Theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), kho khí đốt của châu Âu hiện đã đầy 79,94% và sắp vượt mục tiêu 80% vào tháng 11.
Với điều kiện một năm mùa Đông bình thường ở châu Âu, lượng khí đốt dự trữ trên có thể đủ để trang trải. Tuy nhiên vào năm 2022, với dòng chảy khí đốt của Nga đã giảm mạnh, tuyến đường ống chính Nord Stream 1 vào châu Âu chỉ ở mức 20% công suất, thì việc lưu trữ sẽ không tạo nên sự cân bằng.
Theo Aurora Energy Research, việc lưu trữ đầy đủ khí đốt có thể duy trì tốt nhất cho các nước châu Âu trong khoảng 3 tháng. Các kho lưu trữ tại Đức chiếm gần 25% kho dự trữ của EU và khí đốt dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu trung bình từ 80 đến 90 ngày.
"Để đối phó với tình hình khủng hoảng này, việc giảm nhu cầu thậm chí còn quan trọng hơn việc lưu trữ", Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel cho biết.
Với khoảng 888 terawatt giờ (TWh) khí đốt hiện đang được dự trữ, các nước EU đã vượt qua mức 858 TWh dự trữ đạt đỉnh trước mùa Đông năm ngoái.
Theo mô hình của công ty tình báo dữ liệu ICIS, nếu các quốc gia không cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu, các hầm chứa khí đốt của châu Âu sẽ vẫn trống rỗng vào tháng 3 năm sau ngay cả trong một kịch bản mà một số khí đốt của Nga tiếp tục chảy suốt mùa Đông và thời tiết không lạnh bất thường.
ICIS cho biết, để ngăn chặn khủng hoảng nguồn cung vào mùa Đông, mỗi tháng các quốc gia cần cắt giảm lượng khí đốt sử dụng xuống 15% so với mức trung bình trong 5 năm. Điều đó sẽ khiến kho dự trữ sau mùa Đông đầy 45% nếu Nga tiếp tục chuyển khí đốt và 26% nếu Nga cắt giảm dòng chảy từ tháng 10.
Mauro Chavez Rodriguez, Giám đốc nghiên cứu khí đốt châu Âu tại Wood Mackenzie cho biết: Sự kết hợp giữa việc không sử dụng khí đốt của Nga và không giảm mạnh mức tiêu thụ khí đốt trong các ngành công nghiệp và tòa nhà "có thể dẫn đến việc phân bổ lượng điện" trong mùa Đông này.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc cắt giảm nhu cầu khí đốt liên tục trên quy mô cần thiết đã không xảy ra, mặc dù nhiều ngành công nghiệp đã buộc phải cắt giảm sản lượng vì giá khí đốt cao bất thường và điều này cũng hiện đang ảnh hưởng đến 2/3 công suất sản xuất phân bón của châu Âu.
Vào cuối tháng 7, các nước EU đã nhất trí cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa Đông này so với mức trung bình của mùa Đông năm 2017-2021. ICIS cho biết, mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong nửa đầu tháng 8 thấp hơn 11% so với mức trung bình 5 năm.
Dữ liệu từ Cơ quan Mạng lưới Năng lượng liên bang Đức cho thấy, việc sử dụng khí đốt của ngành công nghiệp Đức đã giảm mạnh 21% trong tháng 7 so với mức trung bình 2018-2021, nhưng trước đó không có tháng nào ghi nhận mức cắt giảm lớn hơn 14%.
Không giống như hầu hết các chính phủ châu Âu, Đức đã đưa ra một số yêu cầu để tiết kiệm năng lượng. Họ sẽ bắt đầu vào tháng tới và bao gồm lệnh cấm sưởi ấm bằng khí đốt cho các bể bơi tư nhân, giảm chiếu sáng của các địa điểm công cộng và lệnh cấm các cửa hàng có hệ thống sưởi mở cửa cả ngày.
Matthias Buck, Giám đốc châu Âu tại Agora Energiewende cho biết, Đức cần cắt giảm 20% đến 25% lượng sử dụng khí đốt trong mùa đông này. Điều đó bao gồm việc giảm nhu cầu từ các hộ gia đình và đây cũng là một động thái để bảo vệ các hộ gia đình có thu nhập thấp khỏi chi phí khí đốt và điện tăng cao.
Việc không tiết kiệm khí đốt trong mùa Đông này sẽ khiến việc đổ đầy kho lưu trữ cho mùa Đông tới sẽ khó hơn rất nhiều. Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết, nếu điều đó xảy ra và Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt, kho dự trữ của châu Âu vào năm tới có thể cạn kiệt vào tháng 11.
Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã giúp châu Âu nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ trong năm nay, nhưng nếu không có dòng chảy khí đốt của Nga vào năm 2023, thị trường LNG sẽ không thể đưa các cơ sở lưu trữ của châu Âu trở lại mức dễ chịu trước mùa Đông.
“Kho lưu trữ là mạng lưới an toàn, nhưng việc giảm nhu cầu đáng kể là điều chúng tôi cần ưu tiên trong cuộc khủng hoảng này”, ông Matthias Buck cho biết.