Masan Group (MSN): Điểm mạnh và bất lợi trong bức tranh tài chính

17/08/2021 15:25

6 tháng đầu năm, Masan Group báo lãi gần 1.400 tỷ đồng, song bức tranh tài chính lại không hẳn tươi sáng hoàn toàn.

6 tháng đầu năm 2021, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) ghi nhận 41.898 tỷ doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.396 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ 162 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái.

Trong nửa đầu năm, tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ MEATLife với 9.635 tỷ đồng, tăng đến 34% so với cùng kỳ và đóng góp hơn 23% tổng doanh thu. Làn sóng Covid-19 khiến nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội trong đó có Tp.HCM, Hà Nội đã thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm lên cao.

Năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu đạt 92.000-102.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.500-4.000 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 41-45% kế hoạch doanh thu và 35-56% chỉ tiêu lợi nhuận.

Sức khỏe tài chính của MSN ra sao?

Tình hình kinh doanh khá ấn tượng song bức tranh tài chính tại MSN lại không hẳn tươi sáng hoàn toàn.

Thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Masan lên đến 120.697 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm trong đó tiền, tương đương tiền và tiền gửi đã tăng gần 50% so với đầu kỳ lên gần 12.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ phải trả tại MSN đang chiếm tỷ lệ khá cao, giá trị nợ tại thời điểm 31/3/2021 ở mức 89.260 tỷ đồng, con số này đã giảm nhẹ so với đầu năm nhưng vẫn chiếm tới 74% tổng tài sản và lớn gấp hơn 2,8 lần vốn chủ sở hữu (31.437 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn có giá trị lên tới gần 38.125 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn của MSN (34.399 tỷ đồng). Yếu tố này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tài sản ngắn hạn chính là nguồn vốn mà doanh nghiệp thường phải chi ra để sử dụng trong các hoạt động mua sắm, bảo trì các thiết bị; máy móc. Cùng với đó là việc mua sắm nguyên liệu, hàng hóa nhằm mục đích sử dụng cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, tài sản ngắn hạn có thể coi như một điều kiện tiên quyết của tất cả quá trình sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, nợ phải trả tại MSN chủ yếu đến từ các khoản nợ vay tài chính ghi nhận hơn 61.119 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm nhưng vẫn chiếm tới 68%. Như vậy, nợ vay tại MSN đã vượt qua vốn chủ sở hữu.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, MSN có 11.544 tỷ đồng tiền mặt (và các khoản tương đương tiền) cùng 437 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này đạt gần 11.982 tỷ đồng chỉ có thể giải quyết được khoảng hơn 50% các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cùng khoảng 30% các khoản nợ ngắn hạn.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại MSN.

Do tăng cường hoạt động vay nợ dẫn tới chi phí lãi vay tại MSN trong 6 tháng đầu năm tăng 54% lên mức 2.374 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ của MSN hơn 2.779 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2020.

Bạn đang đọc bài viết "Masan Group (MSN): Điểm mạnh và bất lợi trong bức tranh tài chính" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).