Khó khăn bủa vây, SAM Holdings bắt đầu bán bớt cổ phiếu

03/01/2023 14:38

Thị trường chứng khoán lao dốc khiến danh mục đầu tư cổ phiếu giảm mạnh, Công ty cổ phần SAM Holdings (mã SAM) có dấu hiệu bán cổ phiếu có lãi để tiếp tục gồng gánh số cổ phiếu còn lại.

Bán tài sản không có thanh khoản

SAM Holdings đăng ký bán toàn bộ 3.707.110 cổ phiếu Công ty cổ phần DNP Holding (mã DNP) từ ngày 27/12/2022 đến 19/1/2023, để giảm sở hữu từ 3,12% về còn 0% vốn điều lệ. Tính tới ngày 30/9/2022, SAM Holdings ghi nhận giá trị đầu tư 56,42 tỷ đồng vào cổ phiếu DNP. Cổ phiếu này được giao dịch với giá 24.200 đồng/cổ phiếu ngày 26/12, tương ứng giá trị của hơn 3,7 triệu cổ phiếu DNP khoảng 89,71 tỷ đồng.

Như vậy, nếu thoái thành công toàn bộ cổ phiếu DNP, SAM Holdings có thể ghi nhận lãi khoảng 33,29 tỷ đồng. Điều này có thể giúp Công ty ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến vào báo cáo tài chính thời điểm thoái vốn là quý IV/2022 hoặc quý I/2023.

Tính tới ngày 30/9/2022, SAM Holdings ghi nhận đầu tư 311,2 tỷ đồng chứng khoán, trích lập dự phòng 55,54 tỷ đồng giảm giá chứng khoán kinh doanh, tương ứng tạm lỗ 17,8% tổng danh mục. Trong đó, SAM Holdings đang đầu tư 91,1 tỷ đồng cổ phiếu HPG, 62,2 tỷ đồng cổ phiếu SJS, 20,7 tỷ đồng cổ phiếu SSI, 20,5 tỷ đồng cổ phiếu TCB, 12,8 tỷ đồng cổ phiếu MBB…

Trong quý IV/2022, từ ngày 1/10 đến 27/12, giá cổ phiếu HPG giảm 13,9%, về mức 18.250 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu SJS giảm 28,9%, về 46.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu SSI giảm 8,1%, về 18.200 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu TCB giảm 19,1%, về 26.300 đồng/cổ phiếu; giá MBB giảm 13,8%, về 17.250 đồng/cổ phiếu…

Như vậy, danh mục đầu tư cổ phiếu của SAM Holdings chủ yếu giảm mạnh trong quý IV/2022, chỉ có cổ phiếu DNP có dấu hiệu đi ngược xu hướng thị trường vì không có thanh khoản, trung bình chỉ khoảng 2.700 cổ phiếu được khớp lệnh trong một phiên.

SAM Holdings cũng đang có kế hoạch bán đi cổ phiếu không có thanh khoản, nhiều khả năng sẽ phải tìm đối tác giao dịch thoả thuận, để ghi nhận lãi đột biến khoảng 33,29 tỷ đồng nhằm bù đắp cho danh mục cổ phiếu ghi nhận lỗ khi hàng loạt cổ phiếu nắm giữ như HPG, SJS, SSI, TCB, MBB … giảm mạnh trong quý IV/2022.

Thực tế, từ năm 2018 đến 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) của SAM Holdings lần lượt ghi nhận âm 8,99 tỷ đồng, âm 67,09 tỷ đồng, dương 45,15 tỷ đồng, âm 128,37 tỷ đồng và âm 189,03 tỷ đồng. Công ty chỉ thoát lỗ chủ yếu nhờ doanh thu tài chính. Tuy nhiên, với danh mục đầu tư tài chính lao dốc, đây sẽ là thách thức với SAM Holdings trong thời gian tới.

Các dự án lớn tiếp tục chậm triển khai

Tại Đại hội cổ đông thường niên đầu năm 2022, ông Hoàng Lê Sơn, Chủ tịch HĐQT SAM Holdings  từng chia sẻ, Công ty đang sở hữu nhiều tài sản quý, hiếm và có nhiều tiềm năng mang lại nguồn lợi nhuận lớn trong tương lai.

Trong đó, Dự án Samland Riverside của SAM Holdings đã trễ 3 năm so với kế hoạch (dự kiến triển khai từ năm 2016 đến tháng 11/2019). Theo ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc SAM Holdings, ban đầu Công ty công bố giá bán khoảng 20 triệu đồng/m2, nhưng do trễ tiến độ, giá bán tăng lên 60 - 70 triệu đồng/m2. Công ty đang tìm giải pháp tháo gỡ, đến năm 2022 về cơ bản có khả năng hoàn thành các thủ tục pháp lý và có thể triển khai.

Tương tự, với Dự án 55 ha tại Nhơn Trạch (dự kiến triển khai từ năm 2018 đến tháng 6/2025), Công ty đã giải phóng được 75% tổng diện tích, đặt mục tiêu quý II/2022 đền bù xong 100% và có thể chọn thời điểm mở bán để tối ưu hóa lợi nhuận. Năm 2021, Công ty cũng thông qua kế hoạch giải phóng mặt bằng 100%, hoàn tất các thủ tục pháp lý tại dự án này, nhưng kết thúc năm vẫn chưa thực hiện xong.

Sau 9 tháng đầu năm 2022, giá trị tài sản dở dang dài hạn của SAM Holdings tăng 148,33 tỷ đồng so với đầu năm, lên 701,42 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản. Trong đó, Dự án Samland Riverside tăng nhẹ 0,62 tỷ đồng, lên 126,99 tỷ đồng và Dự án khu dân cư tại Nhơn Trạch tăng 80,04 tỷ đồng so với đầu năm, lên 494,58 tỷ đồng.

Ngoài ra, SAM Holdings phát triển thêm các dự án bất động sản khu công nghiệp và nghỉ dưỡng. Trong đó, Dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2 có diện tích 103 ha, giá trị đầu tư 120,04 tỷ đồng; Dự án Khu công nghiệp An Việt - Quế Võ có tổng diện tích 78,68 ha, quy mô vốn đầu tư 387,7 tỷ đồng; Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Tuyền Lâm, Lâm Đồng với quy mô 194,92 ha…

Như vậy, các tài sản “hiếm” trong thông điệp của Ban lãnh đạo SAM Holdings đều chưa đưa vào khai thác, không tạo được dòng tiền. Đặc biệt, nếu việc triển khai Dự án Samland Riverside chậm tiến độ, sẽ làm chôn vốn đầu tư, sản phẩm có nguy cơ lỗi thời. Việc chậm đền bù giải phóng mặt bằng tại Dự án 55 ha Nhơn Trạch có thể kéo theo chi phí tăng cao, giảm hiệu quả sử dụng tài sản và khó cạnh tranh về uy tín và chất lượng công trình...

Bạn đang đọc bài viết "Khó khăn bủa vây, SAM Holdings bắt đầu bán bớt cổ phiếu" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).