Vinafood 2 chưa thoát khỏi thua lỗ kể từ khi Tập đoàn T&T rót vốn thành nhà đầu tư chiến lược.
Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, mã: VSF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021. Theo đó, trong quý, doanh thu thuần của công ty 4.102 tỷ đồng, tăng 13,6%, doanh thu tài chính tăng 60%.
Dù vậy, chi phí tài chính lại vọt tăng mạnh 173%, chi phí bán hàng tăng gần 82% cộng thêm khoản lỗ gần 3,3 tỷ đồng từ công ty liên kết, nên dù có thêm 37 tỷ đồng từ thu nhập khác, sau thuế công ty vẫn ghi nhận lỗ ròng 87,2 tỷ đồng, mức lỗ tăng 141,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, Vinafood 2 đã có 9 quý liên tiếp thua lỗ, kéo dài kể từ quý IV/2019.
Lũy kế cả năm 2021, Vinafood 2 đạt doanh thu thuần 16.563 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ, song lợi nhuận gộp giảm so với năm 2020 do giá vốn tăng cao. Sau khi trừ chi phí, công ty ghi nhận lỗ ròng 326 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm trước. Như vậy, kết thúc năm 2021, "vua" xuất khẩu gạo một thời đã có tổng số lỗ lũy kế lên 2.677 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, nguyên nhân thua lỗ là do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nên tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, chi phí phát sinh lớn. Trong năm qua, tồn kho của công ty lên tới 1.412 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản hợp nhất của công ty là 6.520 tỷ đồng, giảm 3,6%, trong khi nợ phải trả lại tăng 1,8% lên 3.965 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng vọt 30.8% lên 1.898 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, công ty vẫn còn tới 1.282 tỷ đồng nợ xấu tại một loạt doanh nghiệp, giá trị có thể thu hồi chỉ còn 6,5 tỷ đồng. Hiện công ty đã trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản nợ xấu này.
Hiện Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất của Vinafood 2, ngoài ra, Tập đoàn T&T nắm 25% vốn.
Đầu năm nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, đã có buổi làm việc với công ty. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo Vinafood 2 cho hay, nguyên nhân khiến công ty thua lỗ là do Covid-19 tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu, chi phí tăng cao. Công ty lại thiếu vốn lưu động nên hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay tín dụng, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Vinafood 2 còn chịu gánh nặng chi phí tài chính đối với phần vốn thiếu hụt không phục vụ hoạt động do xử lý tài chính. Bên cạnh đó, bộ máy công ty cồng kềnh, lãnh đạo thayd dỏi liên tục… cũng khiến công ty hoạt động kém hiệu quả.
Với các biện pháp tái cơ cấu đang thực hiện, lãnh đạo Vinafood 2 kỳ vọng năm 2022 sẽ tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng các khoản chi phí quản lý; giảm 70 tỷ đồng chi phí khấu hao tài sản; thanh lý tài sản không dùng đến và thu hồi vốn về được hiệu quả khoảng 80 tỷ; dự kiến Tổng công ty sẽ thu cổ tức từ các công ty cổ phần là 55,9 tỷ đồng; thoái vốn tại các công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty thu về 60 tỷ đồng.