Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Mohammad Jalehar chỉ là một cậu bé tuổi teen khi lần đầu nghe cảnh báo về tình hình thiếu hụt thực phẩm và nước sạch tại Singapore.
“Mỗi khi Singapore ‘đối đầu’ với Malaysia, chúng tôi đều được cảnh báo về tình trạng thiếu thịt, cá và rau xanh nhập khẩu từ Malaysia. Nước cũng sẽ bị cắt”, ông nói.
Hiện tại, khi ở tuổi ngũ tuần, ông cho biết lịch sử đang lặp lại. Ông và vợ là tiểu thương bán thịt gà trong một khu chợ ướt tại quận Bedok South, Singapore.
Trong hàng thập kỷ, Singapore, một quốc gia giàu có về mặt kinh tế nhưng thiếu đất canh tác nông nghiệp, phụ thuộc lớn vào nguồn thịt gà nhập khẩu từ Malaysia. Trong tổng số 3,6 triệu con gà sống được Singapore nhập khẩu mỗi tháng, 1,2 triệu con tới từ quốc gia lân cận.
Một trang trại gà tại Malaysia. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob trong tuần trước thông báo: Malaysia sẽ dừng xuất khẩu gà tới Singapore từ tháng 6 nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước, khiến giá thịt gà tăng cao.
Lệnh cấm được dự báo sẽ có tác động lớn đối với người dân Singapore, không chỉ bởi vì cơm gà là món ăn đặc trưng tại quốc đảo này, mà còn bởi thịt gà đông lạnh sẽ không thay thế hoàn toàn thịt gà tươi truyền thống.
Trong khi chính phủ Singapore lên tiếng trấn an người dân rằng sẽ có đủ nguồn cung thịt gà trên thị trường, nhiều chuyên gia nhận định giá thịt gà sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Hiện tại, một con gà có giá 3 USD, nhưng có thể tăng lên từ 4-5 USD/con khi nguồn hàng trên thị trường sụt giảm.
“Mỗi đồng tăng thêm, chúng tôi lại thấy xót xa”, Jalehar chia sẻ. “Nhà cung cấp khuyên chúng tôi chuẩn bị tâm lý. Với giá mỗi con gà tăng thêm 1 USD, chúng tôi lấy tiền đâu để trả cho phần chênh lên đó? Liệu khách hàng có chấp nhận điều đó hay không?”, ông chia sẻ.
Ông Mohammad Jalehar và vợ của mình. Ảnh: CNN. |
Cuộc “khủng hoảng cơm gà”, như nhiều người vẫn gọi, chính là hệ quả của tình trạng bảo hộ thực phẩm đang ngày một lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Xung đột tại Ukraine, các vấn đề chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và thời tiết cực đoan khiến cho nhiều loại thực phẩm rơi vào cảnh thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy giá của chúng lên cao.
Tại Mỹ, châu Á và châu Phi, tình trạng thiếu hụt khoai tây khiến cho nhiều cửa hàng bán đồ ăn nhanh không có đủ nguyên liệu cho món khoai tây chiên trứ danh.
Tại Malaysia, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao kéo theo giá gà tăng trong một vài tháng gần đây.
Với việc Malaysia chính thức cấm xuất khẩu gà sang Singapore từ ngày 1/6, quốc đảo này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thịt gà trong nhiều tháng.
Các cơ sở kinh doanh thịt gà tại Singapore cho biết khách hàng trong tuần này đang cố gắng đón đầu lệnh cấm bằng việc mua hàng theo số lượng lớn, nhưng họ không có đủ hàng để bán. Trong khi đó, họ cũng khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung thịt gà.
Ah Ho và con trai Thomas, chủ một sạp hàng, chia sẻ giá thịt gà đã tăng lên từ trước đó. “Công việc kinh doanh của chúng tôi gặp khó trong nhiều tháng nay, do đó, chúng tôi không quá bất ngờ”, ông cho biết.
Quầy bán thịt gà của ông không còn hàng để bán, ngay cả những bộ phận ít người ưa chuộng như mề gà, cũng được bán hết. “Số phận của chúng tôi giờ nằm trong tay các nhà cung cấp, và mục tiêu lợi nhuận của họ”, Thomas nói.
Đối với hai cha con, duy trì hoạt động kinh doanh của sạp hàng không phải việc dễ dàng, nhưng hiện tại, nó trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
“Không ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai và tình trạng thiếu hụt này sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng nó có thể là giọt nước tràn ly buộc chúng tôi phải đóng cửa sạp hàng”, Thomas chia sẻ.
Bà chủ Madam Tong chuẩn bị cơm gà cho khách. Ảnh: CNN. |
“Khủng hoảng cơm gà”
Nỗi sợ thiếu hụt thịt gà được thể hiện qua từng hàng dài người trước các tiệm cơm gà tại Singapore.
Tian Tian Hainanese Chicken Rice, một trong những tiệm cơm gà nổi tiếng nhất tại Singapore, cho biết họ sẽ tạm dừng phục vụ các món ăn khác liên quan tới gà trong trường hợp không đảm bảo được nguồn cung thịt gà tươi.
Giải pháp trong ngắn hạn của Singapore là nhập khẩu thịt gà đông lạnh từ các quốc gia như Thái Lan và Brazil. Nhưng đối với các chủ tiệm cơm gà, đó không phải là một ý tưởng hay.
“Gà đông lạnh ư? Chúng tôi sẽ nấu món cơm gà với thịt gà đông lạnh ư?. Chắc chắn sẽ chẳng ngon đâu”, Madan Tong, chủ một tiệm cơm gà, chia sẻ.