ sơ nào có tên là cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn thuộc Xã Trung Minh, Hòa bình xin cấp phép.

Cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn kinh doanh trái phép để trục lợi suốt 5 năm.

Như vậy có thể thấy, công ty Hoàng Sơn đã kinh doanh xăng dầu trái phép trong suốt 5 năm để trục lợi, mà cơ quan chức năng không hề hay biết. Thậm chí là xây dựng cây xăng trước khi được UBND TP Hòa Bình giao đất. Làm trái quy định, gây thất thoát tiền thuế Nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Được biết sau đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn do không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu với tổng số tiền là 54,3 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 2 tháng.

Đến nay, việc cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn đã được cấp phép hay chưa vẫn đang là dấu hỏi bỏ ngỏ? hay việc xử phạt chỉ để cho tồn tại? vấn đề này liệu có bị “chìm xuồng”? cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần phải làm rõ, xử lí dứt điểm.

Xây siêu thị trái phép…vẫn không bị tháo dỡ?

Ngày 6/1/2020, UBND TP Hòa Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty Hoàng Sơn số tiền 40 triệu đồng (người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Nam Chung – Giám đốc công ty) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thi công xây dựng tại lô đất CQ1 không có giấy phép xây dựng tại Khu dân cư bắc Trần Hưng Đạo, xóm 6, xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình.

Trước đó, ngày 13/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh có văn bản chỉ đạo về việc “Chấm dứt chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) tiếp nhận quyền sử dụng đất tại khu đất CQ1 – Khu dân cư bắc đường Trần Hưng Đạo, TP.Hòa Bình”.

Siêu thị xây dựng trái phép của công ty Hoàng Sơn hiện tại vẫn chưa bị tháo dỡ.

Tuy nhiên, ngày 15/12/2019 (chỉ sau hai ngày) công ty Hoàng Sơn vẫn ngang nhiên khai trương siêu thị không phép với hàng trăm mặt hàng trên diện tích hàng trăm mét vuông, mua bán rầm rộ tại địa phận thuộc xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình).

Trả lời báo chí trước đó, ông Phạm Quốc Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình (nay là Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình) cho biết, trong quá trình Công ty Hoàng Sơn mở siêu thị trên không hề có hồ sơ xin phép thành phố bằng bất kỳ văn bản nào, như vậy là hoàn toàn trái quy định, chúng tôi sẽ xử lý vi phạm theo quy định.

Có thể thấy, Công ty Hoàng Sơn đã bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, “qua mặt” các cấp chính quyền từ xã đến thành phố và các sở ngành liên quan, ngang nhiên xây dựng siêu thị không phép và đưa vào hoạt động. Đến nay, công trình này vẫn đang tồn tại “sừng sững” giữa trung tâm TP Hòa Bình, không hề bị tháo dỡ, ngang nhiên thách thức dư luận…

Hàng loạt dự án chậm tiến độ

Năm 2009, lấy lý do dòng sông Bôi đang sạt lở, cần phải nạo vét, gia cố, chỉnh trị gấp trước mùa mưa lũ, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Dự án nạo vét gia cố chỉnh trị sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy với tổng mức đầu tư ban đầu gần 950 tỷ đồng. Sau đó, công ty Hoàng Sơn đã được chỉ định thầu để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do tiến độ “rùa bò” của nhà thầu này, tỉnh Hòa Bình đã phải gia hạn thời gian thực hiện dự án, đặc biệt là tại các gói thầu số 10, số 16 và số 22. Tối hậu thư của tỉnh này đến 31/8/2020 phải hoàn thành dự án, nhưng với thực tế hiện nay, yêu cầu của UBND tỉnh Hòa Bình gần như không thể.

Tháng 5/2017, kết luận thanh tra về công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2004 đến 2014, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: Dự án nạo vét gia cố chỉnh trị sông Bôi và thoát lũ nhanh cho các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy khởi công xây dựng từ năm 2009 với tiến độ thực hiện 1 năm nhưng kéo dài đến tận nhiều năm sau.

Cũng trong quá trình thực hiện dự án trên, việc phê duyệt hợp phần các công trình trên tuyến từ năm 2010 với giá trị 308,26 tỷ đồng của chủ đầu tư đối với nhà thầu đã không có hồ sơ khảo sát, thiết kế và dự toán…phải đến năm 2015 (sau 5 năm triển khai dự án) chủ đầu tư và nhà thầu mới hoàn chỉnh hồ sơ khảo sát, thiết kế dự toán để trình phê duyệt điều chỉnh.

Thanh tra Chính phủ kết luận, như vậy mục tiêu thực hiện dự án cấp bách, để chống sạt lở trong mùa mưa lũ 2010 như Hòa Bình xin với Chính phủ là không thực hiện được. Đồng thời với kéo dài thời gian thi công là việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế – dự toán gói thầu làm tăng giá trị xây lắp do trượt giá, gây lãng phí ngân sách

Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện 1 tình huống hy hữu tại gói thầu này là quyết định phê duyệt chỉ định thầu cho Hoàng Sơn được ký vào ngày 15/12/2009 nhưng phải đến tận ngày 28/12/2009, chủ đầu tư mới phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán gói thầu.

Việc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hòa Bình thực hiện phê duyệt kết quả chỉ định thầu khi chưa có dự toán gói thầu được duyệt là vi phạm Luật Đấu thầu, Thanh tra Chính phủ xác định.

Đến nay, việc hoàn thành dự án này vẫn là dấu hỏi vì chưa biết khi nào hoàn thành? Như vị đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp nông thôn tỉnh Hòa Bình từng trả lời báo chí rằng, bắt buộc phải xong trong năm 2020, không thể kéo dài ra. Tuy nhiên, cho đến nay dự án chưa hoàn thành và xin gia hạn tiến độ, nhưng khó ở chỗ mùa mưa lại chuẩn bị đến rồi, vậy người dân còn phải đợi đến bao giờ đến bao giờ mới có thể an tâm canh tác và sinh sống bên cạnh bờ sông Bôi.

Còn nữa

 

Bạn đang đọc bài viết "Hòa Bình: Điểm mặt hàng loạt sai phạm của công ty Hoàng Sơn" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).