Kiểm toán Nhà nước: Đầu tư vào các công ty thua lỗ, HUD3 cần chấn chỉnh tập thể, cá nhân ngay

25/11/2021 14:15

Tại báo cáo kiểm toán vừa công bố, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị HUD3 khắc phục nhiều tồn tại, trong đó, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm với tập thể, cá nhân trong đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty thua lỗ...

Kiểm toán Nhà nước mới đây đã có báo cáo kết quả kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD3 (mã chứng khoán: HU3- HOSE). Cơ cấu cổ đông của HUD3 tính đến thời điểm hiện tại gồm: Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và đô thị (HUD) nắm 51% vốn; cổ đông khác gồm ông Nghiêm Khắc Hùng nắm 9,02%; bà Vũ Hải Yến nắm 3,42%; Maybank Kim Eng nắm 3,76%; bà Nguyễn Lệ Thương nắm 2,72%; Đặng Ngọc Tốt năm 2,20%; còn lại là các cổ đông khác.

CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP THUA LỖ

Tại kết luận, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh HUD3 còn nhiều hạn chế tồn tại. Cụ thể, hạch toán giá vốn bán hàng tại dự án HUD Sơn Tây chưa phù hợp với quy định. Kiểm toán Nhà nước xác định lại giá vốn lũy kế của dự án đến thời điểm 31/12/20220 và điều chỉnh giảm 749 triệu đồng.

Tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp phát sinh trong năm 2020 số tiền 308,2 triệu đồng trong đó tăng theo kết quả kiểm toán là 129,8 triệu đồng do tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp số tiền 104,9 triệu đồng do xác định lại giá vốn Dự án Khu đô thị HUD Sơn Tây và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp số tiền 24,9 triệu đồng do phân bổ lại các khoản chi phí không được trừ theo các loại hình hoạt động kinh doanh.

Hạch toán tài sản cố định đối với phần diện tích 947,1 m2 tại Tòa nhà HUD3 Tower đã cho thuê thương mại là chưa phù hợp. Sau kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phân loại tài sản là Bất động sản Đầu tư theo đúng quy định.

Một số khoản nợ phải thu, nợ phải trả có tỷ lệ đối chiếu công nợ còn thấp. Phải thu về cho vay ngắn hạn 0,35%, phải thu khác 50%, khoản phải trả người bán đạt 63,9%, còn tồn đọng công nợ phải thu từ việc thực hiện các Hợp đồng xây lắp của các năm trước và các khoản tạm ứng qua nhiều năm của các đội thi công với giá trị 15,5 tỷ đồng.

Hàng tồn kho từ những năm trước chưa được thanh toán dứt điểm với chủ đầu tư như công trình Hệ thống thoát nước Bắc Ninh là 15,9 tỷ đồng; công trình phần thô nhà công vụ cơ khi Quang Trung 24,7 tỷ đồng; hạ tầng khu công nghiệp Đồng Mai 320 triệu đồng....

Đầu tư tài chính dài hạn từ năm 2007 vào Công ty CP Nikko không có hiệu quả, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính 1.297 triệu đồng từ những năm trước. Công ty đã có chủ trương thoái vốn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Công ty HUD3 cũng chưa nộp về Tổng công ty HUD tiền cổ tức được chia năm 2019 với số tiền 2,59 tỷ đồng.

Đồ họa: K.Linh.

Về tính kinh tế, hiệu quả, tổng tài sản, nguồn vốn là 262,8 tỷ đồng, đạt 68% so với năm trước. Vốn chủ sở hữu 151,1 tỷ đồng đạt 95%; tổng doanh thu 122,2 tỷ đồng đạt 25% so với năm trước lợi nhuận 1,8 tỷ đồng đạt 11% so với năm trước, cho thấy quy mô của doanh nghiệp giảm so với năm 2019. Chỉ tiêu lợi nhuận giảm nhiều, nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19.

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước là 129,7 triệu đồng. Thực hiện các biện pháp thu hồi các khoản nợ đến hạn và quán hạn. Tiếp tục thoái vốn đối với khoản đầu tư tài chính không hiệu quả; quyết toán các công trình xây lắp tồn đọng.

Đặc biệt, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm với tập thể, cá nhân trong đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty thua lỗ, chưa trả hết cổ tức chia năm 2019 cho Tổng công ty HUD theo quy định, chưa thực hiện một số thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2019.

Đối với Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị HUD chỉ đạo HUD3 thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo về HUD để tổng hợp báo cáo Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V.

CÚ TRƯỢT DỐC KHÔNG PHANH CỦA HUD3

Thời kỳ kinh doanh huy hoàng của HUD3 có lẽ là giai đoạn 2011 - 2012. Tuy nhiên, kể từ những năm sau đó là cú trượt dốc của doanh nghiệp khi lợi nhuận sụt giảm mạnh qua từng năm, từ 50 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 1 tỷ đồng vào năm 2020, thậm chí đến năm 2021 bắt đầu ghi nhận thua lỗ mạnh.

Báo cáo tài chính quý 3/2021 cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm một nửa, còn 26 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 839 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, HUD3 lỗ sau thuế 652 triệu đồng, tăng gấp đôi so với khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh nghiệp này lỗ 316,4 triệu đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 67 triệu đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Nợ phải trả tính đến 30/9/2021 là 146,5 tỷ đồng, tăng 31% và vượt vốn chủ sở hữu. Vay nợ tài chính tăng từ 19 tỷ đồng năm ngoái lên 59 tỷ đồng năm nay, gấp 3 lần. HUD3 chính thức âm dòng tiền kinh doanh 38 tỷ đồng.

Đồ họa: K.Linh.

Theo lý giải của HUD3, trong quý 3/2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, công trình LKa22, LK 23, LK 24 dự án Kim Chung Di Trạch phải tạm dừng thi công. Shophouse Nha Trang thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Doanh thu kinh doanh bất động sản Dự án 60 Nguyễn Đức Cảnh kế hoạch đề ra 60 tỷ đồng nhưng không đạt. Hiện tại, HUD3 cũng vẫn chưa hoàn thành thủ tục xin chấp thuận chuyển nhượng dự án HUD Sơn Tây để ký hợp đồng trong quý 3/2021.

Đối với công tác xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng đến thời điểm hiện tại còn một số trường hợp tại các dự án chưa cấp được giấy chứng nhận như Dự án CT3 Linh Đàm, Dự án Khu đô thị mới Vân Canh, Khu Đô thị mới Việt Hưng 6 căn, Dự án HUD3 Nguyễn Đức Cảnh gồm phần diện tích thương mại T1 và T2 và phần diện tích thương mại thuộc sở hữu Hanel.

Bạn đang đọc bài viết "Kiểm toán Nhà nước: Đầu tư vào các công ty thua lỗ, HUD3 cần chấn chỉnh tập thể, cá nhân ngay" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).