"Khôn" như... Kusto Home

13/12/2022 09:11

Dự án Urban Green của Kusto Home, liên tục gây bất ngờ bởi cách hành xử quá “khôn” với khách hàng, khi nhận được đề nghị cung cấp pháp lý liên quan đến vấn đề sở hữu 39 năm hay lâu dài.

Trả lại tiền chứ không cung cấp pháp lý

Sáng 31/10, chủ đầu tư dự án Urban Green bất ngờ trả lại tiền cho một khách hàng tên T, sau khi vị khách này đề nghị công ty cung cấp pháp lý liên quan đến vấn đề sở hữu căn hộ 39 năm hay lâu dài.

Phóng viên Reatimes đã liên hệ với Công ty TNHH Bất Động Sản Ladona (công ty con của Kusto Home) để tìm hiểu về lý do của động thái này. Tuy nhiên, đại diện truyền thông của công ty này nói rằng không nắm thông tin về phản ánh của khách hàng và không bình luận gì về việc tại sao công ty không cung cấp pháp lý cho khách hàng, mà chọn giải pháp trả lại tiền.

urban-green-1670897265.jpg
Chủ đầu tư Urban Green chọn cách trả lại tiền sau khi một khách hàng yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý của dự án

Từ chối nhận văn bản đề nghị cung cấp thông tin pháp lý của khách hàng

Mới đây, phản ánh đến Reatimes, ngày 8/12/2022, chị L.A cho biết, đã gửi Giấy đề nghị cung cấp thông tin dự án theo quy định, đến Công ty TNHH Bất Động Sản Ladona. Tuy nhiên, bộ phận pháp lý của công ty này nhất quyết không chịu nhận văn bản đề nghị của khách hàng mà yêu cầu khách hàng gửi email và công ty sẽ phản hồi bằng email cho khách hàng.

Theo chị L.A, gần đây có nhiều thông tin cho rằng dự án Urban Green có nguồn gốc đất thuê, thời hạn thuê đất chỉ còn 39 năm, nên khách hàng sẽ không được sở hữu căn hộ lâu dài, mà theo thời hạn thuê đất của dự án. Thông tin này khiến L.A hoang mang về pháp lý dự án cũng như quảng cáo của môi giới là khách mua căn hộ được sở hữu lâu dài.

"Ngoài ra, trên báo chí cũng đưa tin đã có trường hợp khách hàng đề nghị chủ đầu tư cung cấp pháp lý dự án, nhưng sau đó chủ đầu tư chỉ hoàn lại tiền chứ không cung cấp pháp lý cho khách hàng. Điều này càng khiến tôi càng hoài nghi về tính minh bạch và thượng tôn pháp luật của chủ đầu tư dự án", chị L.A cho biết.

Khách hàng hỏi 1 đằng, nội dung trả lời 1 nẻo

Theo yêu cầu của nhân viên phía chủ đầu tư dự án Urban Green, chị L.A đã gửi email đề nghị cung cấp thông tin cho Công ty TNHH Bất Động Sản Ladona. Nội dung đề nghị cung cấp thông tin như sau:

1/ Việc bà Nguyễn Thị Mai Trâm, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty, đại diện ký hợp đồng đặt cọc, có đúng phạm vi được ủy quyền hay không? Đề nghị cung cấp Giấy ủy quyền số 05/2021-UQ-LDN-Sales, ngày 01/12/2021, do ông Sergey Nam - Tổng Giám đốc ký.

2/ Dự án Urban Green đã đáp ứng điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, theo Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản chưa?

3/ Theo quy định công khai thông tin bất động sản đưa vào kinh doanh, tại Điều 6, Luật Kinh doanh bất động sản, đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản, bao gồm: Quyết định 4009/QĐ-UB, ngày 23/8/2011, của UBND TP.HCM; Quyết định số 6174/QĐ-UB, ngày 20/12/2011, của UBND TP.HCM; Quyết định số 3901/QĐ-UB, ngày 4/11/2011, của UBND quận Thủ Đức.

4/ Việc môi giới tư vấn khách hàng mua căn hộ tại dự án được cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài là đúng hay sai? Căn cứ vào đâu để chủ đầu tư khẳng định như vậy?

Mặc dù nội dung đề nghị cung cấp thông tin của khách hàng rất rõ ràng và đúng quy định, nhưng phản hồi bằng email từ người của công ty này đã né tránh và lấp liếm nhiều vấn đề. Reatimes tiếp tục làm rõ trong bài tiếp theo về những điều khuất tất này.

kusto-home-1670897269.png
Nội dung email trả lời khách hàng từ một người có tên Pham thi Thuy An

Phản hồi bằng email không có giá trị pháp lý, chủ đầu tư có thể đổ lỗi cho nhân viên

Nói về câu chuyện chủ đầu tư từ chối nhận văn bản đề nghị của khách hàng, để cung cấp thông tin qua email cá nhân, Luật sư Nguyễn Việt Quốc, Công ty Luật TNHH Tín An, nhận định rằng, về hình thức trao đổi, nếu muốn sử dụng làm chứng cứ hoặc chính thức có giá trị ràng buộc sau này, thì nên trao đổi bằng văn bản.

Trường hợp chỉ nắm thông tin thì có thể trao đổi email. Trong trường hợp này có thể chủ đầu tư không muốn bị ràng buộc trách nhiệm sau này, liên quan đến các thông tin cung cấp, nên họ không muốn phát hành văn bản chính thức, mà chỉ trao đổi dạng thông tin qua email.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Việt Quốc, phản hồi qua email chỉ là cá nhân. Nếu sau này có vấn đề gì, chủ đầu tư có thể đổ lỗi cho một ai đó. Email không đại diện cho công ty và không đúng với quyền lợi của khách hàng, khi họ tin tưởng, ký hợp đồng với chủ đầu tư. Nên phản hồi bằng email chỉ có chức năng thông báo, không có giá trị pháp lý.

Sở Xây dựng TP.HCM liệu có làm đúng chỉ đạo của Bộ Xây dựng?

Như đã phản ánh trong bài Sở Xây dựng TP.HCM rà soát pháp lý dự án Urban Green sau phản ánh của Reatimes, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM thông tin đang trong quá trình thụ lý, tổng hợp và rà soát pháp lý dự án Urban Green, liên quan đến việc chủ đầu tư và sàn giao dịch không cung cấp pháp lý dự án cho khách hàng.

Trước đó, Bộ Xây dựng vừa chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đây là thông tin được Bộ Xây dựng đưa ra, trong văn bản số 172/TC-BXD, ngày 24/10/2022. Theo đó, đối với các địa phương, Bộ Xây dựng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan (nếu có).

Như vậy, các cơ quan chức năng TP.HCM liệu có thanh tra, rà soát dự án Urban Green để công bố thông tin, làm minh bạch thị trường, theo Chỉ thị số: 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hay không, vẫn là điều dư luận chờ câu trả lời.

Liên quan đến pháp lý này, trao đổi với Reatimes, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng sổ đất dự án này có một phần là loại đất ở, tuy nhiên đây là hình thức cho thuê đất ở. Do đó, đây có thể là dự án nhà ở nhưng chỉ được cho thuê 50 năm, chứ không được bán.

“Đối với dự án đất ở, phải có quyết định giao đất thì chủ đầu tư mới được bán và người mua được cấp sở hữu căn hộ. Nếu dự án đang bán căn hộ thì có thể chủ đầu tư đang sai; hoặc chủ đầu tư đã "chạy" về đất, tức là chuyển từ thuê đất sang giao đất.

Khi mua nhà ở, người mua phải xét cả 2 yếu tố. Đó là sổ ghi đất ở, song phải kèm theo quyết định giao đất thì người mua được sở hữu lâu dài. Còn đất ở nhưng thuê dài hạn thì chỉ áp dụng cho một số dự án quy định về cho thuê nhà như nhà ở công nhân, chuyên gia. Đối với dự án nhà ở thương mại mà cho thuê đất 50 năm thì khá hy hữu. Vì vậy, đối với dự án trên, người mua cần xem văn bản phê duyệt xem chủ đầu tư có được cho phép bán hay chỉ được thuê. Nếu chỉ thuê đất mà bán nhà ở lâu dài là sai”, Luật sư Phượng nói.

 

Bạn đang đọc bài viết ""Khôn" như... Kusto Home" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).