Trận chung kết “vô tiền khoáng hậu” giữa Argentina - Pháp khép lại kỳ World Cup hay nhất lịch sử, theo lời khẳng định của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. World Cup 2022 dẫn đầu lịch sử về tổng số bàn thắng (172), ghi nhận những lần đầu tiên và kỷ lục bị phá vỡ: trọng tài nữ đầu tiên bắt chính World Cup, 18 thẻ vàng trận tứ kết Argentina - Hà Lan, châu Á lần đầu có 3 đại diện vào vòng 1/8, quốc gia châu Phi lần đầu lọt tới bán kết…
World Cup khép lại với chiến thắng của Messi và Argentina.
Ấn tượng châu Á
Với gần 12 năm chuẩn bị, chi đến 200 tỷ USD cho giải đấu, Qatar đã biến World Cup 2022 thành sân khấu bóng đá xa hoa nhất lịch sử. Khoản đầu tư khổng lồ ấy vượt xa tất cả các kỳ World Cup gần nhất.
Từ lễ khai mạc đến bế mạc, thậm chí trong mỗi trận đấu, chủ nhà Qatar luôn gây ấn tượng khó phai bằng màn trình diễn âm thanh ánh sáng động động. Buổi lễ bế mạc World Cup 2022 mang tên "A Night to Remember" không chỉ là lời tạm biệt, mà còn khẳng định một kỳ World Cup đáng nhớ nhất.
Lusail, sân vận động diễn ra lễ bế mạc và trận chung kết, là “kỳ quan” của nước chủ nhà dành riêng cho World Cup 2022. Nó mô phỏng một chiếc thuyền “mọc” lên giữa sa mạc, chứng kiến những khoảnh khắc ấn tượng nhất World Cup 2022 của nhà vô địch Argentina, từ thất bại bất ngờ trước Saudi Arabia ở ngày mở màn, đến hai trận thắng đầy cảm xúc trước Hà Lan và Pháp.
Nhật Bản thắng cả Đức và Tây Ban Nha.
Chiến thắng lịch sử, địa chấn World Cup, nỗi buồn bóng đá Nam Mỹ và châu Âu, sự trỗi dậy của bóng đá châu Á… xuất hiện đầy “trending” trên mạng xã hội sau vòng bảng World Cup 2022. Hàn Quốc đánh bại Bồ Đào Nha, Saudi Arbia thắng Argentina, Nhật Bản xuất sắc vượt qua cả Đức và Tây Ban Nha, tiễn “cỗ xe tăng” về nước sớm… là những chiến tích đáng nể của bóng đá châu Á.
Trong suốt lịch sử World Cup, thành tích cao nhất của bóng đá châu Á chính là tấm vé bán kết của đội tuyển Hàn Quốc năm 2002. Nhưng tựu chung, số lần vượt qua vòng bảng của các đại diện châu Á chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia dù bị loại ở vòng 1/8 nhưng cũng mang lại sự tự hào cho người hâm mộ châu Á, bên cạnh công tác tổ chức ấn tượng của nước chủ nhà Qatar.
CĐV Nhật Bản gây ấn tượng mạnh trên khán đài.
Câu chuyện cổ tích Morocco
Đánh bại Bỉ - đội xếp hạng 2 FIFA - ở vòng bảng và vượt qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha - hai ứng viên vô địch - ở vòng loại trực tiếp là kỳ tích đối với Morocco. Họ trở thành đội bóng châu Phi và quốc gia Ả Rập đầu tiên lọt vào bán kết World Cup. Công đầu trong hành trình lịch sử này thuộc về HLV Walid Regragui.
Hành trình của Walid Regragui mấy tháng gần đây giống hệt một câu chuyện cổ tích bóng đá. 8 tháng trước, khi “Sư tử Atlas” vượt qua vòng loại World Cup 2022, có trí tưởng tượng phong phú đến đâu, cựu hậu vệ phải này cũng không ngờ rằng mình sẽ ngồi trên băng ghế chỉ đạo suốt giải đấu.
Regragui là người Morocco sinh ra tại Pháp. Ông đã tập hợp một đội tuyển có nhiều yếu tố quốc gia nhất tại World Cup 2022, với 14 trong số 26 cầu thủ sinh ra bên ngoài lãnh thổ Morocco, đến từ 6 quốc gia khác nhau, một số thậm chí còn khoác áo tuyển quốc gia trẻ nơi họ sinh sống (Canada, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Italy).
Là một người thông minh, kỹ năng thuyết phục tốt, nói được tiếng Pháp, tiếng Ả Rập và tiếng Anh - là những thế mạnh giúp Regragui biến những nhân tố tưởng như rời rạc trong đội hình thành mắt xích quan trọng cho hành trình lịch sử ở Qatar.
Dừng bước ở bán kết, đoạt vị trí thứ tư World Cup 2022 vẫn là thành công ngoài mong đợi của Morocco. Hành trình của họ tại World Cup có thể là câu chuyện hay nhất của giải đấu, đồng thời truyền cảm hứng cho các nền bóng đá ngoài Nam Mỹ và châu Âu.
Chưa một nền bóng đá nào ngoài hai khu vực trên lên ngôi ở World Cup, nhưng với những gì các đội bóng châu Á và Morocco đã thể hiện, người hâm mộ hoàn toàn có thể hy vọng về một ngày không xa, kỷ nguyên mới của bóng đá thế giới sẽ mở ra.
Màn chuyển giao thế hệ Messi - Mbappe
Sau trận bán kết, sự “hỗn loạn” đã phải nhường chỗ cho trật tự vốn có: hai đội bóng châu Âu và Nam Mỹ gặp nhau ở chung kết.
Argentina vs Pháp xứng đáng là cuộc chạm trán giữa hai gã khổng lồ đại diện cho hai trường phái như nước với lửa (Nam Mỹ với châu Âu), là nơi chuyển giao thế hệ giữa Lionel Messi và Kylian Mbappe. Trong cuộc chiến ấy, Messi và Argentina đã thắng, nhưng Mbappe cũng không hẳn là kẻ thua cuộc.
Messi, trong trận đấu cuối cùng ở World Cup, đã trải qua một đêm đầy cảm xúc, vỡ òa khi giấc mơ lớn nhất cuộc đời anh nằm gọn trong tay: Cúp vàng World Cup. Cuộc tranh cãi tưởng chừng không hồi kết, xem ai là cầu thủ vĩ đại nhất giữa anh và Cristiano Ronaldo, dường như đã có lời giải.
Mbappe thua trận chung kết World Cup ở lần thứ 2 tham dự, khi anh mới 24 tuổi.
Trong đêm Lusail, trước sự chứng kiến của gần 90.000 khán giả, M10 đã chạm tay vào chiếc cúp, hạnh phúc trao nụ hôn cho “crush” mà anh theo đuổi suốt gần 20 năm qua, cùng đồng đội giơ cao biểu tượng số 1 bóng đá thế giới trong sự phấn khích và vui sướng tột độ.
Sau khi giành được chiếc cúp vàng thế giới, Messi đã hoàn thành bộ sưu tập vô địch, cũng là mảnh ghép cuối mà anh còn thiếu. Ở tuổi 35, Messi đã là nhà vô địch World Cup, vô địch Nam Mỹ, lên ngôi tại Champions League, Cúp vô địch thế giới các câu lạc bộ, Olympic, giải vô địch trẻ thế giới; chủ nhân 7 Quả bóng vàng (Ballon d’Or)…
Messi giống như vị cứu tinh của đội tuyển Argentina. Và anh sẽ không dừng lại sau World Cup 2022. Nhà đương kim vô địch World Cup khẳng định, sẽ tiếp tục thi đấu vì màu cờ sắc áo. Anh muốn khoác trên mình chiếc áo có 3 ngôi sao, tượng trưng cho 3 lần vô địch bóng đá thế giới, lâu nhất có thể.
Mbappe là tương lai của bóng đá thế giới.
Tuyển Pháp thua, nhưng Mbappe thì không. Anh đã ghi 8 bàn trong một kỳ World Cup, là Chiếc giày vàng World Cup ghi nhiều bàn thắng nhất sau Ronaldo năm 2002 (cùng 8 bàn). Anh ghi 12 bàn chỉ sau hai kỳ World Cup, chỉ kém Messi đúng 1 bàn. Việc anh vượt qua Fontaine (13 bàn tại các kỳ World Cup) để trở thành chân sút số 1 trong lịch sử đội tuyển Pháp tại các kỳ World Cup xem ra chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khi chiều hoàng hôn buông xuống bóng lưng Messi, cũng là lúc ánh bình minh đón chào Mbappe. Chung kết World Cup 2022 xứng đáng là trận cầu kinh điển trong lịch sử bóng đá, và có thể là cột mốc đánh dấu bước chuyển mình của một thế hệ mới.
Ronaldo - Nỗi buồn ở lại
5 giải đấu, 22 trận, 8 bàn thắng, 2 kiến tạo, 0 cúp vô địch, Ronaldo đã trải qua hành trình tìm kiếm vinh quang World Cup suốt 20 năm. Nhưng không có phép màu hay hoa hồng trải cuối con đường dành cho siêu sao sinh năm 1985.
Sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu tứ kết Morocco - Bồ Đào Nha vang lên, Cristiano Ronaldo cúi mặt, lấy tay ngăn những giọt nước mắt và lầm lũi bước vào đường hầm, kết thúc buồn cho kỷ nguyên của anh tại World Cup.
Sau Qatar 2022, người hâm mộ sẽ không bao giờ được nhìn thấy người đàn ông có đôi mắt cương nghị và khao khát thắng trận như chiến binh ở đấu trường World Cup nữa.
Vô số anh hùng và chiến binh thường gục ngã vào giây phút cuối cùng trước giấc mơ của họ. Từ Achilles đến Julius Caesar trong dòng chảy lịch sử, từ thế hệ vàng bóng đá tổng lực Hà Lan 3 lần gục ngã ở chung kết World Cup hay “người ngoài hành tinh” Ronaldo (Brazil) chưa một lần chạm tay vào cúp bạc Champions Leagues…
Ở tuổi 37, dù không muốn thừa nhận, nhưng thực tế phũ phàng chứng minh Ronaldo đã già, sức mạnh bùng nổ của anh không còn gây ra mối đe dọa cho Morocco như 4 năm trước, với bàn thắng duy nhất loại đối thủ khỏi vòng bảng World Cup 2018. Có lẽ ở khoảnh khắc rơi nước mắt, Ronaldo cũng nhận ra anh không còn bất cứ cơ hội nào với chức vô địch World Cup trong đời, dưới tư cách cầu thủ.
Ronaldo khép lại World Cup cuối cùng của sự nghiệp với lùm xùm trên băng ghế dự bị.
Mùa Đông là mùa chia tay, với Ronaldo, anh không còn cơ hội tỏa sáng như thời đỉnh cao tại World Cup, bởi khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tổ chức tại Bắc Mỹ 4 năm nữa, anh đã 41 tuổi. CR7 không bao giờ muốn trở thành một nhà thông thái như anh hùng Hy Lạp Odysseus, anh thích chiến đấu như Achilles bằng tuổi trẻ và niềm đam mê của mình.
Nhưng Ronaldo cũng sẽ già đi, và cuối cùng người hùng trẻ tuổi với những pha bứt tốc kinh hoàng và bật nhảy cao hơn cả cầu môn đối phương, mang về cho Bồ Đào Nha hai chức vô địch châu Âu (Euro, Nations League) cũng chỉ còn là ký ức đẹp.