Khởi động dự án tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp Việt Nam

03/06/2022 10:26

Việc chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn trong một doanh nghiệp đòi hỏi cả sự thay đổi về nhận thức và hành vi nhằm chuyển dịch hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, bên cạnh lợi ích kinh tế và môi trường.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Bài học thành công của Hà Lan, Đức, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore… là kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy hợp tác nhằm tiếp nhận chuyển giao các công nghệ về thiết kế, chế tạo, chuyển đổi số.

Theo đó, kinh tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Mới đây, Đại sứ quán Hà Lan và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sẽ triển khai chương trình tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Việc chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn trong một doanh nghiệp đòi hỏi cả sự thay đổi về nhận thức và hành vi nhằm chuyển dịch hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, bên cạnh lợi ích kinh tế và môi trường".

Khởi động dự án tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1 Đại sứ quán Hà Lan và UNDP sẽ triển khai chương trình tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam. (Ảnh: H.Giang)

Chương trình nhằm mục đích để truyền cảm hứng và cung cấp các hướng dẫn thiết thực để chuyển đổi và thực hiện các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn. Các khóa tập huấn sẽ được thực hiện bởi Viện Chính sách, Chiến lược tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI), Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế, Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED) và Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion của Hà Lan. Đây là Chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn lần thứ hai và sẽ được bắt đầu từ tháng 6/2022.

Theo đó, Chương trình tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do UNDP triển khai với sự hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan, nhằm cung cấp kiến thức về kinh tế tuần hoàn, các chính sách của chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu về thương mại bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 96% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% vào tổng sản phẩm quốc nội. Do đó, doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường áp dụng, thực hiện và vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, sử dụng công nghệ phát thải carbon thấp và công nghệ sạch”.

Trong khi đó, theo nhận định của bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, việc chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là cách duy nhất để làm cho các nền kinh tế, xã hội và hành tinh của chúng ta trở nên xanh hơn.

“Thông qua chương trình tăng cường năng lực mà chúng tôi công bố hôm nay, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam được trang bị kiến thức và chuyên môn thực tế để phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn của riêng mình” - bà Elsbeth Akkerman, nhấn mạnh.

Năm 2021, UNDP cùng với các đại sứ quán Na Uy, Hà Lan và Phần Lan - đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập "Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam" (gọi tắt là CE Hub). CE Hub nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho tất cả các bên liên quan (cơ quan công quyền, doanh nghiệp, xã hội dân sự và học viện) để áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, để tích hợp được nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy sự chuyển dịch này.

Trong mạng lưới kinh tế tuần hoàn này, một Nhóm công tác kinh tế tuần hoàn đã được thành lập. UNDP, ISPONRE, Đại học Ngoại thương Hà Nội (FTU) và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) đã tổ chức thành công Chương trình Đào tạo Kinh tế tuần hoàn lần thứ nhất dành cho doanh nghiệp, trong đó có hai khóa đào tạo Giảng viên cho 47 học viên là giảng viên, chuyên gia và nhà quản lý; và hai khóa đào tạo kinh tế tuần hoàn cho 52 doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư.

Do đó, ngành sẽ triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, chặn đà và từng bước đảo ngược xu thế suy thoái về môi trường, các hệ sinh thái; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh dựa vào sự cân bằng và khả năng cung ứng của hệ sinh thái…

Bạn đang đọc bài viết "Khởi động dự án tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp Việt Nam" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).