2 lô "đất vàng" tại Thủ Thiêm lại về tay doanh nghiệp vô danh với giá hàng nghìn tỷ
Ngày 10/12, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP HCM) đã tổ chức bán đấu giá 4 lô đất mang ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 thuộc khu chức năng số 3, khu dân cư phía bắc, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).
Trong phiên sáng, lô 3-5 đã được bán thành công với giá 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm. Lô đất này có diện tích 6.446m2, ban đầu được bán với giá khởi điểm hơn 578 tỷ đồng và ghi nhận có 21 doanh nghiệp tham gia. Sau 130 lượt trả giá, đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Dream Republic với giá trúng thầu lên tới 3.820 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần so với giá khởi điểm.
Lô đất này có hệ số sử dụng đất là 2,92, được xây dựng cao từ 4- 10 tầng nổi, 1 tầng hầm, mật độ xây dựng tối đa khối đế là hơn 72%, khối tháp hơn 54%. Dân số cư trú tối đa tại khu đất này là 1.067 người, với 113 căn hộ, không có sàn thương mại. Doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được giao đất kể từ ngày có quyết định công nhận trúng đấu giá.
Tiếp đó, lô 3-8 có với diện tích 8.500 m2 cũng được đấu giá với 10 doanh nghiệp đăng ký. Qua 67 lượt trả giá kết quả, Công ty Cổ phần Sheen Mega đã thành công trở thành đơn vị phát triển dự án khi bỏ ra số tiền 4.000 tỷ đồng, cao gấp 4 lần giá khởi điểm.
Khu này được xây dựng cao 4-25 tầng nổi và 2 tầng hầm, mật độ xây dựng tối đa khối đế là gần 70% và khối tháp có mật độ xây dựng gần 45% diện tích.
Năng lực hạn chế, doanh nghiệp đấu giá "cho vui" hay là vật "thế thân" cho Vạn Thịnh Phát?
Trên thực tế, qua tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, cả hai doanh nghiệp: CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega đều có những mối liên hệ mật thiết tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Tập đoàn bất động sản hàng đầu TP HCM.
Theo đó, Dream Republic (Dream Republic) là doanh nghiệp tương đối non trẻ, thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng. Trong đó, 3 cổ đông sáng lập là bà Trần Thị Mộng Linh (sinh năm 1979), ông Đặng Minh Thắng (1985), ông Trương Ích Quốc (1979) lần lượt đăng ký góp vốn 120 tỷ đồng, 90 tỷ đồng và 90 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 40%, 30% và 30% vốn.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Mộng Linh. Ngoài Dream Republic, bà Linh còn đứng tên tại Công ty TNHH Tú Linh, Công ty TNHH Speed Pro và tham gia góp vốn vào Công ty Cổ phần Peak Performance.
Một nhân vật đặc biệt hơn là ông Đặng Minh Thắng. Doanh nhân gốc Quảng Bình đã và đang đảm trách nhiều pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Trong đó, tại CTCP Công nghệ Innoware, ông Thắng là Chủ tịch HĐQT, trong khi 2 Thành viên HĐQT còn lại là bà Trương Huệ Vân và ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh).
Còn ông Trương Ích Quốc là chủ pháp nhân Công ty TNHH Golden Universe, đồng thời cũng góp vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư City Field.
Còn với CTCP Sheen Mega, doanh nghiệp bỏ ra số tiền 4.000 tỷ đồng để thâu tóm lô đất 3-8 diện tích 8.568 m2 thì lại mới được thành lập tháng 11/2019, đặt trụ sở tại 32 Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM, với vốn đăng ký là 500 tỷ đồng. Ba cổ đông của doanh nghiệp này là bà Nguyễn Thị Huyền (1985), bà Đặng Thị Hồng Hạnh (1996) và ông Nguyễn Ngọc Hiếu (1989). Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật hiện là bà Nguyễn Thị Huyền.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1985 còn là cổ đông sáng lập tại Công ty Đắc Vạn Hưng. Đắc Vạn Hưng gián tiếp sở hữu số cổ phần CTCP Tập đoàn Peninsula được Ngân hàng SCB định giá 2.285 tỷ đồng vào đầu năm 2021.
Qua điều tra của báo Nhà báo & Công luận, ngoài mối liên quan chung, một điểm giống nhau của hai doanh nghiệp vừa chi hàng nghìn tỷ đồng đấu giá đất Thủ Thiêm là cấu trúc tài sản và kết quả kinh doanh gần như chỉ mang tính "tượng trưng".
Như Dream Republic, tổng tài sản của doanh nghiệp này giai đoạn 2017 - 2020 chỉ vỏn vẹn 8,7 triệu đồng, 15,9 triệu đồng, 20 triệu đồng và 15,7 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng không hề phát sinh doanh thu kể từ khi thành lập. Sau 4 năm, Dream Republic lỗ lũy kế gần 450 triệu đồng
Tương tự Dream Republic, tổng tài sản của Sheen Mega tính tới cuối năm 2020 chỉ đạt vỏn vẹn 27,6 triệu đồng. Trong khi đó doanh thu thuần cũng ở mức 0 đồng, khấu trừ chi phí khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế trên 202 triệu đồng.
Nhìn vào kết quả kinh doanh "èo uột" của hai doanh nghiệp vừa bỏ hàng nghìn tỷ để thâu tóm hai lô đất vàng tại Thủ Thiêm với giá trên trời, các chuyên gia cho rằng, hai doanh nghiệp này khó có tiềm lực để thực hiện dự án. Liệu hai doanh nghiệp này chỉ là vỏ bọc của một tập đoàn lớn không tiện xuất hiện trong quá trình từng bước thâu tóm hàng loạt các vị trí vàng tại TP. HCM?