Bạn đọc phản ánh: Khu công nghiệp Phước Nam (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) quy hoạch rộng 370ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007. Nhưng hơn 15 năm qua, tỉ lệ lấp đầy của khu công nghiệp này chỉ đạt 16,94%. Các doanh nghiệp này trong năm 2021 cũng chỉ đóng góp cho ngân sách tỉnh Ninh Thuận 395 triệu đồng.
Theo phản ánh, công việc chính mà chủ đầu tư đang tập trung lại là khai thác cát. Trong khuôn viên khu công nghiệp có đến 2 nhà máy trộn bê tông quy mô lớn, xe tải tấp nập ra vào. Phía cuối khu công nghiệp hai bên đường, cát được chất cao thành đống, bãi tập kết cát rộng đến cả ha. Giữa bãi tập kết này là khu vực rửa cát. Đất lẫn cát được các xe tải lớn chở về đổ xuống hồ nước rộng để rửa rồi được bơm lên bằng máy bơm và vòi cỡ lớn.
Bạn đọc phản ánh: Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) dài 26km, có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk và điểm cuối ra lại đường Hồ Chí Minh tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'Gar. Tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên suốt chiều dài tuyến đường xuất hiện nhiều vết chắp vá nham nhở, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo phản ánh, nhà thầu là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam và Công ty TNHH An Nguyên đã sửa chữa hư hỏng mặt đường bằng phương pháp cào bóc lớp bê tông nhựa các đoạn hư hỏng và hoàn trả lại lớp bê tông nhựa theo hồ sơ thiết kế. Thế nhưng, thực tế dù mới sửa lại song nhiều vị trí trên tuyến đường này có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Có những đoạn xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún kéo dài. Nhà thầu đã cho rải lớp thảm nhựa lên bề mặt, nhưng cách xử lý này chỉ để đối phó… để lâu dài đường sẽ sụt lún gây nguy hiểm cho người đi đường.
Mặt đường lồi, lõm chắp vá nham nhở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: CTV |
Kho thuốc bảo vệ thực vật giả rất lớn tại Hà Nội: Sau thời gian dài thẩm tra, xác minh, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra kho hàng tại địa chỉ số 19, ngõ 785 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, bắt quả tang các công nhân tại đây đang tiến hành dán nhãn để phù phép cho các nguyên liệu bán thành phẩm của Trung Quốc thành các sản phẩm thuốc trừ cỏ do Việt Nam sản xuất.
Tại hiện trường công nhân đang tiến hành dán nhãn cho hàng loạt các sản phẩm với đủ các thương hiệu như: LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu, Glysate 480… Đây đều là những tên tuổi lớn trong làng thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam được các bà con nông dân trên cả nước tin dùng. Quản lý thị trường đã chuyển giao ngay cho cơ quan Công an để tiến hành xác minh, xử lý hình sự.
Lực lượng chức năng khuyến cáo, bà con nông dân, hợp tác xã nên mua hàng chính hãng từ hệ thống đại lý lớn của doanh nghiệp Việt Nam để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, không tuỳ tiện mua hàng rẻ, hàng không rõ nguồn gốc chất lượng bởi ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người nông dân, sau đó là người tiêu dùng.
Bạn đọc phản ánh: Hơn 1.300 đôi giày, dép có dấu hiệu nhập lậu tại một cơ sở ở khu vực đường Thủ dầu 1, Khu công nghiệp bắc Duyên Hải, phường Duyên Hải, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Lô hàng giày, dép các loại này được đóng trong các thùng carton nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Báo Công Thương điện tử sẽ tìm hiểu, xác minh, làm rõ những sự việc trên và thông tin tới bạn đọc.