Phát triển cà phê bền vững
Sáng 9/5, tại Hội trường Công an huyện Ea H’leo (651B, đường Giải Phóng, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), UBND huyện Ea H’leo chủ trì, phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Y Thắng Êban khẳng định giá trị của cây cà phê đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động giá cả thị trường, cũng như yêu cầu ngày càng cao từ chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển cà phê theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết. Điều này đòi hỏi sự đổi mới từ khâu canh tác, thu hoạch, chế biến, đến bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước.

“Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức khoa học – công nghệ và lắng nghe các ý kiến đóng góp từ chuyên gia, nhà quản lý, DN, qua đó tìm ra giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn và định hướng cho ngành cà phê huyện Ea H’Leo phát triển bền vững” - ông Y Thắng Êban nói.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cũng cho rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Phát triển bền vững đang là đòi hỏi cấp thiết của ngành cà phê Việt Nam nói chung và huyện Ea H’leo nói riêng, nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập cho nông dân.

Muốn phát triển cây cà phê ở Ea H’Leo bền vững cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đòi hỏi có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, các tổ chức hỗ trợ phát triển, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng.
“Hội thảo nhằm mục tiêu tìm ra các giải pháp kết nối, đề xuất cơ chế chính sách với các cơ quan chức năng để nâng giá trị cây cà phê trên vùng đất Ea H’Leo tươi đẹp. Với sự tham gia, chia sẻ tích cực của các diễn giả, chuyên gia, DN và người dân, hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo” sẽ tạo ra một diễn đàn cởi mở, thực chất, đề xuất những kiến nghị, giải pháp thiết thực, khả thi, góp phần xây dựng ngành cà phê Ea H’Leo phát triển bền vững, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống và khát vọng vươn lên” - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Bùi Đức Thiện nhấn mạnh, để nhiệm vụ phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn huyện Ea H’Leo nói riêng tiếp tục đạt được hiệu quả thì trong thời gian tới cấp địa phương cần tiếp tục phối hợp cấp tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân, DN, hợp tác xã; liên minh hợp tác xã theo chuỗi giá trị; liên minh, liên kết sản xuất cà phê bền vững; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến cà phê gắn với tiêu thụ ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước.

SCF - cuộc cách mạng xanh trong ngành cà phê
Trình bày về “Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng cà phê Ea H’Leo, thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS Phạm Anh Cường - Phòng Nghiên cứu phát triển Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, để thực hiện mục tiêu xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; ổn định và cải thiện độ phì nhiêu đất; tăng thu nhập cho người nông dân và các đối tác tham gia trong chuỗi sản xuất cà phê, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác sử dụng phân bón một cách thông minh. Tiếp tục có nhiều nghiên cứu để hoàn thiện quy trình phù hợp với tập quán canh tác của người dân. Đưa ra các loại phân bón NPK chuyên dùng cho từng loại cây, thích ứng với biến đổi khí hậu, giá cả hợp lý phù hợp với điều kiện của người dân tại địa phương…

Trình bày về “Quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cà phê theo hướng bền vững và kỹ thuật chăm sóc cây cà phê”, TS Trương Hồng - Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, để thích ứng với biến đổi khí hậu và sự thay đổi về thị trường, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã bước đầu áp dụng các giải pháp SCF. Một số mô hình SCF đã được triển khai bước đầu thành công ở Tây Nguyên, đặc biệt là ở các tỉnh như Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng. Các mô hình này chủ yếu được hỗ trợ bởi các tổ chức quốc tế, các công ty công nghệ và các cơ quan Nhà nước/Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Cụ thể, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã triển khai Chương trình canh tác cà phê thông minh ở 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Sơn La. Các mô hình đã thực hiện từ năm 2014 đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật như tiết kiệm lượng nước tưới từ 10 - 30%; lượng phân bón 5 - 20%; chi phí phòng trừ sâu bệnh hại giảm 10 - 30%; năng suất tăng từ 5 -15%; lợi nhuận tăng 5 -15% so với đối chứng của nông dân.

Các hợp tác xã cà phê cũng đã bắt đầu ứng dụng AI, công nghệ blockchain vào phân tích dữ liệu lớn để truy xuất nguồn gốc, dự đoán giá cả và xu hướng tiêu thụ cà phê, từ đó giúp nông dân định hướng sản xuất và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Một số nông dân tại Đắk Lắk, Gia Lai đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua hệ thống tưới và sử dụng cảm biến để theo dõi độ ẩm của đất (IoT). Nhờ vào việc giảm bớt tưới nước, sản lượng cà phê của họ không những được cải thiện mà còn bảo vệ nguồn nước ngầm trong khu vực, hiệu quả kinh tế tăng.

Mặc dù các giải pháp canh tác cà phê thông minh đã được áp dụng ở Tây Nguyên song quy mô còn nhỏ lẻ chưa tạo được sự thay đổi mang tính đột phá và mức độ áp dụng còn thấp và thiếu đồng bộ để tạo được giá trị gia tăng cho ngành hàng.
“SCF không chỉ là xu hướng công nghệ mà còn là một giải pháp quan trọng giúp ngành cà phê Tây Nguyên vượt qua với những thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường để đảm bảo sản xuất bền vững. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong SCF sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của người nông dân. Do đó, để ngành cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững, việc đầu tư vào SCF là một hướng đi cần được đẩy mạnh và nhân rộng trong tương lai. Đây là cuộc cách mạng xanh trong ngành cà phê” - ông Trương Hồng khẳng định.

Tại hội thảo, các đại biểu, DN, nhà khoa học, đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê huyện Ea H’Leo; phân tích cơ hội và thách thức đối với ngành cà phê trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu phát triển xanh và bền vững; chia sẻ kinh nghiệm, mô hình sản xuất cà phê bền vững từ các địa phương, DN, tổ chức thành công.

Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi để thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê Ea H’Leo theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu như: thúc đẩy tái canh cà phê với giống mới năng suất, chất lượng cao, chịu hạn tốt; áp dụng rộng rãi các quy trình canh tác bền vững, hạn chế tối đa phân bón, thuốc hóa học; tăng cường đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cà phê Ea H’Leo gắn với chỉ dẫn địa lý và tiêu chuẩn quốc tế; phát triển hợp tác xã, liên kết chuỗi giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng - thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp, giảm dần phụ thuộc vào trung gian;…

Trong khuôn khổ hội thảo, bà con nông dân huyện Ea H’leo đã được lắng nghe một số tham luận của các chuyên gia đầu ngành, đại diện các cấp hội nông dân, hợp tác xã, DN sản xuất, chế biến cà phê liên quan đến cà phê. Đồng thời cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển cà phê bền vững và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến phát triển cà phê bền vững ở huyện Ea H'Leo trong giai đoạn mới...

Qua hội thảo, rút ra ba thông điệp lớn:
Thứ nhất, phát triển cà phê bền vững không chỉ là lựa chọn - đó là con đường tất yếu. Cần chuyển từ tư duy “nông nghiệp sản lượng” sang “nông nghiệp giá trị gia tăng” và “nông nghiệp sinh thái”.
Thứ hai, vai trò của hợp tác xã, DN và sự vào cuộc của Nhà nước – đặc biệt trong tổ chức lại sản xuất, kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và tiếp cận tài chính – là chìa khóa để chuyển đổi mô hình canh tác hiện tại.
Thứ ba, người nông dân là trung tâm của quá trình chuyển đổi này. Mọi chính sách, chương trình cần lấy nông dân làm chủ thể, làm đối tác - chứ không chỉ là đối tượng hỗ trợ.
Ea H'Leo là huyện cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột hơn 80 km với diện tích tự nhiên 133.409 ha. Là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú; có thế mạnh phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê. Hiện Ea H'Leo có trên 25.000 ha cà phê với sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm, cà phê đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống của người dân tại địa phương.