Liên minh Điện gió ngoài khơi: Nâng công suất điện gió toàn cầu lên 380GW

09/11/2022 17:12

Nhằm khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) đặt mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng để đạt tổng công suất lắp đặt ít nhất 380GW vào cuối năm 2030.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), 9 quốc gia gồm Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Colombia, Ireland, Na Uy và Hà Lan, đã thông báo quyết định tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA). Động thái này thể hiện cam kết tăng cường phát triển điện gió ngoài khơi nhanh chóng để giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và an ninh năng lượng.

Tại COP27, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, kiêm Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Đức, bà Jennifer Lee Morgan, khẳng định nền kinh tế lớn nhất châu Âu là nhà sản xuất điện gió ngoài khơi lớn thứ ba thế giới và nước này hiện có kế hoạch tăng mạnh công suất. Bà Jennifer Lee Morgan cũng cho rằng, "cơ hội tận dụng bí quyết và kỹ năng của mình trong không gian ngoài khơi và có thể giúp các nước khác xây dựng hoặc tự tăng công suất sản xuất điện gió ngoài khơi”.

Được biết, Đức là quốc gia có công suất điện gió ngoài khơi lớn thứ ba trên toàn cầu với khoảng 8 GW. Kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Đức dự định tăng công suất lên ít nhất 30 GW vào năm 2030 và 70 GW vào năm 2045. Bên cạnh khủng hoảng khí hậu, cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng hiện nay, do chiến tranh của Nga - Ukraine, là một lý do khác để chúng tôi tăng gấp đôi nỗ lực của mình. Tham gia GOWA, Đức sẽ chia sẻ kinh nghiệm để giúp các quốc gia khác xây dựng hoặc tăng công suất sản xuất điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.

Liên minh Điện gió ngoài khơi: Nâng công suất điện gió toàn cầu lên 380GW - Ảnh 1 9 quốc gia (Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Colombia, Ireland, Na Uy và Hà Lan) quyết định tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA).

Theo dự báo của Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten, “Biển Bắc sẽ chuyển đổi thành nhà máy điện lớn bền vững”, đồng thời tin tưởng “với sự tăng tốc xanh này, thế giới có thể thay thế khí đốt và dầu nhanh hơn”. Trong những năm qua, Bỉ là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng với công suất điện gió ngoài khơi tăng gấp bốn lần vào năm 2040 ở Biển Bắc của Bỉ, xây dựng một hòn đảo năng lượng hỗn hợp và các kết nối mới với Các nước Biển Bắc. 

Với giải pháp trên, thế giới sẽ tăng cường sự độc lập về năng lượng, giảm hóa đơn cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp và giảm lượng khí thải CO2. Sự ra mắt của liên minh này là một cơ hội tuyệt vời để xuất khẩu kiến thức và chuyên môn của Bỉ trong lĩnh vực này sang các khu vực khác trên thế giới, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”.

Theo Tomas Anker Christensen, Đại sứ Khí hậu của Đan Mạch, cho biết: “Điện gió ngoài khơi là trọng tâm để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và loại bỏ dần năng lượng được sản xuất bởi nhiên liệu hóa thạch. Với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế và các tác nhân từ toàn bộ chuỗi giá trị, Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu ra đời để tạo động lực chính trị và thúc đẩy hành động bằng cách chia sẻ các phương pháp hay nhất để đảm bảo một nguồn điện hiệu quả, tiết kiệm chi phí và công bằng chuyển tiếp sang điện gió ngoài khơi”.

Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) do Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Đan Mạch và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu khởi xướng hồi tháng 10/2022, nhằm tập hợp các Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi. Các quốc gia tham gia GOWA đã đồng ý cùng nhau hợp tác để thúc đẩy các tham vọng quốc gia, khu vực và toàn cầu và xóa bỏ các rào cản đối với việc triển khai điện gió ngoài khơi tại các thị trường mới và hiện tại.

Ngoài ra, điện gió ngoài khơi có thể được triển khai ở quy mô lớn, trong khung thời gian ngắn và với chi phí cạnh tranh - đây là một lộ trình nhanh chóng và khả thi để thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và tốc độ thực hiện hiện tại.

Theo đó, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều kỳ vọng rằng công suất điện gió ngoài khơi sẽ cần vượt quá 2000GW vào năm 2050, từ mức chỉ hơn 60GW hiện nay, để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp và đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Để đạt được mục tiêu này, GOWA sẽ đặt mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng để đạt tổng công suất lắp đặt ít nhất 380GW vào cuối năm 2030.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn, nguồn nhiệt điện khí hoá lỏng có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới…

Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng: Cần đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Đồng thời, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên gần 4.000 MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến 2045, tổng công suất điện gió khoảng 122,45 GW, trong đó điện gió ngoài khơi là 66,5 GW.

 

Bạn đang đọc bài viết "Liên minh Điện gió ngoài khơi: Nâng công suất điện gió toàn cầu lên 380GW" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).