Theo Statista Research, tổng giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số ở Đông Nam Á đã đạt hơn 195 tỷ USD trong năm 2022, với số lượng người dùng sẽ tăng lên gần 500 triệu người vào năm 2027.
Sự bùng phát đại dịch toàn cầu đã đẩy nhanh quá trình số hóa, khuyến khích người dùng Đông Nam Á giao dịch trực tuyến và tận hưởng các tính năng cũng như phần thưởng từ các nền tảng fintech mới.
Là lĩnh vực còn non trẻ, fintech sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ phía người dùng bao gồm việc áp dụng, hiểu rõ cách thức hoạt động/quy định hoặc những cạnh tranh từ các tổ chức tài chính truyền thống, thiếu nguồn lực hay không đủ kinh phí.
Theo báo cáo của CNBC, các công ty công nghệ ở Đông Nam Á đã sa thải hàng trăm nhân viên để đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán sẽ còn có nhiều vụ sa thải hàng loạt nữa diễn ra trong những tháng tới trên nhiều lĩnh vực vì lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí vay và hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, các công ty đầu tư mạo hiểm vẫn liên tục huy động được vốn cho các quỹ đầu tư để tập trung cấp tiền cho các công ty khởi nghiệp có nền tảng cơ bản và quản trị doanh nghiệp tốt.
Giám đốc điều hành Sequoia Đông Nam Á - Abheek Anand chia sẻ với CNBC rằng, mọi chỉ số công nghệ đều đang tăng lên và sẽ tiếp tục như vậy trong dài hạn. Lĩnh vực fintech cũng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư vì các giải pháp của họ có thể sẽ tích hợp cùng các ngành công nghiệp khác.
Đồng quan điểm, ông William Dale, Phó Chủ tịch Mambu châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Năm 2023, chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng trong lĩnh vực ngân hàng số sẽ tiếp tục, với sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn trong toàn ngành khi nhiều ngân hàng số mới được cấp phép hoạt động ở một số quốc gia và các ngân hàng truyền thống cũng đang tiếp tục nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số".
Theo ông William Dale, kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng và ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ lớn được dự đoán sẽ tạo ra tác động đáng kể đến lĩnh vực ngân hàng số trong năm nay và kết hợp lại sẽ buộc các ngân hàng truyền thống phải dành nhiều nguồn lực hơn cho quá trình chuyển đổi ngân hàng số của họ.
Chẳng hạn, một số công ty công nghệ lớn đã lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính, như Grab, AEON và SEA Group, tất cả hiện là một phần của các tập đoàn đã có giấy phép ngân hàng số.
Trên toàn cầu, các "ông lớn" công nghệ như Apple, Amazon và Facebook cũng đã tạo ra những tác động đáng kể đến các dịch vụ tài chính và chúng ta kỳ vọng sẽ thấy điều này nhiều hơn nữa trong năm 2023.
Các ngân hàng và tổ chức fintech đều đã và đang nhận ra những lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng của việc nhúng các dịch vụ vào các nền tảng thương mại và siêu ứng dụng, tạo ra một hệ sinh thái các dịch vụ hoạt động liền mạch với nhau.
Theo đó, dịch vụ tài chính nhúng cho phép người tiêu dùng quản lý tất cả các hoạt động tài chính, công việc, sức khỏe, xã hội và “quản trị cuộc sống chung” của họ trên cùng một nền tảng hoặc một ứng dụng.
Với những lợi ích và tiện lợi đó, tài chính nhúng được dự đoán sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng trong năm 2023, khi ngày càng có nhiều công ty tích hợp các dịch vụ tài chính vào các sản phẩm và quy trình kinh doanh phi ngân hàng.
Theo Phó Chủ tịch Mambu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năng lực của tài chính nhúng cho phép các tổ chức cung cấp các giải pháp tài chính sáng tạo, thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng là điều sẽ giúp lĩnh vực này tiếp tục phát triển, với sự hợp tác hiệu quả, cùng có lợi giữa các ngân hàng, tổ chức fintech và nhà bán lẻ hoặc các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu khác.
Bên cạnh đó, bằng cách sử dụng tài chính nhúng, các nhà bán lẻ, B2B, B2C và các doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số (có khả năng thu thập dữ liệu) có cơ hội thêm các luồng doanh thu mới bằng cách khai thác cơ sở khách hàng hiện tại của họ.