CTCP Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) và CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (Mã: TIS) công bố kết quả kinh doanh quý 2 với lợi nhuận sụt giảm tới 90%.
Cụ thể, CBI ghi nhận doanh thu thuần 499 tỷ đồng, lao dốc 50% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng chỉ ở mức 38 tỷ đồng, giảm mạnh 77% so cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các loại chi phí, Gang thép Cao Bằng chỉ lãi ròng vỏn vẹn gần 18 tỷ đồng - giảm 88% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Gang thép Cao Bằng giảm gần 14% về còn 1.318 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng giảm 80% về 43 tỷ đồng.
Với Tisco, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tisco ở mức 6.923 tỷ đồng - tăng nhẹ gần 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm mạnh 66% về còn gần 35 tỷ đồng. Năm 2022, Tisco đặt mục tiêu tổng doanh thu 20.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được sau 6 tháng đầu năm, Tisco vẫn còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm.
KQKD của nhiều doanh nghiệp thép giảm mạnh, thậm chí báo lỗ trong quý II/2022. Hình minh họa |
Tương tự, CTCP Thép Mê Lin (Mã: MEL) ghi nhận doanh thu đạt hơn 162 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, giảm 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm 93% còn 1,7 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu MEL tăng 25% lên 411 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng. Theo MEL, do chịu tác động của giá thép trên thị trường thép thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, doanh thu giảm và lợi nhuận cũng giảm theo.
Một gương mặt khác là Thương mại HCD (Mã: HCD) cũng ghi nhận sự sa sút mạnh trong quý II/2022 trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến giá thép.
Cụ thể, HCD ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 158 tỷ đồng - giảm 18% so với quý I. Khấu trừ giá vốn bán hàng (154 tỷ đồng) và các chi phí khác, HCD báo lãi sau thuế 3,1 tỷ đồng - bằng 1/5 so với cũng kỳ năm trước đồng thời giảm mạnh 85% so với mức 20,1 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Lũy kế bán niên 2022, Thương mại HCD đạt tổng doanh thu gần 352 tỷ đồng - giảm nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tăng 34% YoY lên mức 23,2 tỷ đồng.
Được biết, đây cũng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép, gang; sản xuất kim loại màu và kim loại quý; đúc sắt, thép, kim loại màu; khai thác quặng sắt;...
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022 hồi tháng 5/2022, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long từng chia sẻ việc ngành thép đang không thuận lợi trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine làm tăng giá than đồng thời chính sách Zero Covid của Trung Quốc làm giảm đáng kể nhu cầu thép. Ông Long dự báo kết quả kinh doanh quý II của ngành thép sẽ rất thê thảm. |
Đặc biệt, CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (Mã: TDS) bắt đầu lỗ do ảnh hưởng của giá thép đi xuống. Trong quý 2/2022, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 357,72 tỷ đồng - giảm 45,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 1,99 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 34,14 tỷ đồng.
Thép Thủ Đức cho biết, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý 2 đến nay, lượng thép tiêu thụ giảm mạnh nên dẫn tới Công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng đến giá vốn.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.111,92 tỷ đồng - giảm 11,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6,07 tỷ đồng - giảm 87,1% so với cùng kỳ.
Được biết năm 2022, Thép Thủ Đức đặt kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ thép cán là 160.000 tấn và lợi nhuận trước thuế là 24,3 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 7,6 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành được 31,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đến thời điểm này, dù các ông lớn đầu ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen (Mã HSG), Nam Kim (Mã NKG), Tiến Lên (Mã TLH) hay Pomina (Mã (POM),... chưa công bố kể quả kinh doanh quý II/2022 song có thể khẳng định rằng, sẽ có có doanh nghiệp nào duy trì được tốc độ tăng trưởng giai đoạn trước đó trong bối cảnh thị trường đã và đang còn bất lợi.