Khủng hoảng giá dầu, 'bóng ma' suy thoái, Trung Quốc 'xoay trục'... kinh tế toàn cầu 2023 sẽ đi về đâu?

20/12/2022 15:11

Khi năm 2022 đầy khó khăn sắp khép lại, không khó để hiểu vì sao các nhà đầu tư toàn cầu bước vào năm 2023 với sự thận trọng cao độ.

Xét cho cùng, nhiều vấn đề nhức nhối tương tự vẫn tiếp diễn - lạm phát vẫn phi mã, lãi suất tiếp tục tăng trong khi tăng trưởng toàn cầu đang đi xuống.

Các nhà đầu tư cũng phải đương đầu với những nỗi đau mới. Các yếu tố thuận lợi như đồng tiền rẻ, mức tăng trưởng kinh tế nhanh ở Trung Quốc và tình hình địa chính trị tương đối bình lặng đều đã biến mất.

Thay vào đó là những khó khăn giáng xuống gần như mọi loại tài sản trong năm 2022.

Kinh tế toàn cầu năm 2023 đang đứng trước nhiều gập ghềnh, chông gai. (Nguồn: Bloomberg)

Kinh tế toàn cầu năm 2023 đang đứng trước nhiều gập ghềnh, chông gai. (Nguồn: Bloomberg)

Tranh cãi về vấn đề suy thoái

Một chủ đề ngày càng được nhắc đến nhiều là suy thoái. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hầu hết các nhà kinh tế đều nhất trí rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết khu vực, với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến giảm từ mức 3,2% trong năm 2022 xuống 2,7% vào năm 2023.

Nhưng khả năng xảy ra suy thoái lại là vấn đề gây tranh cãi - ngoại trừ ở Liên minh châu Âu (EU), khu vực mà nhiều người đồng ý là rất có thể đối mặt tình trạng đó. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái toàn cầu chủ yếu sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Mỹ.

Những người lạc quan - chiếm thiểu số trong số các nhà kinh tế - cho rằng, thế giới sẽ tránh được suy thoái vì hoạt động tiêu dùng của Mỹ vẫn mạnh, quá trình tạo việc làm vẫn đang tiếp tục diễn ra và lĩnh vực dịch vụ vẫn đang tăng trưởng.

Đồng thời, họ khẳng định, lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh và việc tăng lãi suất sẽ ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, những người này cho rằng, nhiều quốc gia trong thế giới phát triển, đặc biệt là ở châu Á và khu vực Mỹ Latinh, khó có thể rơi vào suy thoái.

Theo công ty dịch vụ kiểm toán KPMG, phe ủng hộ suy thoái chiếm đa số (86%) trong cuộc khảo sát các Giám đốc điều hành (CEO) của họ. Hầu hết các CEO (60%) cho rằng suy thoái sẽ ở mức độ nhẹ và ngắn hạn.

Một cuộc khảo sát của tờ The Wall Street Journal cho thấy, 2/3 số người trả lời dự báo về một cuộc suy thoái trong năm 2023.

Trong bản cập nhật hồi tháng 10 về Triển vọng kinh tế thế giới, IMF cảnh báo rằng: “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua đi, và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”.

Ở thái cực bi quan nhất là nhà kinh tế Nouriel Roubini, người dự đoán rằng không những sẽ xảy ra suy thoái, mà nó còn là một cuộc suy thoái “nghiêm trọng, kéo dài và tồi tệ”.

Nguyên nhân suy thoái được trích dẫn rộng rãi nhất là chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong lịch sử ở Mỹ: Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đưa lãi suất cơ bản từ gần bằng 0 hồi tháng 3/2022 lên khoảng 4% như hiện nay và sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Điều này dẫn đến việc tăng lãi suất hoặc các hình thức thắt chặt tiền tệ khác (giống như điều chỉnh tỷ giá ở Singapore) ở ít nhất 45 quốc gia trên toàn thế giới.

Những yếu tố trên sẽ dẫn đến sụt giảm trong cả đầu tư, tiêu dùng cũng như thị trường nhà ở. Các thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung.

Tác động của chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ từ 12-18 tháng. Vì vậy, hàng loạt đợt tăng lãi suất năm 2022 sẽ tác động nặng nề nhất đến các nền kinh tế thực vào năm 2023. Điều này có thể giải thích cho tiên lượng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến” của IMF.

Khi tăng trưởng chậm lại và giá hàng hóa giảm, nhiều nhà kinh tế cho rằng, lạm phát sẽ giảm trong năm 2023. Ví dụ, JP Morgan dự kiến lạm phát tổng thể của Mỹ sẽ giảm xuống 3,7% vào quý IV/2023, từ mức 7,7% ghi nhận tháng 11/2022.

Tuy nhiên, một số cú sốc về nguồn cung có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao, bên cạnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại cũng có thể đẩy giá hàng hóa lên cao và duy trì áp lực lạm phát, trong khi xung đột ở Ukraine sẽ giữ giá lương thực ở mức cao.

Nếu lạm phát tiếp tục nóng trong khi suy thoái diễn ra, Fed sẽ rơi vào tình thế khó. Ngân hàng trung ương này không thể duy trì tăng lãi suất hơn 5% và có nguy cơ làm suy thoái sâu hơn. Mức nợ công kỷ lục của Mỹ - hiện hơn 31.000 tỷ USD hay tương đương khoảng 125% GDP - sẽ là một yếu tố cản trở khác.

Trong một kịch bản như vậy, sẽ có hai khả năng cho Fed. Một là tăng mục tiêu lạm phát lên trên 2% - điều mà nhiều nhà kinh tế ủng hộ. Họ chỉ ra rằng mục tiêu được đặt ra trong thời kỳ giảm phát và đã lỗi thời.

Hai là áp dụng chính sách đường cong lợi suất bằng cách mua các khoản nợ dài hạn hơn nhằm hạn chế lãi suất đối với các khoản thế chấp cùng các hình thức vay tiêu dùng và doanh nghiệp khác. Fed từ lâu đã phản đối việc làm này, nhưng những hoàn cảnh bất thường có thể buộc họ phải ra tay.

Trung Quốc “xoay trục” chính sách Covid-19

Những diễn biến ở Trung Quốc trong năm 2023 là một chủ đề khác được nhiều người cân nhắc. Ngày 7/12, Bắc Kinh hầu như đã từ bỏ chính sách Zero Covid mà nước này theo đuổi kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Chính sách đó bao gồm việc phong tỏa các thành phố lớn và những hạn chế đi lại nghiêm ngặt, dẫn đến thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế này.

Với nền kinh tế chuẩn bị mở cửa trở lại, hầu hết các dự báo cho kinh tế Trung Quốc năm 2023 nằm trong khoảng 4-5% (IMF dự đoán 4,4%).

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều khả năng sẽ phục hồi nhanh hơn nếu không phải đối mặt với thực tế là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này - gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và châu Á - đang tăng trưởng chậm lại, trong khi cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản vẫn đè nặng lên kinh tế nội địa.

Việc Trung Quốc đột ngột “xoay trục” khỏi chính sách Zero Covid cũng kéo theo rủi ro, nghiêm trọng nhất là khả năng lây nhiễm gia tăng khi những hạn chế đi lại và quy định cách ly được nới lỏng. Rủi ro sẽ tăng cao khi tỷ lệ tiêm phòng vaccine của người cao tuổi tương đối thấp trong khi số lượng giường, bác sĩ và y tá chăm sóc đặc biệt (ICU) ở mức cực thấp so với quy mô dân số ở Trung Quốc.

Nếu số ca nhiễm tăng vọt như đã xảy ra ở hầu hết các quốc gia khác trong suốt thời gian dịch bệnh, hệ thống y tế của Trung Quốc sẽ bị quá tải. Một số mô hình dịch tễ học đánh giá rằng, vào lúc cao điểm, nhu cầu đối với giường ICU tại Trung Quốc sẽ cao hơn gấp 10 lần so với công suất.

Điều này đồng nghĩa chính phủ có thể buộc phải thực hiện phong tỏa từng phần để hệ thống y tế có thể đối phó trong giai đoạn chuyển tiếp. Công việc này có thể diễn ra không suôn sẻ.

Tuy nhiên, một khi quá trình trên được hoàn tất (với hy vọng là trong nửa cuối năm 2023), nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và trở thành điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu, mặc dù điều này cũng có thể đẩy giá hàng hóa lên cao và làm tăng thêm lạm phát.

Giá dầu - vấn đề hóc búa

Trong số các loại hàng hóa, loại được theo dõi chặt chẽ nhất là dầu thô. Sau đợt tăng mạnh trong nửa đầu năm lên hơn 120 USD/thùng, giá dầu hiện ở mức khoảng 80 USD/thùng và mất hết lợi nhuận.

Sự đảo chiều trên chủ yếu do các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng chậm lại, trong khi Nga tiếp tục cung cấp dầu (chủ yếu cho Trung Quốc và Ấn Độ) bất chấp đang hứng chịu các lệnh trừng phạt.

Vào tháng 12/2022, Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã áp đặt giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga, nhằm hạn chế nguồn thu của nước này.

Tình hình hiện nay lại phụ thuộc vào một số yếu tố không thể lường trước được.

Giá dầu vẫn có thể xuống thấp hơn nếu Moscow không thể tránh được lệnh áp giá trần, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia vẫn mua dầu từ Nga có thể đàm phán về khoản chiết khấu cao hơn.

Giá vàng đen cũng sẽ giảm nếu suy thoái toàn cầu xảy ra và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) duy trì sản lượng như mức độ hiện nay.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn có thể tăng trở lại nếu xảy ra các điều kiện: Nga thực hiện lời đe dọa giảm nguồn cung dầu mỏ khi đối mặt với lệnh áp giá trần của phương Tây, OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng, nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng mạnh khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế và Mỹ bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược của mình sau khi kho này thu hẹp vào năm 2022.

Nhìn chung, nhiều nhà kinh tế cho rằng, giá dầu năm 2023 sẽ cao hơn hiện tại. Các nhà phân tích ở JP Morgan và Morgan Stanley dự báo, giá dầu sẽ ở mức trung bình hơn 90 USD/thùng vào năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng giá dầu, 'bóng ma' suy thoái, Trung Quốc 'xoay trục'... kinh tế toàn cầu 2023 sẽ đi về đâu?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).