Khi doanh nghiệp lấn sân - Bài cuối: 'Ôm' tiền hỗ trợ làm dự án rồi... chuyển nhượng?

02/09/2022 06:19

Công ty CP xây dựng Tiến Đạt được UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng để thực hiện Đề án nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) này chỉ thả nuôi ít vụ tôm rồi 'tính' chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Vậy tiền nhà nước hỗ trợ sẽ giải quyết thế nào?

Công nhân Công ty CP Sao Đại Dương Thịnh Lộc chuẩn bị ngư cụ để vớt tôm.

Công nhân Công ty CP Sao Đại Dương Thịnh Lộc chuẩn bị ngư cụ để vớt tôm.

Doanh nghiệp khác vào tiếp quản

Như bài trước đã phản ánh, Công ty CP xây dựng Tiến Đạt là một DN chuyên về xây dựng cơ bản nhưng nắm bắt cơ hội, giai đoạn 2015-2016, DN này “lấn sân” sang thực hiện Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao của tỉnh Hà Tĩnh. Công ty được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án với diện tích 10,05ha tại vùng Troong Chiêu, thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Sau khi được cấp ứng hơn 4,3 tỷ đồng, DN này bắt tay vào nuôi tôm trên cát nhưng suốt từ 2016-2018 liên tục gây ô nhiễm môi trường, bị UBND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt hành chính 500 triệu đồng (65 triệu đồng năm 2017 và 435 triệu đồng năm 2018). Ngoài ra, Công ty CP xây dựng Tiến Đạt bị đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với việc nuôi tôm tại xã Thịnh Lộc.

Những ngày cuối tháng 8/2022, PV Báo Đại Đoàn Kết trực tiếp đến hiện trường dự án “dính” nhiều sai phạm của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt tại xã Thịnh Lộc. Tuy nhiên, DN đang nuôi tôm ở khu vực 10,05ha này giờ đây là Công ty CP Sao Đại Dương Thịnh Lộc do bà Nguyễn Thị Hạnh làm đại diện pháp luật.

Người đàn ông tên Hà, phụ trách tại dự án cho hay, Công ty CP Sao Đại Dương đã “lấy lại” dự án của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt cách đây 3 năm (2019). “Số tiền cụ thể tôi không rõ nhưng phải trên 10 tỷ đồng, cả hai nơi. Hồi trước, ông Thiệu - Công ty Tiến Đạt có tiền hỗ trợ của dự án nuôi cá mú, cá bơn chứ chị Hạnh (Công ty CP Sao Đại Dương) lấy lại không có hỗ trợ nữa, phải thay đổi công nghệ hết” - ông Hà nói.

Thời điểm PV có mặt tại dự án nuôi tôm này, công nhân của Công ty CP Sao Đại Dương Thịnh Lộc đang tất bật chuẩn bị công cụ để vớt hồ tôm cuối cùng của vụ nuôi để xuất bán, một số xe thùng đã sẵn sàng thu mua.

Gia đình ông Lê Doãn Hạng (SN 1967, thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc) ở sát dự án nuôi tôm này nên chứng kiến toàn bộ hành trình xây dựng, thả nuôi cũng như việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt. “Giờ Công ty Sao Đại Dương họ làm đỡ hơn, thỉnh thoảng mới có mùi hôi thối. Khi nào thấy mùi, chúng tôi báo với công ty, 15 phút sau họ khắc phục ngay. Thời Công ty Tiến Đạt làm thì ô nhiễm nghiêm trọng, dân trong thôn chúng tôi bức xúc vô cùng, phản ánh đến cơ quan chức năng suốt, may là tỉnh vào cuộc xử lý, bắt Công ty Tiến Đạt dừng chứ không chúng tôi không thể ở nổi đất này nữa” - ông Hạng kể.

Tiền nhà nước hỗ trợ xử lý ra sao?

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty CP Sao Đại Dương Thịnh Lộc cho hay, Công ty đã thả nuôi được 5 vụ tôm ở xã Thịnh Lộc và hiện nay đang làm thủ tục chuyển nhượng dự án. “Tôi đang làm thủ tục mua dự án nhưng chưa xong. Tôi và ông Thiệu (ông Lê Văn Thiệu - Giám đốc Công ty CP xây dựng Tiến Đạt) cùng làm hồ sơ để trình Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng không biết vướng ở đâu mà chưa được. Lâu nay, hai công ty đang phối hợp nuôi tôm tại Thịnh Lộc” - bà Hạnh nói.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 22/3/2022, Công ty CP xây dựng Tiến Đạt đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đề nghị điều chỉnh chủ đầu tư và nội dung dự án. Về thay đổi chủ đầu tư, chuyển từ Công ty CP xây dựng Tiến Đạt sang Công ty CP Sao Đại Dương Thịnh Lộc. Thứ hai, điều chỉnh tên dự án từ “nuôi cá bơn, cá mú và tôm công nghệ cao” thành “nuôi trồng thủy sản công nghệ cao”. Đồng thời, điều chỉnh mục tiêu, quy mô của dự án.

Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến các nội dung chuyển đổi dự án. Đến thời điểm này vẫn chưa xong.

Trong diễn biến khác có liên quan, ngày 24/1/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn có quyết định số 219/QĐ-UBND về việc phê duyệt quyết toán kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao cho các đơn vị. Tổng số tiền hỗ trợ được quyết toán hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 5,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện gần 921 triệu đồng. Riêng Công ty CP xây dựng Tiến Đạt được hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hơn 1,3 tỷ đồng, ngân sách huyện Lộc Hà 75 triệu đồng).

Chứng từ Sở Tài chính Hà Tĩnh cung cấp cho PV thể hiện, ngày 28/2/2022, Công ty CP xây dựng Tiến Đạt đã hoàn trả hơn 2,9 tỷ đồng kinh phí theo Quyết định 219/QD-UBND ngày 24/1/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo một cán bộ công tác tại Sở Tài chính Hà Tĩnh, Công ty CP xây dựng Tiến Đạt ứng trước 4,3 tỷ đồng để thực hiện Đề án nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao, sau khi được tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng, công ty hoàn trả lại hơn 2,9 tỷ đồng tiền ứng thừa.

Tại khoản 3, điều 2, Quyết định 219/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn ký, nêu rõ: “Yêu cầu các Công ty: CP xây lắp Thành Vinh, CP xây dựng Tiến Đạt hoàn thiện thủ tục thanh, quyết toán kinh phí; hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước phần kinh phí tạm ứng còn dư theo đúng quy định, hoàn thành trước ngày 28/2/2022; đồng thời không được thu phần giá trị tài sản hình thành từ nguồn chính sách hỗ trợ trong trường hợp chuyển nhượng; không được lợi dụng, vi phạm các quy định về quản lý tài sản”.

Bạn đang đọc bài viết "Khi doanh nghiệp lấn sân - Bài cuối: 'Ôm' tiền hỗ trợ làm dự án rồi... chuyển nhượng?" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).