Kinh tế xanh và bản lĩnh tiên phong của Việt Nam

25/01/2023 12:45

Kinh tế xanh không mới, song ở vị thế của một nền kinh tế đang phát triển, việc tuyên bố theo đuổi chuyển dịch sang mô hình này thể hiện ý chí và bản lĩnh tiên phong mang tên Việt Nam.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Bản lĩnh ấy không chỉ được đánh dấu bằng cam kết ấn tượng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26, mà còn ở sự thay đổi của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hồi đầu năm nay, VinFast – một doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam - đã đưa ra chương trình khuyến mãi mang tên “Người tiên phong tri ân người tiên phong”, với những ưu đãi đặc biệt dành cho các khách hàng đồng hành khai phóng kỷ nguyên xe điện toàn cầu – những người tiên phong lựa chọn phong cách sống xanh.

Việc này cho thấy một thực tế đầy tích cực, rằng xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã không dừng lại ở khẩu hiệu, mà bắt đầu hiện hữu trong hành động của doanh nghiệp và sự hưởng ứng của người tiêu dùng.

Thật vậy, một khảo sát của Nielsen Việt Nam từng chỉ ra rằng, khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Có tới 80% người tiêu dùng lo ngại về tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo, và hơn 3/4 người được hỏi sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu không mong muốn.

Những con số này càng khẳng định rằng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đã lan tỏa khắp nền kinh tế, từ tư duy, hành động của nhà nước, tới thực thi ở doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thay đổi tư duy để dẫn đầu xu hướng

Hiểu một cách đơn giản, kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội.

Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua đầu tư của nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học của hệ sinh thái.

Ý tưởng về kinh tế xanh được Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) khởi xướng vào những năm 2007 – 2008, khi thế giới phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng cùng lúc, như khủng hoảng về khí hậu và đa dạng sinh học, khủng hoảng nhiên liệu, khủng hoảng lương thực, và nghiêm trọng nhất là cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu.

Mô hình kinh tế cũ với động lực tăng trưởng dựa phần lớn vào các hoạt động kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và mức tăng trưởng nhanh nhờ khai thác tối đa các nguồn tài nguyên nhiên thiên, đã bộc lộ nhiều vấn đề.

Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển đánh giá rằng, từ vị thế là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên thành một thị trường mới nổi năng động, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo đó, 100 triệu người dân Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu, đối mặt với những hiểm họa, đặc biệt là dọc theo các vùng trũng ven biển và đồng bằng ven sông rộng lớn của đất nước do mực nước biển dâng cao, bão và lũ lụt.

Biến đổi khí hậu không chỉ đặt ra thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp, mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu trên trường quốc tế trong cả công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã dựa vào năng lượng sản xuất từ than đá, một nguồn năng lượng tạo ra lượng phát thải khí nhà kính đáng kể.

Do đó, mô hình tăng trưởng cũ cần có sự điều chỉnh, dịch chuyển để đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn.

Tại Đại hội VI của Đảng, khái niệm phát triển bền vững với ba thành tố là kinh tế - xã hội - môi trường chưa được sử dụng chính thức, và vấn đề kết hợp giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường cũng chưa được đưa ra một cách trực tiếp.

Tuy nhiên, đây là kỳ đại hội đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nhận thức về phát triển đất nước, khi lần đầu tiên đặt ra yêu cầu phải có sự thống nhất giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, đồng thời, nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và các tài nguyên thiên nhiên khác.

Trong các kỳ đại hội Đảng sau đó, nội dung quan điểm về phát triển bền vững được đưa ra toàn diện, đầy đủ hơn, đi cùng với các giải pháp.

Quan điểm của Đại hội IX về phát triển bền vững là cơ sở lý luận khoa học để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 về việc ban hành Định hướng chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).

Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước về những định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam, trong đó chỉ rõ, phát triển bền vững là con đường tất yếu của đất nước.

Đại hội XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 nhấn mạnh: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược... Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh”.

Nhiều chiến lược quan trọng khác đã được xây dựng và ban hành, như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050…

Năm 2016, Đại hội XII một lần nữa khẳng định: “Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Không chỉ vậy, về vấn đề bảo vệ môi trường, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

COP26 - Dấu mốc ấn tượng của Việt Nam về kinh tế xanh

Sự dịch chuyển trong tư duy và định hướng của Việt Nam tới mục tiêu kinh tế xanh đã được đánh dấu bằng một cột mốc đầy ấn tượng khi Việt Nam đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Tại sự kiện quan trọng hàng đầu về khí hậu này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, song với lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã bày tỏ ấn tượng trước cam kết này, nhấn mạnh rằng, tuyên bố của Việt Nam thể hiện “tinh thần đi đầu về khí hậu thực sự”, đồng thời, nhấn mạnh “mong được hợp tác để hỗ trợ thực hiện cam kết quan trọng này”.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu. Chúng tôi đặc biệt khen ngợi cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu”.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, và đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020.

Có thể nói rằng, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên đưa nghĩa vụ thực hiện giảm phát thải đã cam kết vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện. Với Việt Nam, giảm nhẹ phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và môi trường, UNDP tại Việt Nam, đánh giá không chỉ là dấu mốc lớn về cam kết khí hậu, COP26 còn đánh dấu sự thay đổi ấn tượng về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị.

Các lãnh đạo, các nhà làm chính sách của Việt Nam đều thấy và hiểu rằng cam kết net zero không chỉ dừng lại ở phát biểu, mà là mục tiêu phải thực hiện một cách nghiêm túc. Ngay cả người dân cũng cảm nhận được “sức nóng” từ cam kết này, khi các thông tin liên quan xuất hiện dày đặc, và hiểu rằng, bản thân người dân cũng phải hành động vì mục tiêu chung.

Sau sự dịch chuyển về nhận thức là chuỗi hành động chưa từng có của Chính phủ.

Ngay sau khi trở về, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, đánh dấu bước đi đầu tiên của Việt Nam trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, địa phương, và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.

Tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo, nêu rõ: “Chống biến đổi khí hậu là vấn đề lớn của cả thế giới. Do là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề tác động tới toàn dân, mọi doanh nghiệp nên phải được tiếp cận toàn dân, mọi doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của vấn đề chống biến đổi khí hậu”.

Chỉ ít ngày sau cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Không chỉ vậy, sau khi COP26 kết thúc, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Đồng thời, Việt Nam cũng đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Trong năm 2022, Việt Nam đã thông qua nhiều chính sách pháp luật nhằm tiến tới hiện thực hóa mục tiêu net zero, như Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nội dung quy định trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022, quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon.

Đáng chú ý, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 896/QD-TTg về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đưa ra 87 biện pháp giảm phát thải kèm chi phí, tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện và theo dõi giám sát phát thải khí nhà kính.

Con đường của người tiên phong – nhiều hoa hồng nhưng cũng lắm chông gai

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 không chỉ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26 - Hành động của Việt Nam và kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, ông Tấn nhận định, cùng với gói Thỏa thuận khí hậu Katowice được thông qua tại COP24, gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26, Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris cơ bản được hoàn tất, sẽ là cơ sở để các quốc gia triển khai Thỏa thuận Paris trong nước, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, và huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp đầu tư cho ứng phó biến đổi khí hậu.

“Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu”, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho hay.

Theo ông Tấn, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao.

Việc cam kết đưa phát thải ròng về 0, và tham gia cam kết giảm phát thải khí methane đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, và đây cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã đưa ra các cam kết tài chính mới nhằm thực hiện các chương trình được đề ra tại COP26. Đơn cử, Mỹ, Nhật Bản đều tuyên bố sẽ đóng góp 10 tỷ USD trong 5 năm tới, Italy cam kết đóng góp 1,4 tỷ USD mỗi năm…

Cùng với đó, hàng loạt công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các công ty tài chính đã cam kết sử dụng quỹ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đơn cử, đầu năm nay, HSBC công bố cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam, và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030, nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26.

Trong thư gửi Chính phủ Việt Nam, HSBC đã trình bày kế hoạch tài trợ về tài chính lẫn chuyên môn cho các dự án xanh, dự án phát triển bền vững trọng điểm và có tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải các-bon của Việt Nam.

Đây là một phần trong cam kết về cân bằng khí thải của Tập đoàn HSBC, nhằm cung cấp từ 750 tỷ USD tới 1 nghìn tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ và đầu tư bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp khi họ chuyển sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và giảm phát thải các-bon.

Gần đây, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ, đại sứ Anh cho biết nhiều quỹ đầu tư của Anh sẵn sàng muốn đầu tư vào Việt Nam sau cam kết của Thủ tướng; khẳng định Vương quốc Anh sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững.

Bà Ngô Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE), đánh giá những kết quả của COP26 cùng với COP27 mới đây sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế cho mục tiêu tăng trưởng xanh.

Bà nhấn mạnh: “Việt Nam có thể góp phần hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, và trở thành một ví dụ tiêu biểu về hợp tác quốc tế hỗ trợ chuyển dịch năng lượng ở một quốc gia đang phát triển”.

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý các khoản tài trợ tài chính, tài trợ cho chính phủ thông thường sẽ đi kèm các khoản vay, và khi đó, sẽ tạo thêm áp lực cho vấn đề nợ công. Ngược lại, việc đặt ra trần nợ công sẽ tạo ra giới hạn với các khoản vay tài chính muốn vào Việt Nam, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

“Một số phân tích, nghiên cứu cho thấy rằng, việc đưa dòng tiền ODA vào Việt Nam khá khó khăn, ít nhất là trong 5 năm gần đây. Trong tương lai, trong trường hợp trần nợ công không có sự thay đổi, Việt Nam không có quyết định đặc biệt liên quan đến ODA, thì các khoản tài trợ vào Việt Nam – trừ tài trợ không hoàn lại, rất khó có thể đi vào thực tế”, bà phân tích.

Không chỉ vậy, sự thiếu liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp trung ương và địa phương cũng là thách thức lớn với các nhà tài trợ.

Chia sẻ đồng quan điểm, ông Lai cho rằng, thị trường hiện nay còn thiếu minh bạch, quy trình, thủ tục chưa rõ ràng, đồng bộ giữa các cấp, khiến nhà đầu tư “đi một bước lại vướng một bước”.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 – 2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.

Việc bù đắp thiếu hụt kinh phí liên quan đến thực hiện lộ trình xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon sẽ đòi hỏi có sự phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Nỗ lực mạnh mẽ có thể giúp huy động nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm.

Điều này có thể đạt được bằng cách huy động tín dụng xanh từ các ngân hàng, phát triển công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.

Công ty tư vấn McKinsey trong nghiên cứu gần đây nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi, giảm phát thải của Việt Nam không hề dễ dàng. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức của toàn hệ thống, và sẽ cần đầu tư đáng kể cho chuyển đổi, cũng như thay đổi lớn về tư duy và cách thức vận hành.

“Tuy nhiên, bằng việc phát huy những nỗ lực hiện có và triển khai trên tất cả các ngành, Việt Nam có thể thực hiện được cam kết của mình và duy trì tình trạng trái đất nóng lên dưới ngưỡng trọng yếu”, McKinsey khẳng định.

Lan tỏa tinh thần tiên phong

Cam kết từ người đứng đầu của Việt Nam không chỉ tạo ra nguồn cảm hứng và động lực cho cộng đồng quốc tế trong công cuộc tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, mà còn được cộng đồng doanh nghiệp trong nước hưởng ứng, cùng với sự dịch chuyển đầy tích cực của người tiêu dùng.

Có thể thấy, tư duy tăng trưởng xanh của Chính phủ đã lan tỏa tới tinh thần doanh nghiệp – những người tiên phong sẵn sàng hành động để đi cùng thời cuộc và nắm bắt cơ hội.

Phát biểu tại hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0” giữa tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu, và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

“Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp”, Thứ trưởng cho biết.

Có thể thấy, hành trình nước rút hướng đến net zero vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Trong đó, những doanh nghiệp tiên phong sẽ hưởng nhiều lợi thế từ việc kịp thời nắm bắt sự thay đổi trong các quy định pháp luật, định vị doanh nghiệp là một thương hiệu xanh phù hợp với nhận thức và tư duy tiêu dùng đang thay đổi của người tiêu dùng.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng có thể nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ mới và thâm nhập thị trường mới.

Một ví dụ điển hình cho cơ hội của những doanh nghiệp tiên phong tăng trưởng xanh chính là VinFast, khi mới đây, VinFast đã xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên ra thị trường quốc tế.

Sự kiện này đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam, khi lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do Việt Nam làm chủ và sản xuất chính thức tiến ra thế giới trong sự đón đợi của người tiêu dùng toàn cầu.

Tại thị trường nội địa, với việc tiên phong dẫn dắt làn sóng điện hóa phương tiện di chuyển tại Việt Nam, VinFast đã trở thành thương hiệu đầu tiên được người Việt nghĩ đến và cũng là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng khi chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường.

Cuối tháng 9 vừa qua, VinFast đã công bố tham gia cam kết khí hậu toàn cầu “The Climate Pledge” (TCP) – cam kết hướng tới mức phát thải các-bon bằng 0 vào năm 2040 do Amazon và Global Optimism đồng sáng lập.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup, Chủ tịch VinFast, cho biết: “VinFast tự hào trở thành thành viên Việt Nam đầu tiên của cam kết khí hậu toàn cầu TCP. Cam kết này sẽ đóng vai trò như một nền tảng cho các hoạt động tích cực, các thay đổi quan trọng và thể hiện cam kết vì môi trường của VinFast”.

Trước đó, đầu năm nay, VinFast đã công bố chiến lược thuần điện, tập trung phát triển dải sản phẩm xe điện thông minh và thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.

Ngoài giao thông, năng lượng là lĩnh vực then chốt quyết định tính khả thi của cam kết net zero mà Việt Nam đã đặt ra. Công ty nghiên cứu McKinsey cho biết, cũng như nhiều nước khác, phát thải của Việt Nam đến từ các hệ thống năng lượng và sử dụng đất, với khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính là từ ngành điện.

Theo đó, thời gian qua, Việt Nam đã có những hành động chính sách mạnh mẽ và quyết liệt, ban hành nhiều văn bản pháp luật có tính quyết định liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng. Trong đó có thể kể tới Nghị quyết 55 Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quyết định 1658 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hay Quyết định 2068 phê duyệt chiến lược phát năng lượng tái tạo.

Sự thúc đẩy của chính sách đã giúp lan tỏa tinh thần chuyển dịch tại các doanh nghiệp tư nhân, tạo nên một cuộc đua phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam gây ấn tượng với toàn cầu nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh với hàng loạt dự án lớn đứng đầu khu vực.

Đơn cử, giữa tháng 10/2020, Trungnam Group đã khánh thành dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á ở Ninh Thuận, và sau đó, ghi dấu ấn với hàng loạt dự án điện gió liên tục được triển khai, lớn nhất là dự án điện gió Ea Nam, với sản lượng 1,1 tỷ kWh.

Tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng mức công suất sở hữu lên thành 3,8GW năng lượng tái tạo và 1,5GW điện khí LNG, giữ vững vị thế là nhà đầu tư năng lượng tái tạo số 1 tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.

Ngoài Trungnam Group, BIM Group cũng là cái tên đáng chú ý trong làn sóng chuyển dịch năng lượng của doanh nghiệp tư nhân. Tháng 10/2021, dù tình hình dịch bệnh căng thẳng, BIM Group vẫn kịp vận hành thương mại nhà máy điện gió công suất 88MW tại Ninh Thuận.

Trước đó, trong hai năm 2019, 2020, BIM Group đã đấu nối ba dự án năng lượng mặt trời tổng công suất 404MW. Sở hữu gần 500 MW điện năng, BIM Group là một trong những nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất hiện nay. Với tầm nhìn trở thành nhà đầu tư tiên phong về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, doanh nghiệp này đặt mục tiêu phát triển ít nhất 1.000MW năng lượng sạch tới năm 2025.

Ngoài ra, TTC Energy cũng là cái tên gây chú ý, khi hiện đang là một trong các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam, sở hữu hàng trăm công trình trải dài khắp nhiều tỉnh thành.

Điện Gia Lai (GEC) – công ty thành viên của TTC Group – hiện là một trong những nhà đầu tư tư nhân lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sở hữu hơn 600MW điện bao gồm cả thủy điện, điện gió và điện mặt trời.

GEC là đơn vị đóng điện thương mại hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam gồm Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và Krông Pa (Gia Lai).

Hành động mạnh mẽ từ Chính phủ, cùng sự dấn thân vào lĩnh vực còn khá mới và nhiều khó khăn như năng lượng tái tạo từ những người dẫn đầu, đã lan tỏa tinh thần tới cộng đồng doanh nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực và “lấn sân”, như Lộc Trời, CTCP Nước – môi trường Bình Dương (Biwase), Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group)…

Sự bùng nổ của ngành năng lượng trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu net zero của Việt Nam đã tỏa sức nóng đến nhiều ngành nghề khác của nền kinh tế, với mục tiêu chung là đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế xanh dựa trên tăng trưởng xanh và bền vững.

Trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, Alma Resort ghi dấu ấn dẫn đầu với những “chuyển động xanh” đáng chú ý. Cuối tháng 2/2022, Alma cho biết đang triển khai lắp đặt hệ thống điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho toàn bộ khu nghỉ dưỡng. Theo đó, hơn 5.600 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt, với tổng diện tích 12.500 mét vuông.

Ước tính hệ thống này sẽ giúp Alma tiết kiệm lên đến gần 400 tỷ đồng chi phí điện năng, và giảm đến gần 73.000 tấn khí thải carbon (CO2) trong khoảng thời gian 25 năm, đóng góp vào mục tiêu không phát thải đầy tham vọng của Việt Nam vào năm 2050.

Ngoài giao thông, năng lượng, nông nghiệp – ngành chiếm tới hơn 15% tổng lượng phát thải khí nhà kính – cũng là ngành cho thấy nhiều chuyển động tích cực và dấu ấn tiên phong của các doanh nghiệp trong mục tiêu giảm phát thải.

Đơn cử, TH là một trong những doanh nghiệp dẫn dắt thực hiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thông qua chuỗi sản xuất hữu cơ, sản xuất năng lượng sạch, giảm phát thải các-bon, bảo vệ nguồn nước và hàng loạt giải pháp tiêu dùng bền vững.

Tận dụng diện tích trống trên những mái trang trại bò sữa, tập đoàn TH đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung ứng năng lượng xanh cho tổ hợp sản xuất sữa.

Bên cạnh đó, tập đoàn TH cũng áp dụng mô hình đồng phát điện để tận dụng bã mía và các loại phụ phẩm để đảm bảo năng lượng cho quá trình hoạt động sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và giảm mạnh lượng khí CO2 phát thải ra môi trường.

Tại Vinamilk, 100% trang trại đang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời. Hệ thống xử lý chất thải hiện đại cùng công nghệ biogas giúp giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2.

Ngoài ra, Vinamilk còn dành 15 tỷ đồng cho hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến net zero, dự kiến sẽ triển khai từ năm sau.

Sự thay đổi trong tư duy và hành động của những người làm chính sách, tới sự hưởng ứng và làn sóng tiên phong tăng trưởng xanh của nhiều doanh nghiệp, đã tạo hình một Việt Nam hành động và dẫn đầu hành trình thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế xanh và bản lĩnh tiên phong của Việt Nam" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).