Kết luận thanh tra: EVN dự báo không sát, có trách nhiệm một số đơn vị Bộ Công Thương

18/07/2023 10:02

Bộ Công Thương vừa họp công bố kết luận thanh tra về quản lý, vận hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị liên quan. Vậy những vướng mắc, tồn tại và vi phạm trong hoạt động cung ứng điện được thanh tra kết luận thế nào?

evn-1689213637.png Việc cấp than cho điện và vận hành nhà máy nhiệt điện than chưa đảm bảo được kế hoạch vận hành đã được phê duyệt - Ảnh: EVN

Cụ thể, Thanh tra Bộ Công Thương kết luận việc huy động các nguồn điện biến động lớn do dự báo phụ tải, thủy văn trong phương thức vận hành một số tháng chưa sát thực tế. Dẫn chứng là tháng 1-2023 dự báo chênh thực tế 7,6%; tháng 2 là 4% và tháng 4 hơn 5% do nắng nóng sớm và kéo dài.

Chậm trễ trong huy động các nguồn, triển khai giải pháp khẩn cấp

Theo đó, EVN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong lập kế hoạch, phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2023. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chưa tuân thủ đầy đủ quy định về lập lịch, huy động, điều tiết các nguồn điện. 

"Việc A0 chậm trễ trong ra lệnh điều độ, huy động nguồn điện, triển khai các giải pháp khẩn cấp trong điều kiện diễn biến phụ tải, thủy văn thay đổi nhanh, gây ảnh hưởng cung ứng điện cho miền Bắc" - kết luận nêu.

Theo kết luận thanh tra, nguồn nhiệt điện than được huy động thấp hơn kế hoạch được phê duyệt. Lượng điện phát thực tế của một số nhà máy dao động tăng - giảm lớn, gây khó khăn trong điều hành, thiếu than cục bộ.

Nguyên nhân do EVN chậm thỏa thuận giá than khiến TKV và Tổng công ty Đông Bắc chưa có cơ sở nhập khẩu than để pha trộn và cung cấp cho các nhà máy. Năm 2022, hai đơn vị cấp than chỉ đạt 97,4% và 93% hợp đồng đã ký. 

Riêng Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Phả Lại 2, khối lượng than nhận thấp hơn hợp đồng nên sản lượng điện phát thấp hơn kế hoạch được phê duyệt tương ứng 471 triệu kWh và gần 778 triệu kWh.

Tình trạng thiếu than cục bộ tiếp diễn vào đầu năm 2023 và kéo dài tới tháng 5. Các nhà máy thiếu than phần lớn thuộc quản lý của EVN. “Các chủ đầu tư nhà máy chưa chấp hành nghiêm quy định của EVN về định mức than tồn kho, ảnh hưởng tới việc đảm bảo dự phòng vận hành” - kết luận thanh tra nêu.

Trong khi đó, thủy điện vốn là một trong những nguồn cung ứng điện chính ở miền Bắc đã được huy động cao trong năm 2023, làm giảm mực nước các hồ, gây mất cân đối nguồn điện, ảnh hưởng cung cấp điện mùa khô 2023. 

Một số đơn vị của Bộ Công Thương chưa làm tròn trách nhiệm

Theo kết luận thanh tra, từ tháng 7-2022, dù dự báo lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 60-80% so với trung bình nhiều năm, song việc khai thác ở nhiều hồ thủy điện lớn đã làm ảnh hưởng tới điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô 2023. 

Đặc biệt, từ tháng 3 đến tháng 5-2023, các nhà máy thủy điện vẫn được huy động cao, dẫn tới giảm mực nước các hồ thủy điện. Sản lượng điện tích trong hồ thấp hơn kế hoạch năm là 462 triệu kWh tới hết tháng 3, và tăng lên 1,63 tỉ kWh đến hết tháng 4. 

Theo cơ quan thanh tra, thực tế vận hành nhiều thời điểm tổng công suất khả dụng hệ thống điện miền Bắc trong tháng 5 và 6 chỉ đạt hơn 17.000 MW, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nên phải cắt điện diện rộng, không kịp thông báo trước làm ảnh hưởng lớn đời sống người dân, kinh tế - xã hội.

Ngoài việc chỉ ra trách nhiệm của EVN và các đơn vị liên quan, kết luận thanh tra nêu rõ, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương được giao công tác quản lý về cung ứng điện. Tuy nhiên, một số thời điểm việc giám sát, kiểm tra chưa sát tình hình thực tế. 

Thanh tra Bộ Công Thương xác định trách nhiệm này thuộc về Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và Vụ Dầu khí, than.

Cần đánh giá nghiêm túc trong xây dựng kế hoạch, phương thức vận hành

Để khắc phục những tồn tại này, ngoài kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, thanh tra đề nghị EVN đánh giá nghiêm túc hạn chế trong xây dựng kế hoạch, phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia và kịch bản kiểm soát, ứng phó khó khăn về cung ứng điện.

Các kịch bản cần có tính dự phòng cao, đảm bảo ứng phó tình huống cực đoan, sự cố, khó khăn xếp chồng, nhất là mùa khô hằng năm. EVN cũng cần nâng cao hiệu quả dự báo nguồn khả dụng, phụ tải.

Các đơn vị cấp than cho điện như TKV, Tổng công ty Đông Bắc đảm bảo cung cấp đúng, đủ khối lượng, chủng loại than theo hợp đồng. PVN tìm kiếm giải pháp tối ưu để gia tăng sản lượng khí, sửa chữa các công trình, đảm bảo không bị gián đoạn hoặc ngừng sản xuất, cấp khí cho điện.

Các cục, vụ được đề nghị hoàn thiện quy định pháp luật về điện lực, như sửa đổi Luật Điện lực, nghị định, thông tư liên quan tới đảm bảo cung ứng điện; cơ chế với các dự án đầu tư chậm tiến độ…

Bạn đang đọc bài viết "Kết luận thanh tra: EVN dự báo không sát, có trách nhiệm một số đơn vị Bộ Công Thương" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).