Năm 2023 là đỉnh đáo hạn trái phiếu bất động sản

06/02/2023 08:53

Mặc dù các hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra khá sôi động trong khoảng thời gian cuối năm 2022, tuy nhiên áp lực từ trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn nói chung và trái phiếu doanh nghiệp địa ốc nói riêng vẫn được đánh giá là khá lớn trong năm 2023.

giua-nam-2023-se-la-giai-doan-cang-thang-doi-voi-thi-truong-khi-ap-luc-trai-phieu-den-han-lon-1675486089.jpgGiữa năm 2023 sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn. Ảnh: Phan Anh

700.000 tỉ đồng trái phiếu cần đáo hạn

Năm 2023 - 2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với giá trị đáo hạn lên tới gần 700.000 tỉ đồng. Tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn.

Từ quý III/2022 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đối ảm đạm với khối lượng và giá trị phát hành sụt giảm mạnh. Dù vậy, những vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn luôn "nóng", đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, dư nợ trái phiếu tại các doanh nghiệp, các hoạt động mua lại trước hạn và trả nợ trái phiếu đến hạn…

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai dự án cũng như cân đối dòng tiền hoạt động.

Thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỉ đồng. Tính riêng trong tháng 1.2023, có gần 17,5 nghìn tỉ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10,5 nghìn tỉ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5,9 nghìn tỉ đồng.

ap-luc-tra-no-trai-phieu-cua-doanh-nghiep-dia-oc-van-rat-lon-trong-nam-2023-1675486131.jpgÁp lực trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp địa ốc vẫn rất lớn trong năm 2023. Ảnh: Phan Anh 

Doanh nghiệp trả nợ trái phiếu bằng cách nào?

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động về áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp trong năm nay, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định: "Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm nay và năm tới là rất lớn."

TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, để thanh toán trái phiếu đến hạn, các nhà phát hành có nhiều phương cách khác nhau như doanh nghiệp có dòng tiền, có lợi nhuận để thanh toán cho trái chủ. Nếu không có, họ có thể bán tài sản như bất động sản hoặc những tài sản khác để tạo ra dòng tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đàm phán với các trái chủ để gia hạn trái phiếu của mình hoặc đàm phán để chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành.

"Nếu tất cả những phương cách trên đều không khả thi, cuối cùng các nhà phát hành có quyền ra toà mở thủ tục phá sản, đây là cách cuối cùng và rất nguy hiểm cho nền kinh tế Việt Nam. Vì nếu một nhà phát hành tuyên bố phá sản có thể sẽ kéo theo nhiều nhà phát hành khác", TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Riêng đối với trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản, theo chuyên gia, tại thời điểm hiện tại, những phương cách này hầu như không khả thi.

"Dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản chỉ có thể tạo ra nếu bán được sản phẩm, họ vay tiền hoặc phát hành trái phiếu để có tiền, sau đó hoàn thành những dự án và bán sản phẩm để có dòng tiền trở lại để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện tại hầu như không có chuyển động nào lớn, thị trường trái phiếu cũng đóng băng.

Dẫn đến các nhà kinh doanh bất động sản, các tổ chức phát hành trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản hầu như không có tiền để hoàn thành dự án dẫn đến việc không có sản phẩm bán ra, không có sản phẩm bán cũng không tạo ra dòng tiền để thanh toán cho các trái chủ", TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Dù vậy, đối diện với áp lực trả nợ ngày càng lớn, thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh các hoạt động bán hàng với nhiều khuyến mãi, ưu đãi lớn. Thậm chí có dự án mở bán chiết khấu lên đến 50% giá trị sản phẩm nhằm thu hút khách mua, tạo ra dòng tiền…

Bên cạnh đó, các hoạt động chuyển nhượng dự án, "bán sỉ" bất động sản cũng được một số doanh nghiệp triển khai. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có khả năng tài chính đã đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn để giảm áp lực trả nợ, giảm chi phí lãi vay.

Các chuyên gia đánh giá, hoạt động này đã góp phần giảm quy mô số dư trái phiếu đang lưu hành, đồng thời giảm nhẹ tác động của kênh trái phiếu, dư nợ trái phiếu lên sự ổn định của hệ thống tài chính.

Bạn đang đọc bài viết "Năm 2023 là đỉnh đáo hạn trái phiếu bất động sản" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).